Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Lên cao, ngắm cảnh

  • 20:11 | Thứ Bảy, 24/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Một ngày hè nắng vàng rực rỡ, chúng tôi có chuyến trải nghiệm thú vị trên chiếc máy bay Cessna của Hãng hàng không Hải Âu để ngắm cảnh từ độ cao gần 300m. Cung đường từ TP. Đồng Hới ngược ra đèo Ngang trở nên mới mẻ và độc đáo hơn khi được “thu vào tầm mắt” ở một góc nhìn thật khác.

Xuất phát từ sân bay Đồng Hới, chuyến hành trình khám phá những dải đất ven biển Đông chuyên chở 12 hành khách cùng 2 thành viên phi hành đoàn. Đã có rất nhiều chuyến ngược ra Bắc, ngắm nhìn quê hương trên con đường ven biển với những đôộng cát trùng điệp hay trên con đường thiên lý Bắc Nam nhộn nhịp người, nhưng có lẽ, sẽ chẳng có chuyến đi nào cho chúng tôi nhiều cảm giác thú vị như hôm nay.

Cửa sông Nhật Lệ.
Cửa sông Nhật Lệ.

Đó là xúc cảm của những người đầu tiên được trải nghiệm một dịch vụ mới mẻ, độc đáo, được nhìn ngắm những làng quê, những dải đất tưởng chừng đã quá quen thân ở một góc nhìn thật khác biệt. Niềm háo hức hiển hiện trên từng gương mặt người.

Trên chuyến khám phá của chúng tôi có một người khách rất đặc biệt: ông Benjamin Joseph Mitchell-người Úc, chủ một doanh nghiệp du lịch khá nổi tiếng tại khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng. Trong suốt chuyến hành trình hơn 30 phút, có lẽ ông là du khách phấn khích nhất khi liên tục cảm thán trước vẻ đẹp của cảnh núi non trùng điệp, sóng nước mênh mang bản thân được chiêm ngưỡng. Ben đã có hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất Quảng Bình.

Từ những ngày đầu bước chân vào làm du lịch, ông đã đi rất nhiều nơi trên dải đất hẹp nhất Việt Nam này, đi để khám phá, để trải nghiệm, để bồi đắp cho mình những kiến thức làm du lịch. Mảnh đất này đối với một người nước ngoài như ông đã trở nên quá thân tình. Dù vậy, cái cảm giác của ngày hôm nay thật khác mà như Ben nói là “thú vị như phim”. Và với chúng tôi, những người được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Quảng Bình, những rung cảm này cũng chưa một lần được trải qua.

Ngược ra Bắc từ trên khoảng không cao gần 300m, những ngôi làng ven sông, ven biển, những con đường chạy dọc dải đất hẹp bất chợt như nhỏ lại. Cách sân bay Đồng Hới không xa là những bãi cát trắng Quang Phú cao ngút ngàn, trùng điệp, nghiêng nghiêng bên bờ biển xanh miên man. Màu xanh của biển, màu vàng của nắng và màu cát trắng cứ hòa vào nhau đẹp như tranh vẽ.

Vượt qua những làng quê của Nhân Trạch, Lý Trạch, con sông Dinh mềm như một nét vẽ hiển hiện ra trước mắt. Dù không dài rộng, không tích tụ nhiều phù sa như những dòng sông khác, nhưng dòng chảy của sông Dinh vẫn chất chứa những sản vật lưu danh.

Tôi đã có cơ hội cùng những người dân vạn chài trải nghiệm một đêm mưu sinh trên sông Dinh, ngắm vẻ đẹp yên bình với những nương mía xanh mướt mắt hai bên bờ sông, những bãi đá lởm chởm giữa dòng sông xanh ngắt. Hôm nay, nhìn sông Dinh ở một góc nhìn thật khác, mới thấm thía hơn cái dư vị yên bình của cuộc sống sông nước và để thấy yêu hơn chính từng khúc sông nhỏ gắn bó với bao phận người nổi nênh trên sông.

 Hành trình khám phá tiếp tục đi qua thị trấn Hoàn Lão, xã Đại Trạch, Đồng Trạch (huyện Bố Trạch). Những ruộng lúa, hồ nuôi tôm trên cát của bà con nơi đây thu nhỏ lại chỉ như những ô vuông nằm xếp lớp bên nhau.

Những ngôi nhà ngói đỏ nép mình bên những ruộng lúa mênh mông và được bao bọc giữa sông, giữa biển và dải núi phía Tây trùng điệp. Ben-người bạn đồng hành của tôi cứ xuýt xoa bảo rằng, chúng đẹp và yên bình như trong những bức tranh phong cảnh mà anh đã từng được chiêm ngưỡng.  

Làng Lý Hòa (nay là xã Hải Trạch, Bố Trạch) hiển hiện trong tầm mắt của chúng tôi là những ngôi nhà khang trang nằm san sát bên nhau, lưng tựa núi, mặt hướng ra sông. Gần 400 năm trước, những con người ở vùng quê Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã làm một cuộc hành trình vượt sóng, vươn khơi, bám đất, lập làng ngay trên chính mảnh đất Lý Hòa này. 400 năm sau, Lý Hóa tựa như một khu đô thị nhộn nhịp nơi mảnh đất “núi giăng một mặt, nước giăng ba bề”.

