.

Mỏi mòn… nước sạch - Bài 2: để công trình nước sạch phát huy hiệu quả

Thứ Năm, 29/06/2017, 08:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong khi ở nhiều địa phương, hàng ngàn người dân đang phải đối mặt với cơn khát nước sạch triền miên thì cũng tại nhiều nơi, không ít công trình nước sạch được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng rồi... “đắp chiếu”. Điều này không chỉ làm gián đoạn việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn mà còn gây ra nhiều lãng phí không đáng có.

>> Bài 1: Những vùng đất... "khát"!

Những công trình “yểu mệnh”

Theo số liệu từ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS và VSMTNT) tỉnh thì hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có 110 công trình nước sạch nhưng chỉ có 23 công trình hoạt động bền vững (chiếm 20,91%), 45 công trình hoạt động trung bình (chiếm 40,91%), 14 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 12,73%) và có đến 28 công trình không hoạt động hoặc đang bị “treo” (chiếm 25,45%). Phần lớn các công trình này được đầu tư với số tiền rất lớn từ vài trăm triệu đồng cho đến vài chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, không phải công trình nào khi đưa vào khai thác, sử dụng cũng phát huy, tác dụng. Nhiều công trình xây xong chỉ mới vận hành được một thời gian ngắn thậm chí có công trình chưa “khởi động” ngày nào đã vội lâm vào cảnh “phơi sương”.

Xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) được phân cấp xây dựng 3 công trình nước sạch với tổng số vốn đầu tư tương đương khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có một công trình hoạt động bền vững, còn lại hai công trình, gồm hệ thống dẫn nước tự chảy ở thôn Thanh Xuân (số vốn hơn 784 triệu đồng) và hệ thống dẫn nước tự chảy thôn Hợp Trung (số vốn hơn 671 triệu đồng) thì bị “đắp chiếu” từ nhiều năm nay.

Thực tế là nhiều vùng nông thôn, miền núi, ven biển tỉnh ta đang phải từng ngày đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch sinh hoạt.

Mong muốn lớn nhất của người dân ở những nơi này là có được công trình nước sạch để thỏa mãn “cơn khát” nhưng vì nhiều lý do, đó vẫn chỉ là “giấc mơ xa” với họ.

Tương tự, xã An Ninh (Quảng Ninh) cũng có 2 công trình nước sạch được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước đưa vào sử dụng không được bao lâu thì “chết yểu”. Đó là công trình nước sạch tại thôn Thống Nhất, được đầu tư trên 202 triệu đồng, có công suất thiết kế 60m3/ngày, đêm, đưa vào sử dụng năm 2007 và công trình cấp nước thôn Kim Nại được đầu tư trên 633 triệu đồng, đưa vào sử dụng từ năm 2002 với công suất 298m3/ngày, đêm.

Đây chỉ là 4 trong số hàng chục công trình nước sạch được đầu tư xây dựng với kỳ vọng sẽ giải quyết hiệu quả “bài toán” nước sạch cho người dân địa phương. Tuy nhiên, chỉ mới hoạt động một thời gian ngắn, các công trình này đều gặp phải vấn đề và lâm vào cảnh “yểu mệnh” và chấm dứt hoạt động, gây lãng phí không hề nhỏ.

Đó là chưa kể đến những công trình được đầu tư xây dựng rất tốn kém nhưng chưa phục vụ bà con ngày nào đã bị “khai tử” như công trình nước sạch xã Hoa Thủy (Lệ Thủy) hoặc đang trong tình trạng bị “treo” như công trình nước sạch xã Xuân Thủy (Lệ Thủy).

Qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy, được biết, năm 2011, địa phương được đầu tư xây dựng công trình nước sạch phục vụ nhu cầu cho 4 thôn Phan Xá, Đồng Giang, Tiền Thiệp, Xuân Bồ với tổng nguồn vốn 7,233 tỷ đồng, trong đó Nhà nước 4,765 tỷ đồng và nhân dân 2,443 tỷ đồng.

Được khởi công xây dựng từ tháng 9-2012 đến tháng 8-2014 công trình hoàn thành một số hạng mục gồm giếng khoan, bể lọc, máy bơm, đài nước và tuyến ống chính với phần vốn Nhà nước. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, công trình tiền tỷ này vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do chưa huy động được nguồn vốn từ người dân để hoàn thành nốt các hạng mục còn lại.

“Trước tình hình đó, chính quyền xã buộc phải chọn giải pháp tình thế là sẽ đầu tư cho 2 thôn Phan Xá và Đồng Giang bắt nước sạch từ thị trấn Kiến Giang về dùng. Hai thôn còn lại thì chúng tôi chỉ còn cách huy động tiếp nếu không thì đành phải... chờ”, ông Đề cho biết.

“Cha chung không ai khóc”

Hầu hết các công trình nước sạch “chết yểu” đều có “nỗi niềm” riêng, trong đó có cả nguyên nhân từ thiên tai, mưa lũ, như: công trình ở Thuận Hóa (Tuyên Hóa), Dân Hóa, Hóa Tiến (Minh Hóa), Sơn Thủy (Lệ Thủy)...

