Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Định danh thương hiệu mật ong Lệ Thủy

  • 08:23 | Chủ Nhật, 22/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Vùng miền tây Lệ Thủy được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu, nên trong những năm qua, nghề nuôi ong lấy mật tại một số xã ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mật ong Lệ Thủy có chất lượng cao, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, việc định danh thương hiệu mật ong Lệ Thủy vẫn chưa có hồi kết…

Nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi ong…

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông Hoàng Văn Điều, thôn Trường Giang, xã Trường Thủy, một trong những hộ nuôi ong lâu năm nhất tại địa phương. Theo ông Điều, nguyên là công nhân nông trường Đại Giang, sau khi nông trường giải thể, ông bắt đầu tìm hướng đi mới cho cuộc sống của gia đình mình.

Và ông đã chọn nuôi ong lấy mật làm kế sinh nhai và phát triển kinh tế cho gia đình. Thời gian đầu, gia đình ông chỉ nuôi 1-2 đàn ong rừng với mục đích phục vụ nhu cầu gia đình là chính.

Gia đình ông Trương Tấn Ngọc, xã Trường Thủy nuôi 50 đàn ong, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Gia đình ông Trương Tấn Ngọc, xã Trường Thủy nuôi 50 đàn ong, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Đến năm 2008, ông bắt đầu mua 5 đàn ong từ Viện ong Trung ương về triển khai nuôi đại trà trong vườn. Vừa nuôi vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, đến nay, sau hơn 20 năm gắn bó với nghề, gia đình ông đã có 20 đàn ong. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu từ đàn ong khoảng 200 chai mật, với giá bán giao động từ 250-300 nghìn đồng/chai, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về trên 60 triệu đồng.

Để theo đuổi nghề nuôi ong, ông Phan Viết Thỏa, thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy cũng đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố. Ông khởi nghiệp với  3-4 đàn ong rừng, nhưng do chưa có kinh nghiệm, đầu ra không ổn định nên ong hao hụt, thua lỗ, tách đàn, bệnh tật…

Sau khi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong theo hướng hàng hóa do Viện ong Trung ương tổ chức, rồi bằng kinh nghiệm từ thực tế, năm 2016, ông mua 12 đàn với giá 1,2 triệu đồng/đàn và tiến hành nuôi trong vườn. Đến nay, mỗi năm, gia đình ông thu về khoảng hơn 100 chai mật, với giá bán từ 250-300 nghìn đồng/chai, thu nhập hơn 30 triệu đồng mỗi năm…

Theo chia sẻ của ông Thỏa, nghề nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng. Nuôi ong đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông do không tốn diện tích đất, chi phí đầu tư ban đầu thấp và đặc biệt tốn ít công chăm sóc…

Với gần 10 năm chuyên nuôi ong lấy mật, ông Trương Tấn Ngọc, thôn Giang Sơn, xã Trường Thủy nắm rất rõ về kỹ thuật nuôi ong.Ông Ngọc cho biết, tận dụng địa hình đồi núi, rừng có độ che phủ lớn, các loại hoa rừng phong phú nên gia đình ông đã đầu tư làm chuồng trại, mua ong giống để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đến nay, gia đình ông đã có 50 đàn ong, mỗi nămthu về khoảng 450 chai mật, lãi từ hơn 100 triệu đồng/năm.

Theo chia sẻ của ông Ngọc, để bảo đảm mật ong có chất lượng, gia đình ông chỉ thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 5 Âm lịch theo một quy trình nghiêm ngặt. Tuy nhiên, hiện nay, nghề nuôi ong lấy mật đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là đầu ra cho sản phẩm mật ong…

Loay hoay định danh thương hiệu…

Nghề nuôi ong lấy mật ở Lệ Thủy đã có từ lâu, nhưng chủ yếu là tự phát, sản phẩm làm ra phần lớn để phục vụ nhu cầu của người dân. Nhưng vài năm trở lại đây, nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều gia đình đã đầu tư, mở rộng quy mô, tận dụng lợi thế đất vườn đồi, biến nghề nuôi ong lấy mật trở thành một hướng đi tiềm năng để cải thiện cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, hiện tại, địa phương có khoảng trên 400 đàn ong với hàng trăm hộ dân tham gia nuôi. Phong trào nuôi ong lấy mật trên địa bàn phát triển nhanh, đem lại nguồn thu lớn.

Năm 2018, toàn xã thu được khoảng hơn 5.000 chai mật ong với giá bán giao động từ 250-300 nghìn đồng/chai.“Hiện nay, chính quyền địa phương đang tập trung tuyên truyền bà con nuôi ong đúng kỹ thuật và khuyến khích mở rộng chăn nuôi, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong để vươn tới thị trường tiêu thụ ổn định hơn", ông Quyết chia sẻ.

Theo ông Trương Tấn Ngọc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nuôi ong lấy mật Trường Thủy, hiện nay HTX có 20 xã viên với khoảng 200 đàn ong, thời gian qua, việc tiêu thụ sản phẩm mật ong chủ yếu là do các hộ tự tìm đầu ra, chưa có đơn vị nào bao tiêu sản phẩm.

Mặc dù đã thành lập được 2 năm nay, tuy nhiên, đến nay, HTX chủ yếu hoạt động hình thức. Vì thế, việc đưa sản phẩm mật ong ra thị trường còn gặp nhiều khó khăn. HTX rất cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng, giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm này…

Nhiều gia đình vùng phía tây huyện Lệ Thủy đã tận dụng diện tích đất vườn để nuôi ong lấy mật cho thu nhập ổn định.
Nhiều gia đình vùng phía tây huyện Lệ Thủy đã tận dụng diện tích đất vườn để nuôi ong lấy mật cho thu nhập ổn định.

Đi tìm bài toán định danh thương hiệu mật ong Lệ Thủy, ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thủy cho biết, trước đây, nghề nuôi ong trong huyện chủ yếu được duy trì với hình thức nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra để phục vụ nhu cầu gia đình.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tận dụng lợi thế diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng, nghề nuôi ong trên địa bàn huyện phát triển mạnh với gần 4.000 đàn ong. Hiện nay, huyện đang tiến hành làm hồ sơ đăng ký thương hiệu mật ong Lệ Thủy tại Sở Khoa học-Công nghệ.

“Khó khăn hiện nay là tìm đầu ra và làm nhãn mác cho sản phẩm mật ong Lệ Thủy. Tuy nhiên, huyện phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành nhãn hiệu mật ong Lệ Thủy và đưa mật ong vào sản phẩm OCOP của huyện.

Bên cạnh đó, huyện sẽ hỗ trợ mua chai, tem truy xuất nguồn gốc, phân tích chất lượng mật ong, máy tách nước cho các cơ sở, HTX nuôi ong lấy mật. Ngoài ra, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên tuyền, quảng bá, mở một cửa hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện, trong đó có sản phẩm mật ong Lệ Thủy…”, ông Vương cho biết thêm.

Ngọc Hải