Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Thiên nhiên là nhà!"

  • 08:19 | Chủ Nhật, 12/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là khẩu hiệu hành động của những người làm công tác cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD). Và để khẩu hiệu này trở thành hiện thực, để thiên nhiên thực sự là ngôi nhà thân thiện của các loài ĐVHD, họ đã không ngừng nỗ lực, đầu tư công sức, tâm huyết. Và hơn hết là tình yêu thương, trách nhiệm với thiên nhiên, với sự bình yên cho mọi giống loài! Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Vườn QG PN-KB) là một trong số những ngôi nhà lớn của các loài ĐVHD.
 
Gian nan công tác cứu hộ
 
Dù đang là thời điểm những ngày tháng bảy nắng chói chang nhưng dưới tán rừng nguyên sinh của Vườn QG PN-KB, không khí dịu mát hơn nhiều. Len lỏi dưới tán rừng, nơi rất hiếm dấu chân người, ngoại trừ dấu chân của lực lượng chức năng tuần tra biên giới và bảo vệ rừng, những người làm công tác cứu hộ ĐVHD mang theo 42 cá thể ĐVHD để thả về tự nhiên. Những chú rùa bình thản nằm trong túi được rải lớp cỏ mềm bắt đầu ngóc đầu đánh hơi khi cảm nhận được hương vị của rừng. Những chú khỉ cũng háo hức ngó nghiêng qua khe hở của chiếc lồng, thi thoảng cất tiếng gọi bầy…
 Niềm vui của chú khỉ con khi trở về ngôi nhà thiên nhiên và ánh nhìn lưu luyến gửi theo nhân viên cứu hộ.
Niềm vui của chú khỉ con khi trở về ngôi nhà thiên nhiên và ánh nhìn lưu luyến gửi theo nhân viên cứu hộ.
Trao đổi về công tác cứu hộ ĐVHD, ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn QG PN-KB cho biết, thời gian qua, ngoài công tác cứu hộ tại chỗ, Vườn QG PN-KB đã phối hợp với một số tổ chức để tiếp nhận, chăm sóc và thả ĐVHD về tự nhiên. Đây là lần đầu tiên Vườn QG PN-KB phối hợp cùng Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội, nơi đang chăm sóc nhiều cá thể ĐVHD quý hiếm.
 
Với kinh nghiệm và sự phối hợp tích cực của Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội, việc vận chuyển 42 cá thể ĐVHD gồm khỉ đuôi lợn, khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, rùa sa nhân, cu ly lớn, cu ly nhỏ thuộc nhóm IIB và Phụ lục I, Nghị định 64-2019/NĐ-CP, đã hoàn thành đúng thời gian và sức khỏe của số ĐVHD này đều bảo đảm, có thể thả về rừng.
 
Kể thì ngắn gọn, nhưng chuyến xe chở cán bộ, nhân viên Trung tâm cứu hộ DVHD Hà Nội cùng hàng chục chiếc lồng nhốt các con thú đã phải đi suốt đêm. Sở dĩ đoàn chọn đi ban đêm là để tránh nắng nóng nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của ĐVHD. Vừa đi vừa nghỉ và cứ ở mỗi điểm dừng chân, họ lại tranh thủ kiểm tra sức khỏe của chúng. “Lúc đầu mới lên xe, chúng tôi còn phân biệt được mùi người và mùi khỉ. Mấy tiếng sau thì mùi của chúng ám vào người nên quen luôn, không còn phân biệt gì nữa.
 
Mà Trung tâm thường xuyên có những chuyến đi như thế, Vườn QG PN-KB còn gần, chứ Vườn QG Cát Tiên (Đồng Nai), phải đi mấy chục tiếng đồng hồ! Có những lần dừng xe vào quán ăn, mọi người trong quán đều kêu lên là có mùi gì khó chịu, ngại quá lần sau chúng tôi đành tìm những quán ăn vắng người!”, một cán bộ của Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội chia sẻ.
 
Ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội cho biết, 90% các cá thể ĐVHD mà Trung tâm tiếp nhận là tang vật của các vụ án hình sự. Điều này có những khó khăn nhất định trong công tác chăm sóc, phục hồi sức khỏe của ĐVHD bởi chúng thường bị suy yếu, nhiễm bệnh trong quá trình bị săn bắt, nuôi nhốt và vận chuyển. Bình quân mỗi con vật sẽ mất khoảng 3 đến 5 tuần để phục hồi. Trước khi phân loại để thả về các vườn QG, các con vật đều được kiểm tra sức khỏe, một số loài sẽ được gắn chip điện tử hoặc đánh dấu để theo dõi quá trình hòa nhập và phát triển trong tự nhiên.    
 
