Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Mùa lũ: Đi và thấy!

  • 08:48 | Thứ Năm, 15/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày mưa lũ, với đặc thù nghề nghiệp của mình, chúng tôi luôn có mặt sớm nhất ở những điểm xung yếu, bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Qua nhiều mùa bão lũ, ký ức về những vùng đất phải gánh chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên càng thêm đậm nét. Bởi trong khó khăn, hoạn nạn càng thấy rõ hơn tinh thần lạc quan, quyết tâm vượt khó và thích ứng với thiên nhiên của cộng đồng. Và cả cảm giác ấm áp bởi sự sẻ chia, đồng cảm trong thời khắc gian khó cùng những kỳ vọng về tương lai!
 
Nụ cười nơi “rốn lũ”
 
Với địa thế lòng chảo giữa bốn bề núi đá vôi, Tân Hóa (huyện Minh Hóa) mặc nhiên là “rốn lũ” của tỉnh khi chỉ cần vài trận mưa lớn kéo dài, thung lũng thường ngày vốn bình yên và xanh màu cỏ cây này sẽ ngập chìm trong biển nước. Lúc này, để đến với Tân Hóa, phương tiện di chuyển duy nhất là các loại thuyền.
 
Cứ vài năm một lần, Tân Hóa lại chìm trong biển nước. Trước khi những ngôi nhà phao xuất hiện tại đây, mỗi khi lũ về, người dân Tân Hóa tránh lũ bằng cách dắt díu nhau lên các ngọn núi.
 
Chị Hoàng Hồng, một phóng viên từng có mặt tại Tân Hóa hơn 10 năm trước kể: "Hình ảnh người lớn, trẻ nhỏ dắt nhau tránh lũ trên các sườn núi gây ấn tượng rất mạnh đối với tôi và đồng nghiệp. Nhìn thung lũng ngập nước như một vịnh biển thu nhỏ, đối lập với cảnh đồng bào cheo leo tránh lũ trên núi, ai cũng lo lắng và trăn trở. Nên thời điểm đó, tỉnh và huyện cũng đã có kế hoạch vận động bà con di dời đến nơi an toàn. Nhưng người dân Tân Hóa vẫn luôn mong muốn gắn bó với quê hương và họ đã “sống chung với lũ” theo đúng nghĩa đen."
Nụ cười nơi “rốn lũ” Tân Hóa.
Nụ cười nơi “rốn lũ” Tân Hóa.
Nhưng mùa mưa lũ này đã khác xưa. Có mặt tại Tân Hóa vào ngày 10-10-2020, khi thung lũng vẫn mênh mông biển nước, chúng tôi cảm nhận được sự bình tĩnh, chủ động của chính quyền và người dân nơi đây khi đối diện với thiên tai. Bên cạnh các loại ca nô, thuyền máy của các đoàn công tác, người dân sử dụng thuyền nhôm, thuyền nan một cách thuần thục.
 
Khi những ngôi nhà kiên cố vẫn chìm trong biển nước, thì trên nhà phao, cuộc sống vẫn tiếp diễn với đầy đủ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm. Trẻ con vẫn ê a học bài, thi thoảng nghe tiếng ca nô thì ló đầu ra nhìn và vẫy tay. Mưa vẫn nặng hạt nhưng nụ cười của những đứa trẻ tựa như nắng để Tân Hóa, dù ngập sâu trong nước, vẫn mang lại cảm giác bình yên.
 
Sáng kiến xây dựng nhà phao cùng kinh nghiệm của người dân qua những mùa lũ đã giúp Tân Hóa giảm tối đa thiệt hại khi lũ về.
 
Có mặt tại “rốn lũ” Tân Hóa, trực tiếp gặp gỡ, động viên các hộ bị ngập sâu nhất, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng không khỏi ngạc nhiên bởi sự bình tĩnh, chủ động của bà con khi ứng phó với mưa lũ. Phải sau khi gặp nhiều hộ gia đình, trò chuyện với cán bộ xã, chứng kiến cách dọn dẹp bùn đất rất “chuyên nghiệp” khi nước dần rút tại trụ sở UBND xã, đồng chí Bí thư mới thật sự yên lòng.
 
