Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm 33 năm hải chiến Gạc Ma (14-3-1988- 14-3-2021):

Người Quảng Bình ở Trường Sa

  • 08:31 | Chủ Nhật, 14/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Ghi chép của Mạnh Hùng
 
(QBĐT) - Cuộc sống vất vả, thiếu thốn, quanh năm đối mặt với hiểm nguy rình rập là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về cuộc sống của quân, dân trên quần đảo Trường Sa. Nhưng có trò chuyện, đi sâu tìm hiểu tâm tư, tình cảm các chiến sỹ nơi đây mới thấu hiểu được rằng còn nhiều lắm những hy sinh thầm lặng mà các anh luôn giữ cho riêng mình.
 
Trong số ấy, có rất nhiều người con quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”, giữa muôn vàn khó khăn, gian khổ, không chỉ giữ vững mà còn phát huy, lan tỏa khí chất người Quảng Bình, phẩm chất “dĩ công vi thượng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Chiến sĩ đảo Nam Yết tuần tra bảo vệ đảo.
Chiến sĩ đảo Nam Yết tuần tra bảo vệ đảo.
Trường Sa giờ đây thật kỳ diệu! Vật chất đủ đầy đã đành, tinh thần cũng đầy đặn. Ti vi, điện thoại thông minh kết nối mạng 3G 24/24. Mùa nào tháng nào, thậm chí hàng tuần đều có các đoàn nghệ thuật ra phục vụ quân dân. Rồi tiếng chuông chùa, thấp thoáng bóng áo nâu sòng thật gần gũi, thân thương… Ở Trường Sa hội tụ người từ mọi miền đất nước. Những người con Quảng Bình ở nơi sóng gió này đã luôn phát huy khí chất của quê hương anh hùng, ngời sáng những tấm gương kiên cường giữ đảo.
 
Tấm bia phương danh anh linh 64 liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 trên chùa Sinh Tồn.
Tấm bia phương danh anh linh 64 liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 trên chùa Sinh Tồn.
Còn nhớ trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988, 64 chiến sĩ hy sinh thì có đến 13 người con Quảng Bình. Danh tính các anh được khắc trang trọng trên tấm bia “Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma: 14-3-1988” tại ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn. Trong số 13 liệt sỹ có Thiếu úy Trần Văn Phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Trong trận Gạc Ma năm ấy, còn có đồng chí Trung sỹ Nguyễn Văn Lanh, Tiểu đội trưởng Công binh, quê ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh cũng được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hiện nay vẫn còn sống.
 
Ngược dòng lịch sử, Quảng Bình trong những năm 1980 có hàng nghìn lượt con em lên đường nhập ngũ vào Hải quân Nhân dân Việt Nam, đa số đều tình nguyện ra Trường Sa. Trong những năm quân ngũ, người lính Quảng Bình luôn là những tấm gương đối với đồng đội về lòng dũng cảm, ý chí và nghị lực vượt khó. Thời điểm ấy, đất nước vô vàn khó khăn, những người lính giữ đảo đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi, gian khổ. Lịch sử sẽ mãi khắc ghi sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sỹ trong đó có 13 người con Quảng Bình kiên cường.
 
“Đảo dừa” Nam Yết thuộc khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, vẫn lặng lẽ xanh rì bóng mát. Bóng mát ôm lấy, chở che nơi “tạm yên nghỉ” của 5 cán bộ, chiến sỹ hải quân đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trên đảo và một số đảo lân cận. Trong đó có liệt sỹ Đinh Thanh Bình, sinh ngày 18-7-1992, ngày nhập ngũ 23-2-2011, hy sinh ngày 19-9-2011, quê ở xã Xuân Hoá, huyện Mình Hóa. Từng dòng chữ, từng con số khắc trên bia mộ anh Bình và đồng đội khiến tôi rưng rưng bởi lẽ anh ngã xuống khi còn quá trẻ, dở dang biết bao hoài bão, khát khao cống hiến.
Mộ liệt sĩ Đinh Thanh Bình trên đảo Nam Yết.
Mộ liệt sĩ Đinh Thanh Bình trên đảo Nam Yết.
Trung tá Nguyễn Văn Thọ, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xúc động về các liệt sỹ. Các anh hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng công trình trên đảo, tuần tra trên biển, gặp giông tố bất ngờ ập đến, có đồng chí thì hy sinh khi lao xuống biển cứu đồng đội. Còn đồng chí Bình thì hy sinh trong khi đang tham gia huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tôi hỏi sao lại gọi là nơi “tạm yên nghỉ” thì anh Thọ đáp: “Khi có điều kiện, chúng tôi sẽ cất bốc đưa các anh về với gia đình, người thân”.
 
