Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Vua mõ" trên dòng Kiến Giang

  • 09:06 | Thứ Sáu, 24/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên những chiếc đò bơi tại lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, khán giả đã quen mặt anh Hoàng Nhật Huy. Anh được nhiều người phong cho danh hiệu “vua mõ” vì cùng nhiều đội bơi giành 3 giải nhất hạng A và các giải thưởng khác.
 
Sinh ra và lớn lên ở thôn Uẩn Áo, xã Liên Thủy (Lệ Thủy), anh Hoàng Nhật Huy đã có tuổi thơ gắn liền với sông nước. Thời đó, lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang đang phát triển mạnh, thu hút hàng chục đội bơi, đua tham gia. Ông nội anh cũng là tay mõ, cha anh là trai bơi có tiếng trong vùng. Tuy nhiên, thôn anh không có đội bơi nên hai cha con phải về thôn Quy Hậu “đầu quân”. Anh Huy nhớ lại: “Khi ấy, thấy họ đánh mõ, tôi mê lắm, cứ ước được nhảy lên đò cầm mõ đánh điều khiển trai bơi”.
Anh Hoàng Nhật Huy đang đánh mõ trên đội đò bơi xã Tân Thủy.
Anh Hoàng Nhật Huy đang đánh mõ trên đội đò bơi xã Tân Thủy.
Năm 2006, thôn Uẩn Áo bắt đầu có đội đò bơi tham dự lễ hội và anh được chọn làm trai bơi. Ngay trong lần đầu dự thi, đội đò bơi của thôn đã về nhất hạng A nhưng kết quả không được công nhận do vi phạm quy chế. Lúc đó, đội đò bơi của thôn do ông Lê Xuân Bình đánh mõ. Trong thời gian này, anh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ vị tiền bối này. Năm 2007, đội đò bơi của thôn tiếp tục tham gia nhưng ông Bình tuổi cao, sức yếu, giọng khàn nên anh được lên chức “mõ trưởng”. Cái duyên gõ mõ của anh cũng bắt đầu từ đây, nhưng cũng trải qua nhiều thăng trầm khi đội chỉ có thành tích từ thứ 4 đến thứ 7 hạng A.
 
Năm 2010, thôn không tham gia lễ hội bơi nên anh Huy được nhiều đội “chiêu mộ” và giành được những thành công nhất định, trong đó có giải nhì hạng A cùng thôn Tiền Tiệp, xã Xuân Thủy. Nhưng phải đến năm 2016, cái tên Nhật Huy mới nổi khi anh cùng đội bơi xã Mỹ Thủy giành chức vô địch hạng A. Một năm sau, Mỹ Thủy lại tiếp tục giữ ngôi vị quán quân do anh Huy đánh mõ. Năm 2018, đội Mỹ Thủy thực lực rất mạnh và quyết tâm giành cú “ăn ba” lịch sử.
 
Thế những, trong cuộc đua này, đội chỉ về thứ 4 do gặp sự cố. Trong năm 2019, anh Huy quyết định đầu quân cho xã Tân Thủy. Đó là đội lần đầu tiên tham gia lễ hội. Ban đầu, đội không được đánh giá cao, nhưng với quyết tâm và nghị lực của các trai bơi dưới sự chỉ huy của “mõ trưởng” Nhật Huy, đội Tân Thủy đã cán đích đầu tiên hạng A trong sự ngỡ ngàng của nhiều đối thủ mạnh. Cũng từ đó, anh Huy được nhiều người dân phong cho danh hiệu “vua mõ”.
 
Theo anh Huy, để chiến thắng trong các cuộc bơi cần nhiều yếu tố. Ngoài quyết tâm của toàn đội cần phải am hiểu con đò, địa hình sông nước, sức mạnh các đội, sức trai bơi và cả yếu tố may mắn... Đặc biệt, trước khi vào bơi, người cầm phách, lái, mõ ngồi lại hội ý để bàn thế trận, ký hiệu riêng. Trên đường bơi, cả đội phải thực sự đồng sức, đồng lòng. Trong các đoạn cua, nếu đò mình không có sự kèm cặp của đối thủ, người đánh mõ phải cho đò đi chậm lại một chút để qua đoạn cua dễ dàng, tránh bị lật đò. Qua cua xong, phải thúc mõ thật nhanh, mạnh để tăng tốc trở lại.
Đông đảo người dân cổ vũ cho các đội bơi, đua.
Đông đảo người dân cổ vũ cho các đội bơi, đua.
Anh Huy chia sẻ: “Cái quan trọng nhất của người gõ mõ là phải thúc mõ thật nhanh để trai bơi bung sức từ thời điểm xuất phát đến thượng tiêu nhằm tạo ra sự cách biệt. Lúc này toàn bộ trai phải rập chầm, đều mái. Nếu chiếm được ưu thế thì phải mở mái để dưỡng sức trai nhưng phải đều chằm. Đặc biệt trong lúc trở tiêu, nếu có đối thủ bám sát, cạnh tranh thì phải bám chắn, không cho đối thủ vượt lên. Khi đó phải đánh thật căng lên để kích động trai bơi chiến đấu hết mình.
 
Nếu trường hợp đội mình thua thế cần phải mở mái cho thuyền bạn vượt lên và tiếp tục thúc chầm bám đuổi. Khi đò bơi qua làng hoặc chuẩn bị về đích mà có đối thủ cạnh tranh, người đánh mõ cũng phải đánh căng để tranh thủ động viên của khán giả, tạo thế cho đò tăng tốc”.
 
Ông Dương Văn Liên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể Thao huyện Lệ Thủy khẳng định: “Trên đò bơi, người đánh mõ có vai trò hết sức quan trọng. Đó chính là người chỉ huy trai bơi, giữ nhịp, điều tiết tốc độ của đò. Tiếng mõ còn thúc giục tinh thần chiến đấu của trai bơi. Một “mõ trưởng” giỏi có thể quyết định việc thắng bại của cả đội nếu các đội bơi cân tài, ngang sức”.
 
Theo ông Liên, người đánh mõ thường đứng giữa để bao quát tình trước sau cũng như các đối thủ tranh đua. Yếu tố thành công của người đánh mõ phải có mõ tốt. Đó là mõ được làm từ những gốc tre già, phơi khô rồi chế tác. Sau khi hoàn thành, mõ phải kêu to, tiếng thanh, vọng xa. Que đánh mõ phải làm từ gỗ táu chắc, dẻo. Nghe tiếng mõ, người dân Lệ Thủy có thể biết được là đò của đội nào, tốc độ ra sao, có tranh đua quyết liệt hay không…
 
Nhà văn Nguyễn Thế Tường, một người con Lệ Thủy rất am hiểu về lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang cho rằng: “Bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là hoạt động văn hóa tín ngưỡng của người dân Lệ Thủy. Nay lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nên địa phương cần phải phát huy hơn nữa những giá trị như: kêu gọi thêm các đội tham gia, trao giải khuyến khích cho các đội bơi, đua không đạt được kết quả cao, miễn họ không bỏ cuộc; không can thiệp, thay đổi nhiều về các yếu tố truyền thống, điều chỉnh lại một số quy định các đơn vị dự thi… Làm được như thế, lễ hội sẽ không những được giữ gìn mà còn phát triển mạnh hơn nữa”.
 
Xuân Vương