Dẫu vậy, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, đồng chí vẫn yêu cầu chính quyền địa phương không được phép chủ quan, lơ là, đồng thời chỉ đạo các lực lượng vũ trang tăng cường bám cơ sở để hỗ trợ, đồng hành cùng bà con, bảo đảm phương châm “4 tại chỗ” và sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
 
Ngày mới ở Tân Sơn
 
Tân Sơn là một thôn thuộc xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh). Được thành lập từ những năm 60 của thế kỷ trước từ phong trào xây dựng kinh tế mới, vì nhiều khó khăn nên đến nay Tân Sơn cũng chỉ có chưa đầy 100 hộ dân.
 
Những ngôi nhà nhỏ tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra dòng Đại Giang, nơi có những bãi bồi ven sông xanh màu ngô non ngày thường đẹp như tranh thủy mặc. Nhưng mùa mưa lũ, nhiều ngôi nhà trong thôn nhanh chóng bị nước lũ nhấn chìm. 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Trịnh Thanh Bình tặng quà cho bà con bản Cây Cà (xã Trường Sơn).
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Trịnh Thanh Bình tặng quà cho bà con bản Cây Cà (xã Trường Sơn).
Đợt mưa lũ từ ngày 7-10 được đánh giá là một trong những trận lũ lên nhanh và “hỗn”. Tuy nhiên, thiệt hại so với những mùa mưa lũ trước giảm nhiều. Bởi ngay thời điểm dự báo thời tiết có những diễn biến phức tạp, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tại Đồn Biên phòng Làng Mô và các thầy, cô giáo, cán bộ xã đã chủ động thông báo, hỗ trợ bà con di dời.
 
Chị Nguyễn Thị Thắm cho biết, gia đình chị và nhiều gia đình trong thôn đã được bộ đội giúp trước khi lũ về. “Thiệt hại là không tránh khỏi nhưng những vật dụng, tài sản cơ bản đã được bộ đội giúp dọn dẹp đến nơi an toàn. Sau lũ thì bộ đội cùng bà con trong thôn tiếp tục dọn dẹp nhà cửa, làm sạch các tuyến đường bị bùn đất vùi lấp để học sinh đến trường!”, chị Thắm chia sẻ.
 
Sáng 11-10, đón đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng dẫn đầu, anh Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Chi bộ thôn Tân Sơn không giấu được niềm vui khi cho biết đây là đoàn cán bộ tỉnh đầu tiên có mặt tại thôn để chia sẻ, động viên bà con. Những suất quà được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trao tận tay bà con đã làm ấm lòng người dân sau lũ.
 
Thăm một số hộ gia đình khó khăn trong thôn và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện Quảng Ninh quan tâm chăm lo đời sống, đặc biệt là nghiên cứu các giải pháp để giúp bà con tiêu thụ nông sản, cải thiện các điều kiện về giao thông, sản xuất… Đối với những thôn, bản đang bị chia cắt, huyện, xã cần tăng cường phối hợp với đồn biên phòng nắm chắc tình hình và kịp thời tiếp cận ngay khi lũ rút để giúp bà con ổn định đời sống.
 
Lệ Thủy “mùa nước nổi”
 
Trong số những địa phương “sống chung với lũ”, có lẽ Lệ Thủy là địa phương thường xuyên nhất nên kinh nghiệm ứng phó với mưa lũ vô cùng dày dạn.
 
Nói về những cái lợi khi lũ về, anh Võ Như Quảng, xã Phong Thủy, khẳng định: "Đã là người Lệ Thủy thì phải kiên cường sống chung với lũ. Đa số trẻ em Lệ Thủy đều biết bơi ngay từ nhỏ nhờ kỹ năng ứng phó với mưa lũ được ông bà, cha mẹ truyền lại. Lũ về, dù vất vả nhưng lại bồi đắp phù sa cho ruộng đồng, diệt chuột, sâu bọ… để vụ màu sau tốt tươi, bội thu. Người Lệ Thủy chỉ sợ bão to, còn lũ lụt thì năm nào cũng vậy, nên chúng tôi thích ứng và sống hòa thuận với thiên nhiên. Nếu về Lệ Thủy vào mùa mưa lũ, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh người dân chèo thuyền ngược xuôi tấp nập, rộn ràng trong “mùa nước nổi”.
Mùa nước nổi ở Lệ Thuỷ. Ảnh: Lâm Quang Tý
Mùa nước nổi ở Lệ Thuỷ. Ảnh: Lâm Quang Tý
Đó là một trong những góc nhìn chân thật và lạc quan của người dân Lệ Thủy về mưa lũ. Đương nhiên, thiên tai sẽ không tránh khỏi thiệt hại, nhưng với sự bình tĩnh, chuyên nghiệp và kinh nghiệm của người dân, sự quan tâm của tỉnh, huyện, xã, con số thiệt hại do mưa lũ tại Lệ Thủy đã giảm đi rất nhiều.
 
