Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nơi đầu nguồn cơn lũ...

  • 09:09 | Thứ Bảy, 24/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phải đến khi lũ rút hơn 1 ngày, chúng tôi mới tiếp cận được với xã Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa), địa phương nằm ngay đầu nguồn cơn lũ. Đây cũng là địa phương thường xuyên phải gánh chịu cảnh lũ quét kinh hoàng trong mỗi mùa mưa lũ.  
 
Chủ động với phương châm “4 tại chỗ”
 
Con đường rải thảm nhựa phẳng lỳ từ xã Mai Hóa đến xã Ngư Hóa ngày thường quanh co uốn lượn là thế, qua mấy ngày mưa lũ, có nhiều đoạn đã bị ách tắc bởi đất, đá mái ta-luy dương sạt lở. Có đoạn, mái ta-luy âm sát mặt đường sạt xuống dòng rào Trổ.
 
Phải đến sáng 21-10-2020, nghĩa là hơn một ngày sau mưa lũ đã rút ở huyện Tuyên Hóa, chúng tôi mới tiếp cận được địa bàn xã Ngư Hóa. Xe ô tô dừng lại ngay điểm sạt lở đầu tiên, còn sau đó phải cuốc bộ qua những điểm sạt lở. May sao, sau đó, cán bộ xã Ngư Hóa đi xe máy ra “tăng-bo” tiếp sức, khi đoạn đường đến trung tâm xã còn hơn chục cây số.
Sau lũ, mặc dù tuyến đường Mai Hóa-Ngư Hóa còn bị ách tắc nhưng lãnh đạo huyện Tuyên Hóa đã vào động viên chính quyền và người dân vùng lũ quét Ngư Hóa.
Sau lũ, mặc dù tuyến đường Mai Hóa-Ngư Hóa còn bị ách tắc nhưng lãnh đạo huyện Tuyên Hóa đã vào động viên chính quyền và người dân vùng lũ quét Ngư Hóa.
Xã Ngư Hóa nằm giữa dòng chảy ở thượng nguồn rào Trổ, bốn bề là núi cao. Vì vậy, mỗi khi mưa lũ, địa phương này phải hứng chịu những đợt lũ quét kinh hoàng. Nước lũ cứ thế băng qua nhà dân và cuốn đi tất cả những gì "chúng" gặp trên đường. Không mùa mưa lũ nào, người dân nơi đây không thiệt hại.
 
Vừa gặp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Trong mưa lũ, Ngư Hóa là xã bị chia cắt, các lực lượng cứu hộ từ bên ngoài vào không thể tiếp cận để cứu hộ cứu nạn kịp thời. Vì vậy, khi có thông báo mưa lũ, chính quyền địa phương đã chủ động tuyên truyền vận động người dân di dời đến nơi an toàn, đặc biệt ở những vùng bị chia cắt, bị ngập sâu và những nơi bị lũ quét. Chính quyền địa phương còn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn với phương châm “4 tại chỗ” nhằm ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Do đó, chưa bao giờ xã Ngư Hóa xảy ra thiệt hại về người do mưa lũ. Đợt mưa lũ vừa qua, xã Ngư Hóa có 76/166 nhà dân bị ngập, trong đó có 1 nhà bị nước lũ cuốn hoàn toàn, một nhà hư hỏng nặng, 1 nhà bị tốc mái. Đặc biệt, mưa lũ đã khiến 20ha keo, 300 gốc tiêu, 3.500 gốc cây ăn quả bị gãy đổ”.  
 
Giải cứu người trong lũ dữ
 
Cũng giống như nhiều hộ dân khác ở xã Ngư Hóa, ngay từ sáng 17-10, khi lũ bắt đầu về, chị Nguyễn Thị Hợp ở thôn 5, xã Ngư Hóa phải dọn lên núi cao phía sau nhà để ở. Cứ mỗi lều, bạt lại có từ 3 đến 4 nhà ở chung.
 
Chị Hợp cho biết: “Nước lũ ở đây rất lớn và dữ. Vì vậy, mỗi khi có thông báo lũ, người dân ở đây chủ động mang các vật dụng, đồ đạc thiết yếu lên núi cao ở phía sau nhà dựng lều bạt để ở tránh lũ. Tuy tránh được thiệt hại về người, nhưng không thể tránh khỏi thiệt hại về vật chất, tài sản. Đặc biệt, cơn lũ năm nay, lớn và dữ không khác cơn lũ lịch sử năm 2016. May sao, lũ lên vào ban ngày”.
Ngôi nhà của anh Nguyễn Tiến Khang và chị Nguyễn Thị Tuyết bị lũ cuốn trôi.
Ngôi nhà của anh Nguyễn Tiến Khang và chị Nguyễn Thị Tuyết bị lũ cuốn trôi.
Gia đình anh Nguyễn Tiến Khang và chị Nguyễn Thị Tuyết, ở thôn 4, xã Ngư Hóa là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Sau khi nước rút, ngôi nhà của anh chị bị nước lũ "bứng" đi cách nền nhà hơn 100m. Tất cả vật dụng đồ đạc của gia đình tích cóp được suốt bấy nhiêu năm qua đã bị cuốn theo dòng lũ dữ.
 
Là hộ cận nghèo, giờ đây, anh chị quay trở về điểm xuất phát ban đầu với 2 bàn tay trắng. Trận lũ lịch sử năm 2016, gia đình anh chị không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng năm nay, cả ngôi nhà của anh chị đã bị cuốn trôi trong nháy mắt.
 
Đứng giữa nền nhà trống trơn, chị Tuyết kể trong nước mắt: “Khoảng 17 giờ chiều ngày 18-10, nước lũ bắt đầu dâng cao, chị và 3 con nhỏ lên gia đình người bà con để tránh lũ. Đến tối, chồng tiếp tục về nhà để chuyển lợn, gà và các vật dụng còn lại. Nhưng đêm tối không có điện nên không thể vận chuyển kịp. Một mình anh xoay xở giữa dùng lũ. Không ngờ lũ lên nhanh và dữ quá, đến sáng 19-10, anh chị xuống xem nhà thì ngôi nhà và toàn bộ vật dụng trong gia đình đã không còn!”.
Người dân Ngư Hóa lên núi dựng lều bạt tránh lũ.
Người dân Ngư Hóa lên núi dựng lều bạt tránh lũ.
Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa Nguyễn Thanh Phong kể, ngày 18-10, lũ bắt đầu lên. UBND xã nhanh chóng cử cán bộ đi vận động bà con di dời lên nơi ở cao để tránh lũ.
 
Sáng ngày 19-10, lũ bắt đầu lên nhanh. Khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn của xã vừa về đến trụ sở, thì nhận được tin báo giải cứu khẩn cấp của một hộ dân ở thôn 5. Đây là thôn có nhiều nhà dân ở khu vực lũ quét, nước chảy rất xiết. Khi nhận được điện thoại, xã đã tổ chức lực lượng và phương tiện để ứng cứu kịp thời. 
 
Sau nhiều giờ vật lộn với dòng nước lũ, thuyền cứu hộ và các phương án cứu hộ, như: dùng dây và phao để tiếp cận đưa 5 người trong gia đình này ra ngoài, cũng không thể thực hiện được. Chỉ khi nước bắt đầu xuống khoảng 1m, lực lượng cứu hộ của xã mới đưa được người ra ngoài. May sao ngôi nhà không bị sập.
 
Dương Công Hợp