Chuyến công tác mới chỉ qua 11 đảo chìm, đảo nổi và Nhà giàn DK1 nhưng chúng tôi đã không thể nhớ hết đã gặp bao nhiêu cán bộ, chiến sỹ quê ở Quảng Bình. “Quảng Bình quê mình ở đây mấy người?”, gặp ai mà nghe thấy giọng quê thân thương là tôi đều hỏi vậy. Nhưng tôi chỉ nhận lại những cái lắc đầu đầy tự hào: “Nhiều lắm, không nhớ hết anh ạ. Ở Trường Sa thường xuyên luân phiên đổi vị trí công tác giữa các đảo, người quê Quảng Bình lại đông, có người ở vài năm, 1 năm, hay vài tháng rồi lại chuyển công tác nên không cố định”.
 
Thế mới thấy, hết tháng lại đến năm, hết mùa biển động lại đến mùa biển lặng, những người con quê hương Đại tướng vẫn nối nhau đến, chắc tay súng bảo vệ biển đảo Trường Sa. Trên cương vị nào, từ chỉ huy đảo, chỉ huy cụm chiến đấu hay nhân viên, chiến sỹ đến thuyền trưởng những con tàu nối liền Trường Sa với đất liền thì các anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
 
Đại úy Nguyễn Thanh Hải và Đại úy Ngô Minh Phúc đều quê ở Quảng Bình. Một người là thuyền trưởng và người kia là Bí thư Chi bộ, Chính trị viên tàu KN-491, một trong hai con tàu lớn nhất, hiện đại nhất của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, thường xuyên đưa các đoàn công tác ra thăm đảo. Hai anh đã có hơn 10 năm công tác trong lực lượng kiểm ngư, trên các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa... Cách đây vài năm, gia đình các anh đã chuyển vào TP. Nha Trang, Khánh Hòa sinh sống.
 
Trước đây, cưới vợ xong các anh lập tức nhận nhiệm vụ ra Trường Sa, cứ thế các anh biền biệt xa vợ con hàng năm trời. Gửi gắm vợ con lại cho hai bên nội ngoại, các anh chỉ biết động viên, an ủi vợ, bởi các anh biết rằng, những khi ốm đau, thiên tai, bão tố, mưa lũ hay “vượt cạn”, mình sẽ không ở bên cạnh. Sau mỗi trận thiên tai, biết tin ở nhà vẫn bình an, các anh lại thêm một lần bớt lo hay biết tin vợ sinh “mẹ tròn con vuông”, khó mà diễn tả được niềm hạnh phúc của các anh. Như anh Phúc thì ôm chầm lấy anh em trên tàu mà hét lên trong niềm sung sướng: “Vợ tớ sinh rồi!”. Cả tàu chung vui với anh bằng những lời chúc mừng thắm tình đồng đội. Anh thầm cảm ơn người vợ bụng mang dạ chửa, “vượt cạn” một mình nhưng luôn động viên chồng: “Vì Tổ quốc, anh yên tâm mà công tác, em và con tự lo được!”.
Binh nhất Bùi Đình Hợp (bên phải) cùng đồng đội trên đảo Trường Sa Lớn làm đẹp cây cảnh.
Binh nhất Bùi Đình Hợp (bên phải) cùng đồng đội trên đảo Trường Sa Lớn làm đẹp cây cảnh.
Một đặc điểm của phần lớn chiến sỹ người Quảng Bình ở Trường Sa là có nhiều tài lẻ, nhiều anh em trước khi nhập ngũ đã bôn ba mưu sinh kiếm sống bằng nhiều nghề nên khi ra đảo họ có dịp thỏa sức cống hiến xây dựng đơn vị.
 