Tưởng trong những xô bồ, phát triển của cuộc sống, người Lý Hòa sẽ lãng quên đi những giá trị xưa cũ. Nhưng không, những công trình đình đền, giếng cổ vẫn bền gan, trầm mặc cùng thời gian. Họ gìn giữ di sản của ông cha như gìn giữ lấy những ký ức thiêng liêng làm nên cốt cách, truyền thống của người Lý Hòa qua nhiều thế kỷ.

Phải khám phá cảnh sắc ở một tầm nhìn bao quát nhất mới thấu cảm được rằng Quảng Bình được thiên nhiên ưu ái cho bao la sông biển và trùng điệp núi đồi. Sau một cuộc hành trình nhẫn nại chảy trôi, ôm ấp bao xóm, bao làng, cưu mang bao phận người chìm nổi cùng dòng sông, cuối cùng, dòng sông Gianh lịch sử cũng hòa mình vào biển Đông thương nhớ. Nơi dòng sông sắp sửa “chạm” vào biển, cây cầu Gianh vươn mình nối liền hai bờ.

Xa xa, những cồn nổi giữa dòng hiện lên như những nét chấm phá đầy sắc màu. Vậy là qua đau thương của chiến tranh, chia cắt của lịch sử phân tranh đôi bờ, cuộc sống của người dân vùng sông nước này cứ lạc quan, bình thản sống như dòng sông Gianh mỗi độ xuân về.

Những mảnh đất dọc dài ven biển như Quảng Thọ, Quảng Xuân, Cảnh Dương rồi Quảng Đông, đèo Ngang... cứ thế lướt qua trong tầm mắt của chúng tôi. Dòng xúc cảm vẫn cứ nguyên sơ và mải miết chảy như bao con sông vẫn xuôi về phía biển.

Sau khi “chạm vào” đèo Ngang đang sừng sững vươn ra giữa biển, chiếc Cessna chở chúng tôi quay ngược trở lại, được chiêm ngưỡng thêm lần nữa những vùng đất dọc theo bờ Biển Đông.

Những du khách đầu tiên được trải nghiệm dịch vụ bay ngắm cảnh.
Những du khách đầu tiên được trải nghiệm dịch vụ bay ngắm cảnh.

Giờ đây, chúng tôi mới có cơ hội được ngắm nhìn TP. Đồng Hới từ trên cao, thấu cảm hết tất cả những vẻ đẹp của thành phố trẻ. Cửa sông Nhật Lệ và bán đảo Bảo Ninh mang vẻ đẹp phóng khoáng, mênh mang của mảnh đất ven sông, ven biển.

Qua bao chìm nổi của phận người, đời sông, đến cuối cuộc hành trình đầy duyên nợ, sông Nhật Lệ đã tự hào hòa dòng nước mỡ màu, phù sa vào biển Đông mênh mang sóng, tạo nên một phần lãnh thổ máu thịt không thể tách rời. Nơi cửa sông lồng lộng gió, những công trình cao tầng mọc lên, khoác tấm áo mới cho đô thị trẻ.

20 năm trở về trước, một cây cầu nối đôi bờ thương nhớ chỉ tồn tại trong mơ ước của bao thế hệ người dân xã biển Bảo Ninh. Tiếng gọi “đò ơi” vang ra giữa dòng rồi rơi vỡ giữa mênh mang sóng. Giờ, cầu Nhật Lệ 1 và 2 đã nối gần lại bao ước mơ của người dân hai bên bờ sông. Nhật Lệ lại rực rỡ sắc màu. Và Đồng Hới “như cô gái trẻ vươn trên trước bình minh hồng”.

Kết thúc chuyến khám phá vẻ đẹp của quê hương từ trên chiếc máy bay Cessna, mỗi chúng tôi đều mang trong mình những xúc cảm khó tả. Đó đâu chỉ đơn thuần là xúc cảm của những người đầu tiên được trải nghiệm một dịch vụ du lịch mới mẻ, khác lạ mà ngắm nhìn dải đất ven biển từ trên cao, hẳn ai trong chúng tôi cũng có được những dự cảm tốt lành về sức vươn của quê hương mình.

Tháng 7-2019, Hãng hàng không Hải Âu đã khai trương đường bay ngắm cảnh Đồng Hới-Đà Nẵng bằng máy bay Cessna Caravan 208B-EX. Đây là loại máy bay một động cơ lớn nhất thế giới và an toàn nhất khi hạ cánh trên mặt nước (theo FAA-Cục Hàng không liên bang và ICAO-Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), đạt tiêu chuẩn về ổn định, hiệu quả nhiên liệu và mức độ an toàn.

Thủy phi cơ Cessna có khả năng bay và hạ cánh tại bất kì vùng nước hay khu vực đường băng mặt đất nào.

Ghi chép của Diệu Hương