Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Giữ nghề đan lát của người Ma Coong

  • 07:37 | Chủ Nhật, 24/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ bao đời nay, tộc người Ma Coong ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) đã biết tận dụng những cây tre nứa có sẵn nơi đại ngàn để phục vụ quá trình lao động sản xuất. Được sự giới thiệu của cán bộ biên phòng đang công tác tại vùng biên xã Thượng Trạch và nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín của tộc người Ma Coong, chúng tôi đã có thêm cơ hội tìm hiểu, khám phá sâu hơn về nghề đan lát của tộc người này...
 
"Buộc" mây, tre nứa trở thành những vật dụng hữu ích
 
Sinh sống nơi đại ngàn Trường Sơn có địa hình hiểm trở, lâu nay, việc mua sắm các vật dụng thiết yếu phục vụ cho quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất của tộc người Ma Coong gặp rất nhiều khó khăn do những "rào cản" về tài chính, thói quen, hoạt động đi lại giao thương. Thế nhưng trong "cái khó ló cái khôn", nhờ biết tận dụng nguồn nguyên liệu mây, tre, nứa có sẵn trong tự nhiên và với đôi tay khéo léo của mình, người Ma Coong đã biết chế tác các dụng cụ thiết yếu phục vụ cho quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất.
 
Già làng Đinh Xon, bản Cồn Roàng 2, xã Thượng Trạch cho biết, sống ở địa hình có nhiều khe suối, để đánh bắt được cá, tôm, ốc... phục vụ cho bữa ăn hàng ngày, người Ma Coong đã dùng tre, nứa để đan thành cù pổ, a rê (tương tự những chiếc nơm tre của người miền xuôi). Sau khi tiến hành "gom" lại một dòng nước chảy ở các khe suối, bà con sẽ đặt dụng cụ này bẫy cá, tôm... Tương tự, nhằm phục vụ cho quá trình lên nương rẫy làm ăn sản xuất, người Ma Coong đã chế tác ra những vật dụng thiết yếu phù hợp với từng thời điểm, công việc, sức khỏe, như: tập, a dằng, khoong, xao xang (các loại đồ dùng hình chiếc gùi với đủ kích cỡ khác nhau). 
 Đinh Đì, bản Cờ Đỏ của xã Thượng Trạch sắp hoàn tất chiếc Cù tôộc (mâm) để bàn giao cho khách hàng.
Đinh Đì, bản Cờ Đỏ của xã Thượng Trạch sắp hoàn tất chiếc Cù tôộc (mâm) để bàn giao cho khách hàng.
Những vật dụng nói trên sẽ được người Ma Coong dùng vào những công việc cụ thể, gồm: gieo giống, trỉa hạt, thu hoạch lúa, hái rau và củ rừng, lấy củi về đun nấu... Khi thu hoạch mùa vụ xong, bà con lại dùng đến các loại thủng (hình thù giống những chiếc rổ, rá, mẹt) nhằm đựng và phơi lúa rẫy, sắn, ngô. Tiếp đến, để đựng thức ăn, bà con sẽ dùng tới cù tôộc (hình chiếc mâm). Nhằm phục vụ việc nuôi gia cầm, như: gà, vịt, chim..., người Ma Cong chế tác ra lôộc, Nưng nhằm ngăn không cho chuột, chồn, cáo, diều hâu, đại bàng tấn công.
 
Ông Quách Tẩm, người có uy tín ở bản 51 của xã Thượng Trạch cho hay: Trong những năm chống giặc Pháp xâm lược, người Ma Coong ở xã Thượng Trạch đã biết dùng tre, nứa để làm vũ khí chống lại kẻ thù khá hiệu quả, như: tạo hầm chông, cung tên, mũi lao... Trước đây, người Ma Coong thường hay đan lát các loại đồ dùng, như: chi poạc (chiếu), ư poang (bàn, ghế) nhằm phục vụ cho quá trình sinh hoạt trong gia đình. Ngày nay, do việc đan lát những vật dụng này rất tốn công sức, thời gian và cần kỹ thuật cao nên nhiều người đã chọn cách mua sắm ở ngoài thị trường cho thuận tiện hơn. Nhìn chung, các loại mây, tre, nứa đã phục vụ rất hữu ích cho đời sống đồng bào Ma Coong mãi cho tới tận hôm nay.
 
