Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Xanh thắm Trường Xuân

  • 08:13 | Chủ Nhật, 23/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hồ Hơn, Trưởng bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) nhắc khéo: “Con lên thăm đồng bào Vân Kiều, nhớ ghé thăm bản. Người Vân Kiều Lâm Ninh làm lúa nước gần bốn mươi năm… thành ra ấm cái bụng”.
 
Ơn Đảng!
 
Theo dòng ký ức của trưởng bản Hồ Hơn ở phía bờ Bắc sông Long Đại, chúng tôi đi tìm trong mấy bản làng thuộc xã Trường Xuân, cây lúa nước định hình từ đâu? Đồng bào làm lúa nước từ bao giờ?
 
Bắt đầu từ bản Lâm Ninh, qua dốc Ma Nang, xuống Rào Đá, Rào Trù; qua Khe Dây; vô Khe Ngang, Hang Chuồn, Nà Lâm…, đồng bào Vân Kiều thiệt bụng, nói như đinh đóng cột: “Ơn Đảng!”.
 Thung lũng Rào Trù mướt xanh màu lúa nước
Thung lũng Rào Trù mướt xanh màu lúa nước
Hồ Thị Trang, người phụ nữ Vân Kiều ở bản Khe Ngang bảo: “Từ khi có nước, từ khi làm lúa nước, cái bụng gia đình mình hết đói. Hơn 5 sào ruộng, mỗi vụ thu về 10 bao khoảng 5 tạ lúa. Hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ bớt đi gánh nặng cho Nhà nước”.
 
Sau một quá trình phấn đấu, cống hiến cho dân bản Khe Ngang, Trưởng bản Hồ Nam được tín nhiệm thêm chức Bí thư Chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022: “Khe Ngang qua rồi thời gian khó. Bây giờ, trong bản Khe Ngang, nhà nào còn đói cái bụng thì nhà đó không biết cách làm ăn, không có ý chí phấn đấu. Chẳng lẽ cứ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước?”.
 
Trên cánh đồng lúa mướt xanh, Hồ Thị Lịch, bản Khe Ngang mải miết cắm những ngọn mạ non xuống chân ruộng, nơi thừa ra những khoảng trống chờ ken đầy. Lịch bảo: “Không ai dạy mình cả, tự mình ý thức rằng đừng để đất trống, rứa thôi! Đất cho cây lúa nước lên xanh. Đất cho mình nên người!”.
 
Ơn cái đập thủy lợi!
 
Hồ Lịch, người Vân Kiều bản Khe Dây khẳng định với chúng tôi đúng như thế: "Ơn cái đập thủy lợi!". Ở bản Khe Dây, kinh tế gia đình Hồ Lịch vững nhất, trong vườn trồng hơn 100 gốc tiêu, sở hữu 7ha rừng trồng keo, mỗi vụ khai thác thu từ 30 đến 40 triệu đồng/ha. Hồ Lịch còn đấu thầu thêm lòng hồ thủy lợi Khe Dây hàng năm để thả cá. “Nhưng phải cám ơn những con đập thủy lợi, đồng bào Vân Kiều vừa có nước phục vụ sản xuất, vừa có nước phục vụ dân sinh”, Hồ Lịch nhắc đi nhắc lại.
 
Hồ Lịch tự hào khi đập Khe Dây ở bản mình là công trình thủy lợi đầu tiên trong xã Trường Xuân khởi công xây dựng vào năm 1991 của thế kỷ trước. Từ khi đập Khe Dây định hình, người Vân Kiều bản Khe Dây sống định canh, định cư, trồng thí điểm 4 ha lúa nước. Năm đầu tiên xuống đồng, năng suất lúa đạt 42 tạ/ha. Khe Dây trở thành bản đầu tiên của người Vân Kiều xã Trường Xuân trồng được lúa nước, rời xa tập quán du canh, du cư, “phát, đốt, cốt, trỉa”.
 
Sau đập Khe Dây, để ổn định cuộc sống đồng bào Vân Kiều, hàng loạt công trình thủy lợi mới khởi công, xây dựng và đưa vào sử dụng: Trạng Rôộng, Lồng Đèn, Phú Bài... trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến năm 1997. Kèm theo đó là diện tích lúa nước nhân rộng thêm, bắt đầu từ bản Khe Dây và người làm chủ là đồng bào Vân Kiều trước đó vốn quen lối canh tác “phát, đốt, cốt, trỉa”.
 
Hướng đến ấm no
 
Hồ Thị Trang tâm sự với chúng tôi rằng, trồng lúa nước hai vụ, bảo đảm lương thực trong năm, nên gia đình thôi trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Đó mới vững bền.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Võ Thành Đồng chia sẻ: “Diện tích tự nhiên toàn xã trên 15.634ha, trong đó, đất nông nghiệp chỉ 346ha. Toàn xã có 9 thôn, bản với dân số hơn 849 hộ, trên 2.820 khẩu. Đồng bào Vân Kiều sinh sống tại 4 bản: Lâm Ninh, Khe Dây, Khe Ngang, Hang Chuồn với 246 hộ, 795 khẩu… Trong nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 của HĐND xã, Trường Xuân cố gắng tập trung vào công tác giảm nghèo bền vững, chú trọng đến đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số”.
Đồng bào Vân Kiều bản Khe Ngang gắn bó với cây lúa nước từ nhiều năm nay.
Đồng bào Vân Kiều bản Khe Ngang gắn bó với cây lúa nước từ nhiều năm nay.
Theo lời Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Võ Thành Đồng chúng tôi đi về với các bản. Từ dốc Ma Nang nhìn xuống thung lũng Rào Trù, chiến khu xưa của huyện Quảng Ninh trải dài đến Hang Chuồn là cả một vùng ngát xanh no ấm.
 
Thực sự cây lúa nước đã bám chắc cùng đồng bào Vân Kiều nơi xã vùng cao này.
 
Trong 75ha lúa nước gieo trồng vụ đông-xuân thì diện tích vượt trội thuộc quyền sở hữu đồng bào Vân Kiều như ở Trạng Rôộng 12ha; Rào Trù 18ha; Khe Dây 9ha; Khe Ngang 8ha và Lâm Ninh trên 7ha.
 
Để ổn định diện tích lúa nước của đồng bào Vân Kiều, tháng 6-2012, bằng nguồn ngân sách Nhà nước và huy động trong dân, xã Trường Xuân đầu tư trên 30 tỷ đồng tu sửa, nâng cấp 5 hồ đập thủy lợi trên địa bàn gồm đập Khe Dây, Lồng Đèn, Trạng Rôộng, Phú Bài, Hốc Bôống kết hợp tưới tiêu và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
 
“Người Vân Kiều bản Lâm Ninh làm lúa nước gần bốn mươi năm… thành ra ấm cái bụng, không giàu nhưng chẳng lo đói. Mình làm trưởng bản, quyết tâm giữ trọn vẹn màu xanh cho ruộng lúa hai vụ. Luôn giữ vững năng suất tốp đầu trong các bản làm lúa nước và đứng hàng thứ nhất trong xã”, Hồ Hơn tự hào hứa trước lúc chúng tôi về xuôi.
Hồ An