Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Cổ tích nơi thượng nguồn Rào Đá

  • 08:45 | Thứ Năm, 23/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong một lần “Trà dư, tửu hậu”, tôi tình cờ được một người bạn say sưa kể về nghị lực phi thường của Hồ Văn Bôn (SN 1980) ở bản Đá Còi, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy. Chuyện học, chuyện làm giàu của anh được ví như cổ tích giữa đại ngàn nơi thượng nguồn Rào Đá. Cận Tết, khi tiết trời se lạnh, tôi ngược lên với bản Đá Còi, được gặp, trò chuyện với Hồ Văn Bôn mới cảm nhận rõ hơn khát vọng vươn lên của những người trẻ Vân Kiều hôm nay...
 
Quyết tâm học lấy cái chữ Bác Hồ…
 
Từ đường 10, chúng tôi bám theo lối đi quanh co ven hồ Rào Đá để vào bản Đá Còi. Hôm nay, không còn cảnh lầy lội, khó đi như xưa, đường vào bản đã rộng thênh thang, được đổ bê tông phẳng lỳ. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn nhỏ, đơn sơ nơi thượng nguồn hồ Rào Đá, Hồ Văn Bôn bắt đầu kể về hành trình tìm kiếm con chữ của mình.
 
Trước đây, người Vân Kiều vẫn sống một cách "tự nhiên" với rau rừng, cá suối, quanh năm dựa theo những cánh rừng ở thượng nguồn Rào Đá để kiếm sống. Vì thế, tình trạng đói nghèo và thiếu chữ cứ như cái vòng tròn luẩn quẩn. Ở bản, có người từng đi học nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên dở dang và sau khi xây dựng gia đình lại cuốn vào cuộc sống mưu sinh nên chẳng bao giờ nghĩ đến việc học…
 
Rồi cán bộ về dạy chữ cho bà con dân bản và hành trình tìm kiếm con chữ của Hồ Văn Bôn giữa đại ngàn lại được tiếp thêm sức mạnh. Sau khi học xong cấp 2, Bôn tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh. Hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương, theo sự sắp xếp của gia đình, Bôn lấy vợ. Tưởng như cuộc sống gia đình với cảnh “cơm áo, gạo tiền” sẽ khiến cho con chữ của Bôn cũng “rơi rụng” theo vòng xoáy cuộc sống.
 
“Ngày ấy đi học cái chữ cũng là thứ xa xỉ với bà con dân bản miềng lắm. Vì cứ theo nếp cũ của dân bản miềng, hàng ngày, vào rừng kiếm vài thanh gỗ, bẫy vài con thú rừng, ra suối kiếm dăm con cá cũng đủ để nuôi sống gia đình, đổi rượu để uống. Hơn nữa, hàng tháng lại được nhận gạo trợ cấp của Nhà nước nên cuộc sống như vậy cũng hài lòng rồi…”, Bôn chia sẻ.
 
Nhưng cách nghĩ cổ hủ ấy không làm chùn bước Hồ Văn Bôn, anh quyết tâm phải tiếp tục học mở mang trí thức, cho bà con dân bản học tập, noi theo, đồng thời, vận dụng vào cuộc sống để làm giàu. Sau khi bàn với gia đình, năm 2015, Bôn đi xe máy một mạch từ bản Đá Còi về Trường Cao đẳng Kỹ thuật-Công nông nghiệp nộp hồ sơ xin vào học trung cấp ngành Lâm sinh.
 
Sau quãng thời gian miệt mài trên ghế nhà trường, Bôn tốt nghiệp trung cấp Lâm sinh. Không dừng lại ở đó, Bôn lại đăng ký vào học ngành Cao đẳng Quản lý tài nguyên rừng. Mới đây, Bôn là 1 trong 25 sinh viên khóa đầu tiên ngành Quản lý tài nguyên rừng của trường được tốt nghiệp.
 
“Miềng đã đăng ký học tiếp đại học ngành Quản lý tài nguyên rừng của Trường đại học Nông lâm Huế, dự kiến sau 2 năm nữa sẽ ra trường. Hy vọng hành trình tìm kiếm con chữ của miềng sẽ là động lực để những bạn trẻ Vân Kiều trong toàn tỉnh nỗ lực vươn lên, học tập, đổi thay cuộc sống…”, Bôn chia sẻ.
 
Và ấm no nơi bản Đá Còi
 
Đến bản Đá Còi những ngày cận Tết, mới thấy cuộc sống ở bản như bận hơn, đông vui hơn và rộn rã tiếng người cười nói. Bên ly trà xanh nóng xua đi cái lạnh giữa đại ngàn, Hồ Văn Bôn đã kể thêm một câu chuyện lập nghiệp từ hai bàn tay trắng của mình.
 
Gia đình Bôn từng là hộ nghèo, cuộc sống thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng với nghị lực, ý chí dám nghĩ, dám làm, Bôn đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, phát triển hiệu quả mô hình trồng rừng và chăn nuôi, vì thế, đã tạo dựng một tiềm lực kinh tế khá vững vàng cho gia đình.
Hồ Văn Bôn đang chăm sóc, kiểm tra rừng trồng của gia đình.
Hồ Văn Bôn đang chăm sóc, kiểm tra rừng trồng của gia đình.
Bôn tâm sự rằng, chuyện làm giàu của anh bắt đầu bằng những ngày tháng ngày đèo gùi lên rẫy “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quần quật tối ngày khai khẩn, mở hoang đất để trồng rừng…“Sau khi khai khẩn đất xong, gia đình không có vốn mua giống để trồng rừng, miềng lại lặn lội ngược xuôi, vay ngân hàng, anh em được 50 triệu đồng. Đánh cược cả số phận vào vụ trồng rừng đầu tiên ấy, do không có kỹ thuật, cây chết cũng khá nhiều. Nhưng vượt qua khó khăn của buổi ban đầu, với ý chí, nghị lực, gia đình miềng đã có thành quả như ngày hôm nay…”, Bôn cho hay.
 
Chúng tôi cùng Bôn đi xem những cánh rừng mà gia đình anh vừa mới trồng lại sau mùa thu hoạch. Tình cờ, bắt gặp đàn trâu, bò đang gặm cỏ bên những cánh rừng. Bôn cười và chỉ tay bảo với chúng tôi: "“của để dành” của miềng đó!". Theo chia sẻ của Bôn, để có được 15 con trâu, bò ấy, gia đình anh đã mất rất nhiều công sức. Từ một con bò giống nhỏ, anh đã cùng gia đình chăm bẵm, gây dựng để có được thành quả.
 
“Sau khi thu hoạch lứa rừng trồng vừa qua với số tiền hơn 500 triệu đồng, gia đình bây giờ cũng có đồng vốn ra vào. Hiện tại, miềng đang phát triển được khoảng 20 ha rừng trồng chủ yếu là keo và 15 con trâu bò với thu nhập hàng năm khoảng 150 triệu đồng/năm. Hơn nữa, là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngân Thủy, miềng còn “dẫn lối” giúp bà con dân bản Đá Còi nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững…”, Bôn cho hay.
 
 Ngọc Hải