"Các anh cứ  đi một vòng quanh bản mà xem, rất nhiều gia đình sau khi dựng các cọc gỗ lên để làm nhà đã đan những tấm phên để che chắn xung quanh. Vật liệu này góp phần giảm bớt rất nhiều kinh phí đầu tư cho việc dựng nhà ở của những hộ nghèo, nhưng vẫn bảo đảm che chắn gió, mưa rất tốt, mát mẻ vào mùa hè, ấm cúng vào mùa lạnh. Khi dựng nhà ở xong, bà con lại dùng tre nứa để rào chung quanh vườn nhằm ngăn không cho trâu, bò, gà, lợn vào phá hỏng cây trồng, phóng uế hôi hám.", ông Quách Tẩm chia sẻ thêm.
 
Níu giữ nghề xưa...
 
Nói về kỹ thuật đan lát của tộc người Ma Coong, già làng Đinh Xon trao đổi thêm: "Hầu như người Ma Coong trưởng thành cũng đều biết đan lát một vài vật dụng thiết yếu để phục vụ cho quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất, góp phần giảm bớt công sức, tiền của khi phải băng rừng lội suối về xuôi mua sắm những vật dụng có công năng tương tự. Tuy nhiên, để trở thành những người thợ đan lát giỏi, được người Ma Coong ví như những "nghệ nhân" của bản làng thì phải biết đan những đồ dùng cần tới kỹ thuật cao, như: cù tôộc, tập, a dằng, hoong, xao xang, chi poạc, ư poang.
 
Hiện nay, tại xã Thượng Trạch chỉ còn lại một số ít "nghệ nhân" đan lát giỏi, như: Đinh Khinh (bản Nồng), Đinh Xuân (bản Bụt), Đinh Kíp (bản Cồn Roàng), Đinh Tôốc (bản 51), Đinh Đì (bản Cờ Đỏ)... Lớp thanh niên lớn lên hầu như không mấy ai chăm chú theo học chuyên sâu về nghề này do hiệu quả kinh tế thấp".
 Một ngôi nhà của đồng bào Ma Coong được làm thưng che bằng những tấm phên đan lát.
Một ngôi nhà của đồng bào Ma Coong được làm thưng che bằng những tấm phên đan lát.
Anh Đinh Đì trú tại bản Cờ đỏ của xã Thượng Trạch chia sẻ, từ thuở nhỏ, thay vì ham chơi như các đứa trẻ cùng trang lứa, anh đã dành nhiều thời gian ngồi bên các thợ giỏi để theo học cách đan lát. Nói chung, việc học nghề đan lát của anh chủ yếu nhờ vào sự chăm chỉ quan sát và làm theo, sau đó tự đúc rút lấy kinh nghiệm. Đơn cử như để đan được một vật dụng có độ bền cao và có tính thẩm mỹ..., trước hết, người thợ phải biết các "mẹo, như: lựa chọn cây mây, tre, nứa có độ tuổi phù hợp; căn thời gian phơi nắng, ngâm bùn phù hợp nhằm khi chẻ nhỏ, uốn cong không bị giòn gãy; tạo màu sắc, đường nét, hoa văn cho sản phẩm bằng việc để vỏ, cạo vỏ, đặt sấp ngửa, ngâm tẩm tre nứa với củ nâu rừng, than củi, hong khói...
 
Mồ côi mẹ và có hoàn cảnh nghèo khó, ngay từ thuở nhỏ, Đinh Tôốc (SN 1980) ở bản 51, xã Thượng Trạch đã tìm đến với nghề đan lát với mong muốn có một nghề mưu sinh ổn định và thỏa chí đam mê. Nhờ chăm chỉ học tập, có đôi bàn tay khéo léo, thông minh, sáng tạo, Đinh Tôốc đã sớm đan lát được những dụng cụ khó, như: cù tôộc, tập, a dằng, khoong, xao xang..., bán cho bà con quanh vùng kiếm kế mưu sinh.
 
Đinh Tôốc phấn khởi khoe: "Với sự tín nhiệm của chính quyền địa phương và bà con dân bản, kể từ năm 2015 đến nay, tôi được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ bản 51. Thật lòng mà nói, cũng chính nhờ biết đan lát mà tôi đã có tiền để theo con chữ tới hết lớp 9. Nói thật, tôi cố gắng giữ gìn nghề đan lát này cho tới tận hôm nay cũng bởi quá đam mê mà thôi. Còn nói về hiệu quả kinh tế thì chẳng đáng là bao. Đơn cử như muốn đan một cái cù tôộc thì phải cần tới gần một tuần lễ, mang bán được 500 nghìn đồng. Trong khi đó, nếu bỏ công đi làm thuê cho người ta thì cũng kiếm được từ 200 đến 300 nghìn đồng/ngày...".
 
Văn Minh