Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chông chênh nghề biển Cảnh Dương

  • 15:29 | Thứ Bảy, 31/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngư dân Lê Ngọc Tình, tổ trưởng tổ biển xa 2 (xã Cảnh Dương, Quảng Trạch) đứng trên bờ, chỉ tay về phía những con tàu đang neo đậu: “Tổ biển xa của tôi có 15 tàu chuyên đánh bắt vùng biển Hoàng Sa. Nay đã có 9 tàu phải gán bờ (nằm bờ) vì lỗ tổn nặng. Riêng tàu tôi từ đầu năm đến nay cũng phải nợ tiền dầu, tiền đá trên 50 triệu đồng rồi”.

Ngư dân mất mùa

Xã biển Cảnh Dương vốn có truyền thống lâu đời gắn bó với nghề biển. Một thời gian dài, đội tàu đánh bắt vùng biển xa của địa phương này đứng nhất nhì trong vùng biển miền Trung. Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho hay:  “Hiện toàn xã có 640 tàu cá, trong đó có trên 400 tàu đánh cá ở vùng biển xa. Ngoài 100 tàu phải vào lộng vì không đủ chiều dài trên 15m thì cũng có hơn trăm tàu gán bờ vì làm ăn thua lỗ kéo dài”.

Ngư dân Lê Ngọc Tình có hơn 20 năm đánh cá vùng biển xa nên được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ biển xa 2. Anh tâm sự, ngư dân Cảnh Dương cơ bản gắn bó với nghề thả câu cá hố.

Các tư thương nhìn tàu nằm bờ trong nỗi lo.
Các tư thương nhìn tàu nằm bờ trong nỗi lo.

Những năm trước, mỗi chuyến ra khơi (khoảng từ 12-15 ngày), mỗi thuyền thấp nhất cũng được 1 tấn cá. Giá thương lái mua cũng dao động từ 130-160 nghìn đồng/kg. Thu nhập mỗi chuyến đi khoảng 150 triệu dồng, trừ chi phí chuyến đi (phần chi phí ngư dân còn gọi là tổn) thì mỗi ngư dân được chia khoảng 7-10 triệu đồng. “Tính ra, mỗi tháng thuyền ra khơi 2 chuyến, mỗi lao động có thu nhập từ 14-20 triệu đồng/tháng”, anh Tình cho hay.

Điều khác lạ là từ đầu năm đến nay, sản lượng đánh bắt giảm hẳn. Ông Đồng Vinh Quang cho hay, kế hoạch sản lượng đánh bắt năm nay của Cảnh Dương là 4.500 tấn. Qua 7 tháng đầu năm 2019, sản lượng đạt khoảng 2.200 tấn. “Sản lượng chủ yếu từ đánh bắt vùng lộng (ven bờ) chứ sản lượng của đội tàu xa bờ rất thấp”, ông Quang nói thêm.

Ngồi cùng chúng tôi trên con đường chạy sát cửa sông Roòn đổ ra biển, anh Tình hướng ra hàng chục con tàu đang san sát neo cạnh nhau mà bức bối trong lòng. “Năm nay, biển khác thường chi lạ!”, anh nói giọng buồn.

Theo anh Tình, tàu anh có 7 lao động làm nghề câu cá hố và phụ thêm nghề chụp mực. Mỗi chuyến đi, phí tổn tiền dầu, đá lạnh, lương thực… cũng hết khoảng 50 triệu đồng. Suốt chuyến đi, mỗi người thả 2 dây câu nhưng cũng chỉ có được sản lượng khoảng 5 tạ cá. Về bờ, thương lái mua giá từ 65-70 ngàn đồng/kg.

“Sản lượng giảm còn một nửa và giá cũng bị kéo về bằng một nửa nên chẳng có gì. Thu nhập chuyến đi chỉ được khoảng 40 triệu đồng. Chưa trả được công cho lao động mà còn lỗ tổn 10 triệu đồng”, anh Tình lắc đầu nói.

Cũng như anh Tình, ngư dân Phạm Ngọc Hương có tàu xa bờ công suất 700 CV. Tàu anh Hương cũng trong diện nằm bờ vì càng đi khơi càng lỗ. Anh Hương chậm rãi chia sẻ:“Mấy anh em bạn tàu cũng xin phép nghỉ để đi vào các tỉnh phía Nam làm thuê chứ không thể bám theo tàu mà chẳng có thu nhập nào.

Tôi cũng chưa biết tính toán ra sao. Nếu chuyển đổi nghề đánh bắt thì cũng phải có thời gian và đầu tư ngư lưới cụ hàng trăm triệu đồng chứ không ít. Có lẽ phải cho tàu nằm bờ đến cuối năm. Còn bây giờ, tôi sẽ phụ việc buôn bán với vợ hoặc lại đi làm thuê ở miền Nam thôi chứ không có sinh kế nào khác!”.

Do làm ăn thua lỗ, nhiều chủ tàu đã phải vay mượn tiền với lãi suất cao, qua nhiều lần vay nên đã không trả được nợ, lâm vào tình cảnh túng thiếu. Cũng có người treo biển bán tàu gán nợ chứ không thể nào tìm được lối thoát.

