Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ai ơi... chớ bỏ ruộng hoang

  • 07:25 | Thứ Ba, 08/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trong những ngày ra đồng làm tin sản xuất lúa, chúng tôi đã gặp những người nông dân “chân lấm tay bùn” và họ đã cho tôi cái nhìn thật khác về cánh đồng trong tâm thức mỗi người.

Trên cánh đồng lúa ngập màu vàng ươm, bà Võ Thị Hường (60 tuổi, ở thôn Đồn Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) thoăn thoắt khiêng bao tải lúa bên vệ đê lên chiếc xe bò cạnh đó quệt mồ hôi nói với chúng tôi: “Năm nay, thời tiết hạn quá, năng suất lúa chẳng bằng năm ngoái”.

Rồi bà kể, cả cuộc đời bà làm lụng trên đồng, hết việc nhà mình lại kiếm việc đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Nghề nông với bà là nghề “cha truyền con nối”, hết đời nọ sang đời kia, nên cánh đồng lúa này bà thuộc từng ngách cỏ, từng lối mòn. Bà đơn thân nuôi một cậu con trai, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, năm nào cũng trông cậy “ơn giời”.

Bà cũng như người nông dân nơi đây, bao năm nhìn nắng hạn, nhìn mưa lụt vẫn tin “ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng” và nhắc nhở nhau rằng: “Ai ơi... chớ bỏ ruộng hoang”…

Tôi cũng đã gặp một lão nông Trần Văn Sỹ, thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh đang miệt mài vác bao lúa lên bờ. Ông kể: “Nhà tui làm ruộng từ đời cha, đời cố. Khi vừa mở mắt là thấy ruộng, là nghe mùi mồ hôi. 10 tuổi đã ra đồng cùng cha mẹ gặt hái. Các o không quen, thấy gốc cây sắc, đâm vào chân trần là đau, chớ như tụi tui lại quen đi trên gốc lúa, trên ruộng mấp mô này. Đi đất bằng có khi thấy chân mình lạ lẫm, chông chênh”.

Những lời nói thủng thẳng của ông khiến tôi sửng sốt. Không chỉ bởi nó giản dị, mà còn đầy sâu sắc. Ông kể với tôi về những vụ lúa ngày xưa, về cái thời làm hợp tác, tiếng cười nói rổn rang cả cánh đồng bạt ngàn trăm ha.

Nông dân thu hoạch lúa.
Nông dân thu hoạch lúa.

Rồi ông nói về gia đình mình, hiện trồng 7 sào lúa, nếu như năm ngoái ông thu hoạch được chừng hơn 20tạ, thì năm nay chưa được 2/3. Ông thở dài, không giấu nỗi ngậm ngùi, rằng 4 con ông giờ đây đã chẳng ai theo nghề nông, 2 đứa rời quê vào Nam lập nghiệp, 2 đứa làm thợ xây.

Vậy là chỉ còn hai ông bà già với cánh đồng lúa. “Là cũng mừng cho chúng, vì làm lúa xem chừng vất vả, nhưng mà cũng nuối tiếc nhiều điều. Nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng, rồi đây nông dân trồng lúa lại có một ngày được hưởng ấm no nhờ vào đồng đất của quê mình.”, ông tâm sự.

Ông cũng kể về năm mình ra trận, nắm cơm cuối mình ăn trên chính cánh đồng này, có thể cũng ngồi trên chính những gốc lúa này, ông đã chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc nóng bỏng, trong giấc mơ bom đạn chập chờn vẫn thấy bạt ngàn cánh đồng của quê hương. Rồi ngày trở về, từ bỏ súng đạn, cởi áo lính để khoác lên người tấm áo nông dân, ông lại miệt mài với cánh đồng.

“Tui quen bà tui cũng trên cánh đồng này. Cảm mến nhau vì cái đức siêng năng, chăm chỉ mà nên đôi, nên lứa. Có thể nói, trừ quãng thời gian đi bộ đội, thì cả cuộc đời tui, cuộc đời vợ tui đã diễn ra trên cánh đồng.”, ông bảo.

Chúng tôi còn gặp ở đây chị Châu, chị Bích, anh Công… rộn rã tiếng nói cười, đẫm ướt giọt mồ hôi trên cánh đồng đầy nắng lóa. Có biết bao nhiêu khó khăn nghề trồng lúa, cùng nỗi lo được mất vụ mùa, nhưng giây phút này đây, tiếng máy gặt lúa, tiếng bước chân giẫm lên từng thớ đất rậm cỏ và tiếng đàn châu chấu nhảy rào rào sau khi bị đánh động bởi bàn chân người khiến tôi cảm thấy tất cả như trong một điệu nhạc vui…

Những người nông dân ra đồng từ lúc 4 giờ sáng, trưa về nhà, chiều lại ra cho đến tận 7, 8 giờ tối. Bao nhiêu năm qua, họ đã quá quen với cái mùi ngai ngái của đất bốc hơi khi nắng vừa lên, mùi của những giọt sương tan ra trong bình minh, mùi của cỏ dại, của hương lúa chín. Và mùi của mùa màng, cái mùi mang đến niềm vui dìu dịu và một nỗi trìu mến khó tả mà phải gắn bó lâu năm trên cánh đồng mới thực sự cảm nhận được.

Giống như mọi người nông dân trên khắp các cánh đồng đất Việt, người dân huyện Quảng Ninh dành cho đất đai một tình yêu da diết. Họ không biết diễn tả tình yêu đó bằng ngôn từ, nhưng chúng tôi biết, nó ở ngay đây, trong trái tim họ, trong ánh mắt xao xuyến niềm vui của họ khi được hỏi về nghề nông, trong nụ cười hiền hậu rạng rỡ của họ ngay cả lúc đang lao động mệt nhọc nhất. Tình yêu ấy thấm đẫm trong từng giọt mồ hôi nhỏ xuống cánh đồng. Tình yêu ấy đến một cách tự nhiên như những cơn gió vốn đã thênh thang hiện hữu giữa đất trời.

Trong sâu thẳm, nó là sự gắn bó một cách tự nhiên giữa người nông dân và công việc của mình, cái công việc ngàn đời nay ông bà, tổ tiên, cha mẹ họ vẫn làm, vừa là một cách để duy trì sự sống vừa như cuộc chơi mà họ dànhcả đời đặt vào đấy, một cách tự nguyện đến gần như nghiễm nhiên, chân thành.

Hồng Nhung
(Đài TT-TH huyện Quảng Ninh)