Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Làng giáp ranh…

  • 16:22 | Thứ Hai, 25/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tây Thôn, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy là làng biển giáp ranh với tỉnh Quảng Trị. Vùng đất giáp ranh chỉ toàn cát trắng, nghèo nàn, xác xơ năm xưa, bây giờ đã "ánh lên" màu xanh của tươi vui, hạnh phúc. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thách thức cho một tương lai phát triển bền vững ở vùng đất cát này.
 
Bám biển, bám làng…
 
Xã Ngư Thủy anh hùng bây giờ đã trở về với tên gọi cũ, địa giới của vùng đất này chạy dài bên biển, bên cát vào tới huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Làng biển Tây Thôn của xã ngược vài bước chân vô Nam đã chạm đất thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh. Cận Tết, giữa cái lạnh cắt da, cắt thịt, chúng tôi đã về làng biển Tây Thôn để được nghe kể những câu chuyện bám biển, bám làng và tìm hướng phát triển cho vùng đất trong tương lai.
 
Lão ngư Nguyễn Đình Mẫn năm nay đã 72 tuổi, từng là một quân nhân chiến đấu khắp các chiến trường ở Quảng Trị, Lào. Ông mới dừng đi biển được hơn ba năm nay. Theo lời của ông Mẫn, ông là thế hệ thứ 3, thứ 4 sinh sống ở làng biển khó khăn, xơ xác này. Làng biển Tây Thôn có đất đai rộng lớn nhưng chủ yếu là đất cát, người dân muốn phát triển thêm trang trại, chăn nuôi cũng chẳng có đất, vì vậy, kế sinh nhai muôn đời nay của làng vẫn là bám biển. 
 Đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển giáp ranh.
Đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển giáp ranh.
Ngồi trò chuyện với ngư dân Nguyễn Nam trong thời gian biển động mới biết rằng, để bám được biển, có bữa ăn hàng ngày, người dân Tây Thôn cũng rất vất vả, gian nan.
 
Gia đình anh Nam có 6 người, ba đứa con còn đi học nên cả nhà đều dựa vào những chuyến bám biển hàng ngày của anh. Những ngày biển đẹp, thu nhập của gia đình cũng được khoảng 500-600 nghìn đồng/ngày. Những ngày biển động thì nhiều vất vả hơn.
 
“Đã hơn 3 tháng nay, biển động suốt, tôi lật úp thuyền, gác lưới không đi biển, gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nghề phụ không có, có hôm đành liều cũng đẩy thuyền ra biển để kiếm miếng ăn cho gia đình. Nghề biển bấp bênh, nhưng đã là nghề của cha ông truyền lại từ đời này sang đời khác phải cố giữ…”, anh Nam chia sẻ.
 
Trưởng thôn Tây Thôn Trần Thanh Phương cho biết: “Làng biển này chỉ có 74 hộ với hơn 300 khẩu, thanh niên trong làng đều vào miền Nam kiếm sống, trừ những người đang theo học. Biển bãi ngang bấp bênh theo con sóng, cho con cá, con tôm cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Đời sống người dân ở đây bây giờ đang khá dần lên, làng chỉ còn 3 hộ nghèo, nhưng muốn làm giàu trên miền cát bỏng này thì vẫn còn khó khăn lắm…!”.
 
Đau đáu tìm hướng đi cho vùng cát…
 
Tôi và anh Nguyễn Phương Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy luồn trong gió và rét mướt rảo bước chân trên những con đường đã được cứng hóa ở Tây Thôn để được chạm vào những cồn cát, những vùng trời, vùng biển ở vùng đất giáp ranh.
 
Ngồi trên những động cát lồng lộng gió biển, anh Thăng chia sẻ, đời sống của người dân làng biển Tây Thôn vùng giáp ranh này chủ yếu là nghề biển, nhưng hết sức bấp bênh, nhất là từ sau đợt mưa lũ vừa rồi, biển động liên tục nên người dân không thể bám biển. Thanh niên trong độ tuổi lao động đều rời gia đình vào miền Nam để kiếm kế sinh nhai, mỗi năm về nhà 1 lần dịp gần Tết. Bài toán phát triển kinh tế hộ gia đình ở Tây Thôn vẫn rất nan giải với chính quyền địa phương. Nói rồi, anh Thăng kéo tay tôi đi ngược lên những động cát để tìm đến nhà cựu cán bộ chủ chốt của xã Ngư Thủy, người rất đau đáu với bài toán phát triển kinh tế của vùng đất giáp ranh.
 
Ông Nguyễn Phương Lâm là người con của vùng đất giáp ranh, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam ngày xưa và xã Ngư Thủy ngày nay. Ông Lâm vừa mới nghỉ hưu và vẫn không khác gì nhiều so với hơn 10 năm trước đây khi đón tôi từ xã Sen Thủy và băng qua những động cát để vào xã Ngư Thủy Nam. 
Làng biển Tây Thôn.
Làng biển Tây Thôn.
Ông Lâm cho biết, làng biển Tây Thôn có truyền thống anh hùng trong đánh giặc, mấy chục năm qua, làng biển Tây Thôn và Mạch Nước, xã Vĩnh Thái luôn gắn kết, giao thương hàng hóa, đánh bắt chung biển, chung trời. Đất ở Tây Thôn nhiều nhưng chủ yếu của Lâm trường Nam Quảng Bình, người dân ở đây rất thiếu đất để sản xuất và phát triển kinh tế, nên chỉ có bám biển bãi ngang làm kế sinh nhai hàng ngày, nhưng biển không chỉ động một mùa.
 
“Muốn làng biển giáp ranh này phát triển, trước hết, các cấp, ngành của tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị cần phải nghiên cứu, đầu tư xây dựng một con đường nối liền giữa hai thôn giáp ranh, để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con địa phương giao thương, trao đổi hàng hóa và thuận lợi trong việc đi lại hàng ngày của dân làng biển Tây Thôn…”, ông Lâm chia sẻ.
 
Trời chiều nơi vùng biển giáp ranh hắt lên những ánh nắng vàng, những chiếc bơ nan được người dân kéo lên bờ khá xa, ngư lưới cụ đã được đưa vào nhà để củng cố thêm chắc chắn cho những chuyến đi biển mới.
 
Nhưng nhìn những con sóng mạnh vỗ liên hồi vào bờ, tôi chợt nhớ tới lời nói của ông Trần Thanh Phương, Trưởng thôn Tây Thôn rằng: “Trên những động cát trắng vùng giáp ranh chỉ có mỗi cây phi lao và những cây chắn cát khác là vươn mình mạnh mẽ. Đã là người con của vùng giáp ranh này, dù khó khăn, vất vả đến mấy, cũng quyết kiên cường bám biển, bám làng, để có cuộc sống no đủ…”
 
Ngọc Hải