“Về nhà”
 
Dưới tán rừng râm mát thuộc hai phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt và Phục hồi sinh thái Vườn QG PN-KB, cán bộ Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội đọc quyết định tái thả ĐVHD sau cứu hộ về môi trường tự nhiên. Những chú rùa sau mấy phút nằm im thăm dò nghe ngóng bắt đầu chậm chạp bò đi, màu nâu của chiếc mai hòa lẫn trong thảm lá rừng, chỉ còn nghe tiếng sột soạt.
Lực lượng chức năng xuyên rừng để thả động vật hoang dã về tự nhiên
Lực lượng chức năng xuyên rừng để thả động vật hoang dã về tự nhiên
Với những chú khỉ, nhân viên cứu hộ mang theo chuối, dưa đỏ và rải xung quanh khu vực thả, đó là nguồn thức ăn để chúng có thể duy trì trong những ngày đầu tiên trở lại ngôi nhà thiên nhiên với những bỡ ngỡ nhất định. Cửa lồng vừa mở, chúng nhanh nhẹn chui ra, con thì nghiêng ngó rồi nhảy tót lên các cành cây, con thì thong dong ăn chuối, ăn dưa và ngắm nhìn xung quanh. Chỉ một lúc sau, chúng lên tiếng gọi bầy và biến mất sau những vòm lá. Duy chỉ một chú khỉ con là lặng lẽ chuyền cành đi theo nhân viên cứu hộ không muốn rời. Anh nhân viên phải xua mãi, chú mới lưu luyến quay vào rừng…
 
Chuyện của người cứu hộ
 
Chia sẻ về sự lưu luyến của chú khỉ con, ông Lương Xuân Hồng cho biết, đây là một trong những cái khó của người làm công tác cứu hộ. Như đã nói ở trên, mỗi con vật thường mất từ 3 đến 5 tuần chăm sóc phục hồi trước khi thả về môi trường tự nhiên. Quá trình chăm sóc, nếu thân thiện quá, loài vật sẽ cảm thấy gắn bó và lưu luyến với con người và không muốn trở về môi trường tự nhiên nữa.
 
Ngược lại, nếu thiếu sự thân thiện, nhiều con vật sẽ cảm thấy căng thẳng, âu lo, ảnh hưởng đến sự phục hồi. Nên nhằm bảo đảm sức khỏe và phục hồi tập tính hoang dã của chúng để đủ điều kiện thả về rừng, nhân viên cứu hộ phải có kiến thức, trách nhiệm và tình yêu thương.
 Phút chia tay
Phút chia tay
Riêng đối với những loài ĐVHD bị nuôi nhốt từ nhỏ và không thể thả về tự nhiên, như: hổ, gấu…, chúng sẽ được nuôi ở trung tâm để bảo tồn và nhân giống. Với những loài này, quá trình chăm sóc, dù là thú dữ nhưng chúng rất thân thiện bởi những tình cảm mà cán bộ, nhân viên ở đây đã dành cho chúng. 
 
“Tôi làm công tác cứu hộ đã nhiều năm. Dù thế, mỗi lần bắt gặp những ánh mắt cầu cứu và tuyệt vọng của các con vật, tôi dường như không chịu nổi. Bù lại, mỗi lần tham gia thả ĐVHD về tự nhiên, nhìn thấy chúng khỏe mạnh và vui vẻ trở về nhà, tôi rất vui và cảm thấy những gì mình và đồng nghiệp đã bỏ ra thật xứng đáng!”, một nhân viên thuộc Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội chia sẻ.
 
Cùng chung tay
 
“Đây là lần đầu tiên Trung tâm cứu hộ ĐVHD phối hợp với Ban quản lý Vườn QG PN-KB thả ĐVHD, chứng kiến các hoạt động của Vườn QG PN-KB và các lực lượng liên quan, tôi cho rằng đây là một quy trình tương đối chặt chẽ và đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Ban Giám đốc Vườn và Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn QG PN-KB). Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những chương trình hợp tác giữa hai bên để góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng công tác cứu hộ ĐVHD!”, ông Hồng nhấn mạnh.
 Nhân viên cứu hộ và động vật hoang dã trên cùng một chuyến xe
Nhân viên cứu hộ và động vật hoang dã trên cùng một chuyến xe
Còn ông Đinh Huy Trí cho biết, bảo đảm an toàn cho ĐVHD sau khi thả về tự nhiên là việc vô cùng quan trọng. Do đó, những năm qua, Vườn QG PN-KB đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ, khoanh các vùng trọng điểm, ưu tiên và tập trung cao nhất cho các khu vực thả ĐVHD.
 
Việc làm này không chỉ góp phần bảo đảm tính nghiêm ngặt, ngăn chặn tuyệt đối các hành động đe dọa ĐVHD, mà còn là quá trình xây dựng lòng tin để các trung tâm cứu hộ thấy rằng VQG PN-KB là địa chỉ tin cậy, là môi trường an toàn để thả ĐVHD về tự nhiên. Đây cũng chính là cơ sở, là tiền đề cho việc phục hồi và phát triển quần thể ĐVHD, sinh thái rừng!
 
Ngọc Mai