Có mặt tại Lệ Thủy vào thời điểm “đỉnh lũ”, đồng chí Trần Phong, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng sát cánh cùng nhân dân ứng phó với mưa lũ. Chứng kiến cách thức “sống chung với lũ” của người dân nơi đây, đồng chí khẳng định, Lệ Thủy đã thực hiện rất tốt những nội dung chỉ đạo của tỉnh, huyện và là một địa phương giàu kinh nghiệm ứng phó với mưa lũ nên đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra!  
 
Có bộ đội, bà con không lo đói!
 
Đó là lời khẳng định của Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch, anh Trương Tấn Hưng. “Ở những thời khắc nguy nan nhất, bộ đội Biên phòng (BĐBP) luôn có mặt kịp thời để giúp dân. Đến thời điểm này vẫn còn một số bản ở các xã Tân Trạch và Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) bị cô lập. Tuy nhiên, ngay khi nước bắt đầu rút, huyện Bố Trạch đã phối hợp với BĐBP mang nhu yếu phẩm vào các bản cho bà con!”, anh Hưng cho biết.
Đoàn công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng vượt sông Long Đại về thôn Tân Sơn.
Đoàn công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng vượt sông Long Đại về thôn Tân Sơn.
Còn theo đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, trước đó, BĐBP đã giúp bà con chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm tối thiểu trong thời gian từ 7 đến 10 ngày đề phòng trường hợp bị chia cắt.
 
“Với 8 tổ chốt gồm 32 cán bộ, chiến sỹ tại các điểm dọc biên giới và quân số ở các đồn, hàng ngày, chúng tôi đều nắm tình hình để triển khai lực lượng đến với bà con ngay khi có thể tiếp cận được. Hiện lực lượng duy trì 100% quân số để sẵn sàng triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp, tìm kiếm người mất tích, chăm sóc sức khỏe cho bà con… Khi chúng ta chủ động đối phó, kết hợp với kinh nghiệm của người dân thì thiệt hại sẽ giảm đi rất nhiều!”, đại tá Trịnh Thanh Bình nhấn mạnh.
 
Sẻ chia và hy vọng…
 
Khi những thông tin về thiệt hại được chia sẻ trên báo chí, mạng xã hội, đã có rất nhiều những tấm lòng hảo tâm hướng về người dân vùng lũ. Sự sẻ chia ấy đã giúp người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.
 
Cảm ơn sự chia sẻ của cộng đồng và không kêu ca, không ỷ lại, mỗi một người dân vùng lũ cũng nhanh chóng bắt tay dọn dẹp nhà cửa, trường lớp, đường làng, ngõ xóm, khôi phục sản xuất để đưa cuộc sống trở lại bình thường. Nhờ sự chủ động, tự giác và thích ứng kịp thời của họ, sự quan tâm, đồng hành của Đảng, chính quyền các cấp, dấu vết của những cơn “đại hồng thủy” nhanh chóng được xóa mờ.
 
Sau mưa lũ, thung lũng Tân Hóa sẽ lại xanh mướt màu cỏ cây, từng đàn trâu bò ung dung gặm cỏ. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay nơi vựa lúa Lệ Thủy được phù sa bồi lắng sẵn sàng đón những vụ mùa bội thu. Thôn Tân Sơn sẽ lại đẹp như bức tranh thủy mặc với những ngôi nhà tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra dòng Đại Giang, nơi có những bãi bồi xanh màu ngô non lao xao trong gió…
 
Đi qua những ngày gian khó, biết thích ứng và hòa thuận với thiên nhiên, những con số thiệt hại đã giảm đi rất nhiều. Và như một quy luật bù trừ, khi thiên tai đến rồi đi, cũng là thời khắc thiên nhiên và con người cùng gieo những hạt mầm hy vọng, về tương lai!
 
Ghi chép của Diệp Đồng