Binh nhất Bùi Đình Hợp, chiến sỹ đảo Trường Sa Lớn, quê ở Lệ Thủy là một trong số đó. Tại Cụm chiến đấu 1, sau giờ huấn luyện, chúng tôi gặp Hợp đang cùng các đồng đội tỉ mỉ cắt tỉa, tạo dáng cho mấy cây sanh, cây đại. “Khéo léo, đam mê, sáng tạo…" là những nhận xét của mọi người về chàng trai sinh ra và lớn lên ở quê hương Đại tướng.
 
Thượng tá Lương Quốc Anh, Đảo trưởng cho biết: “Hợp vốn có đam mê tạo dáng cho các loại cây cảnh, từng vào Nam, ra Bắc học nghề cây cảnh. Ra đảo, Hợp trở thành “nghệ nhân”, được giao phụ trách tổ chăm sóc cây cảnh của đơn vị. Nhiều loại cây trước đây không được chăm sóc kỹ, phát triển tự do, nay qua bàn tay của Hợp đã phát triển, uốn lượn theo ý muốn.
 
Mới chỉ đặt chân lên một số đảo, điểm đảo, nhà giàn mà chúng tôi đã gặp và trò chuyện với hàng chục người con quê hương Quảng Bình. Trường Sa có tất cả 33 đảo, điểm đảo đóng quân và các nhà giàn. Ai cũng tự hào mình là người Quảng Bình, để rồi cùng nhau thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, như: Binh nhất Lê Xuân Quý, chiến sĩ đảo Đá Nam, quê ở phường Nam Lý, TP. Đồng Hới; Binh nhất Cù Văn Minh, chiến sĩ đảo Nam Yết, quê ở xã Hạ Trạch, Bố Trạch với đam mê, kinh nghiệm và kỹ thuật “thượng thừa” làm đẹp cảnh quan đơn vị, nhất là trồng và chăm sóc phong lan; Trung úy Trương Xuân Đài, nhân viên quân y đảo Tiên Nữ, quê ở phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn luôn trách nhiệm, nhiệt tình chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhiều năm là chiến sỹ thi đua cơ sở; Binh nhất Nguyễn Đình Tài, chiến sỹ nuôi quân đảo Cô Lin, quê ở xã Quảng Phú, Quảng Trạch chưa khi nào để cơm sống, cơm khê, luôn cơm ngon, canh ngọt cho anh em sau những buổi huấn luyện vất vả..
Trung úy Trương Xuân Đài, “từ mẫu” của bộ đội đảo Tiên Nữ.
Trung úy Trương Xuân Đài, “từ mẫu” của bộ đội đảo Tiên Nữ.
Những phẩm chất vốn được hun đúc trên mảnh đất quê hương, nay thêm ngời sáng ở Trường Sa, những cán bộ, chiến sĩ là con em quê hương Đại tướng, ai cũng khắc cốt ghi tâm, học tập và làm theo phẩm chất sáng người đã làm nên tên tuổi người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam: “dĩ công vi thượng”.
 
Vui vẻ chia sẻ những nỗi niềm sâu kín nhưng các chiến sỹ Quảng Bình lại dặn cánh phóng viên chúng tôi rằng: “Nhà báo đừng viết, chúng tôi quen rồi, thiếu thốn này thấm vào đâu so với cha ông trước đây đi xác lập chủ quyền biển đảo. Là chiến sỹ hải quân được ra bảo vệ chủ quyền biển đảo là vinh dự và trách nhiệm lớn lao, không dễ gì ai cũng có được!”.
 
Sóng gió Trường Sa đang ngày đêm trui rèn, làm lan tỏa “khí chất người Quảng Bình” trong huyết mạch những người sẵn sàng gác lại nỗi niềm riêng tư để trở thành những cột mốc sống, bức tường thành vững chắc bảo vệ quần đảo thân thương của Tổ quốc.
 
Bài, ảnh: Mạnh Hùng