Hầu hết các chủ tàu đều đã có những khoản vay ở ngân hàng, vì vậy khó có thể vay thêm được nữa. “Rất có thể nhiều chủ tàu đã tìm đến nguồn vay của “tín dụng đen” nên lãi mẹ đẻ lãi con và mất khả năng thanh toán”, ông Quang nhìn nhận.

Hậu cần cũng… buồn theo

Ông Đồng Vinh Quang nhận định, hàng trăm tàu cá biển xa của Cảnh Dương bị nằm bờ còn bởi thiếu nhân lực lao động. “Có tàu muốn ra khơi nhưng kêu gọi không đủ bạn tàu nên cũng chịu. Lao động thấy thu nhập thấp quá nên chuyển sang làm nghề khác hoặc đi lao động ở nước ngoài”, ông Quang giải thích. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có 20 lao động chính trên các tàu cá bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động, hy vọng kiếm được tiền về trả nợ vay.

Cũng từ đầu năm đến nay, dịch vụ hậu cần nghề cá ở Cảnh Dương cũng chông chênh theo tàu xa bờ. Tàu ít chuyến, nằm bờ nhiều nên lượng tiêu thụ dầu, đá lạnh hay lên đà sửa chữa cũng ít dần đi. Một nguyên nhân khiến tàu xa bờ Cảnh Dương không về bến là do cửa lạch sông Roòn bị bồi lấp cạn nên tàu không thể vào khu neo đậu. “Cửa lạch cạn lắm, tàu công suất 400 CV nếu đủ dầu, đá lạnh quay ra là mắc cạn ngay”, anh Tình cho hay.

Ông Phan Thanh Bình, chủ doanh nghiệp kinh doanh đá lạnh và xưởng sửa chữa tàu biển tại Cảnh Dương, cho biết: “Mấy năm trước, mỗi tháng, tôi nhận hàng chục lượt tàu lên đà vào sửa chữa từ duy tu đến đại tu. Từ đầu năm đến nay, có tháng không nhận được tàu nào. Bà con ra khơi không đủ tiền dầu thì lấy đâu ra tiền mà sửa chữa”.

Tàu xa bờ ở Cảnh Dương đang neo bờ dù đang trong mùa đánh bắt.
Tàu xa bờ ở Cảnh Dương đang neo bờ dù đang trong mùa đánh bắt.

Cũng theo ông Bình, xưởng đá lạnh của ông được đầu tư gần 1,5 tỷ đồng để cung ứng đá lạnh cho tàu ra khơi. Chỉ trong năm 2018, doanh thu từ xưởng đá cũng trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên, thu nhập cao cho 6 lao động. “Từ đầu năm đến nay mới có doanh thu hơn hai trăm triệu. Tàu không ra khơi thì bán được đá cho ai. 6 lao động cũng cho nghỉ việc rồi”, ông Bình thở dài!

Cảnh Dương có trên 20 cơ sở làm dịch vụ hậu cần nghề cá, như: sửa chữa tàu, xăng đầu, đá lạnh…Hiện gần nữa số cơ sở đã tạm dừng hoạt động, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng vì không có khách hàng.

Nhiều tư thương chuyên thu mua hải sản cho làng biển Cảnh Dương cũng lâm vào tình cảnh “đìu hiu chợ chiều”. Chị Đậu Thị Luyện (một tư thương chuyên thu mua hải sản) cho biết, trước đây, chị bắt mối với tư thương Trung Quốc để ngập hàng cá “cấp tươi” (tức là hàng sơ chế ướp đá lạnh và đưa đi, không phải hàng đông lạnh).

Doanh nghiệp phía bạn đòi hỏi phải đi bằng đường chính ngạch, trong đó có yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, tàu cá ngư dân Cảnh Dương không thể làm được điều này. Do vậy, phải đi theo đường tiểu ngạch.

“Theo đường tiểu ngạch nên chi phí lớn. Mỗi kg cá đội lên 30-40 giá. Vì vậy, buộc đầu vào phải hạ thấp giá xuống chỉ 60 ngàn đồng/kg.  Nhưng cũng có thời điểm, chúng tôi buộc dừng xuất hàng đến cả tuần. Hàng “cấp tươi” dừng lại chừng đó thời gian là xem như thua lỗ nặng. Nhưng nhìn cảnh tàu cứ nằm bờ đồng loạt như vậy thì nỗi lo lại càng lớn hơn”, chị Luyện chia sẻ.

Việc tàu biển xa phải nằm bờ do sản lượng đánh bắt giảm sút không chỉ xảy ra ở xã Cảnh Dương. Nhiều địa phương có đội tàu biển xa lớn, như: xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn), xã Đức Trạch (Bố Trạch)..., cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Tại phường Quảng Phúc, dù đang mùa ra biển, nhưng cũng có gần trăm tàu xa bờ đang neo bờ.

Ngư dân Hoàng Văn Hải, tổ trưởng tổ đoàn kết trên biển của phường Quảng Phúc cho biết: “Mỗi chuyến đi làm chủ tàu phải gánh nợ nên nhiều tàu chấp nhận nằm bờ”.

Tâm Phùng