Nhưng nguyên nhân chủ yếu chính do sự phân cấp quản lý của các địa phương khá lỏng lẻo theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Khi xây dựng xong, phần lớn các công trình được nghiệm thu và bàn giao cho chính quyền địa phương có trách nhiệm trực tiếp quản lý, khai thác và đưa vào sử dụng. Nhưng thực tế đã khẳng định rằng, trách nhiệm này chưa được thể hiện rõ nét, thậm chí có khi còn bỏ quên.

“Trong số 110 công trình nước sạch toàn tỉnh thì chỉ có 3 công trình do Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh quản lý là công trình cấp nước xã Thanh Trạch (Bố Trạch), thị trấn Lệ Ninh (Lệ Thủy), Tiến Hóa (Tuyên Hóa); 2 công trình do Ban Quản lý xây dựng dự án huyện Quảng Ninh và Ban Quản lý dự án ODA Quảng Trạch quản lý hoạt động rất tốt, mang tính bền vững cao.

Ngược lại, các công trình được giao cho chính quyền cấp xã quản lý đa phần đều không phát huy được tác dụng do cán bộ được giao quản lý, vận hành chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn kỹ thuật; việc vận hành, bảo dưỡng thực hiện không đúng quy trình, không xây dựng được nguồn kinh phí bảo dưỡng công trình thường xuyên, nên hoạt động chỉ được một thời gian rồi “bỏ ngỏ” và kết quả là nước đi đường nước, ống đi đường ống, công trình “đắp chiếu” là điều không thể tránh khỏi”, ông Bùi Thái Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh chia sẻ.

Một nguyên nhân nữa khiến hiệu quả hoạt động của nhiều công trình cấp nước sinh hoạt ở tỉnh ta bị hạn chế đó là việc đầu tư tràn lan, thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng “nơi cần không có, nơi có chẳng mặn mà”.

Thực tế là nhiều vùng nông thôn, miền núi, ven biển tỉnh ta đang phải từng ngày đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch sinh hoạt. Mong muốn lớn nhất của người dân ở những nơi này là có được công trình nước sạch để thỏa mãn “cơn khát” nhưng vì nhiều lý do, đó vẫn chỉ là “giấc mơ xa” với họ.

Không huy động nguồn đóng góp từ người dân để hoàn thành nốt các hạng mục, từ năm 2014 đến nay, công trình nước sạch của xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) vẫn đang nằm “phơi sương”.
Không huy động nguồn đóng góp từ người dân để hoàn thành nốt các hạng mục, từ năm 2014 đến nay, công trình nước sạch của xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) vẫn đang nằm “phơi sương”.

Trong khi đó, nhiều địa phương may mắn được đầu tư xây dựng công trình nước sạch với số tiền không hề nhỏ, nhưng người dân lại chẳng mấy mặn mà. Đó chính là lý do vì sao từ nhiều năm nay, dù chính quyền xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhưng vẫn không thể huy động được nguồn vốn từ dân để hoàn thành nốt các hạng mục của công trình nước sạch trên địa bàn.

“Vướng” ở đâu,“gỡ” ở đó!

Nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng để các địa phương hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc hàng loạt công trình nước sạch đang bị bỏ hoang, hoạt động không hiệu quả như hiện nay không chỉ gây lãng phí và khó khăn cho đời sống của người dân, mà còn là “rào cản” trong quá trình phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới ở nhiều nơi.

Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt, cần có những giải pháp căn cơ, cụ thể. Thực tế cho thấy nơi nào có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh với UBND các xã và người dân hưởng lợi thì ở đó công trình sẽ phát huy hiệu quả.  Chính vì vậy, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, công trình cấp nước liên xã hoặc trong một xã có quy mô từ 500m3/ngày, đêm trở lên, sẽ giao cho Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh quản lý, khai thác hoặc UBND tỉnh giao một đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện. Các công trình cấp nước trong phạm vi một xã công suất dưới 500m3/ngày, đêm thì UBND xã tổ chức vận hành, khai thác. Như vậy, sẽ giúp các công trình nước sạch phát huy hiệu quả một cách tốt hơn.

Một giải pháp nữa để khắc phục tình trạng sử dụng kém hiệu quả của công trình nước sạch là xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và người dân. Công tác lập dự án cần phải theo quy hoạch về cấp nước và vệ sinh môi trường đã được duyệt và cần có đánh giá đến tác động môi trường. Quan trọng hơn là phải lấy ý kiến người dân về địa điểm, quy mô xây dựng, gắn kết trách nhiệm người dân trong việc xây dựng công trình, đồng thời lựa chọn loại hình cấp nước và mô hình quản lý sau đầu tư phù hợp với đặc thù từng địa phương.

Trong công tác xây dựng, cần phải quy hoạch hợp lý, sát thực tế từng vùng, từng địa phương và nhu cầu sử dụng của người dân, tránh tình trạng đầu tư tràn lan nhưng không hiệu quả; chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch; huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể quần chúng, cộng đồng dân cư ở thôn, bản đối với vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; cần có cơ chế hỗ trợ đào tạo quản lý, vận hành cũng như kinh phí sửa chữa và nâng cấp các công trình cấp nước đã xuống cấp trong quá trình vận hành...

Tâm An