.

Xóm Trầm ngày mới

Thứ Sáu, 05/05/2017, 08:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ Quốc lộ 12A, vượt qua một ngọn đồi cao vút, chúng tôi đã đến xóm Trầm (thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa) vào đúng dịp kỷ niệm 131 năm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1885 - 1-5-2017). Chỉ với xuất phát điểm là bàn tay trắng, nhờ sự cần cù, sáng tạo trong lao động, ý chí không ngại khó, khổ..., sau gần 25 năm bền bỉ chinh phục đất hoang, người dân xóm Trầm đã "buộc" cả một vùng đất cằn cỗi phải chuyển mình thức giấc...  

Bền bỉ chinh phục đất hoang

Năm 1994, hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương về di giãn dân để phát triển kinh tế, 10 hộ dân (chủ yếu là những cặp vợ chồng trẻ) ở thôn Đồng Lâm đã mạnh dạn viết đơn tình nguyện đến với vùng đất Trầm tham gia khai hoang phục hoá, định canh định cư.  

Nhờ trồng rừng kinh tế, nhiều hộ dân ở xóm Trầm đã trở nên khấm khá.
Nhờ trồng rừng kinh tế, nhiều hộ dân ở xóm Trầm đã trở nên khấm khá.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi hiện đại, hai vợ chồng cựu chiến binh Đoàn Xuân Niệm (sinh năm 1963) và Phạm Thị Nhung (sinh năm 1962) nhớ lại: “Chúng tôi gặp nhau trong quân ngũ, ở chiến trường biên giới Việt Nam- Lào, rồi nên duyên vợ chồng.

Ngày ra quân trở về quê, sống dựa vào nghề nông, hai vợ chồng gần như tay trắng, đất sản xuất ít ỏi, nghề phụ thì không có. Khi biết được xã, thôn có chủ trương khuyến khích các hộ dân tiến hành di giãn dân để tăng thêm quỹ đất sản xuất, cơ hội việc làm..., vợ chồng tôi đã viết đơn xung phong vào vùng đất Trầm, cách nơi ở chừng 5 km.

Dẫu biết đây là mảnh đất “lắm không” (không điện, đường, trường, trạm, chợ...), nhưng nhớ lời những người lớp trước từng khuyên dạy "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", vợ chồng động viên nhau cứ vào đó mà kiếm kế sinh nhai, may ra cuộc sống sẽ khấm khá hơn.

Thời điểm đó, 4 đứa con đang rất nhỏ, đứa lớn nhất học chưa hết bậc tiểu học. Dẫu rất thương con, nhưng hai vợ chồng đành bấm bụng gửi mấy đứa lớn lại cho người thân ở thôn Đồng Lâm rồi vào Trầm khai hoang. Cứ vài hôm mới ra thăm con một lần. Gia đình tôi nằm trong số 10 hộ đầu tiên của thôn được xét vào sản xuất tại vùng đất này...”.

Ông Niệm kể tiếp, buổi đầu vào với mảnh đất Trầm, chung quanh toàn cây dại, lau lách um tùm, lắm rắn rết, thú dữ. Do đất dốc và rất nhiều sỏi đá, ông bà phải chọn những nơi thật gần khe suối, hồ nước để phát, cuốc cho tương đối bằng phẳng rồi mới trồng vào đó những vạt ngô, sắn, mía... Nhằm chủ động được nguồn nước tưới tiêu, gia đình phải tự đắp, đào kênh mà dẫn nước về. Cũng nhờ có nguồn nước, gia đình mới canh tác được thêm vài sào lúa 2 vụ.

Với quan điểm lấy ngắn nuôi dài, ông bà thả nuôi thêm mấy chục con gà, vài con heo, sau đó tích luỹ sắm thêm bò để phục vụ việc kéo cày... Khoảng giai đoạn từ năm 2000 đến 2005, nhận thấy việc trồng rừng kinh tế cho hiệu quả cao, ông bà đã mạnh dạn nhận giao khoán từ các chương trình, dự án trồng thông nhựa nhằm kiếm thêm thu nhập, đồng thời, chủ động vay vốn để mua các giống cây keo, bạch đàn, thông nhựa về trồng quanh khu vực sản xuất. Nhờ đó, đến nay, ông bà đã có hơn 20 ha rừng kinh tế gồm thông nhựa, bạch đàn, keo, dẻ.

Từ việc phát triển chăn nuôi và trồng rừng kinh tế, hai vợ chồng đã tích luỹ được một khoản tiền khấm khá để mua 2 chiếc xe ô tô cho 2 con trai làm thêm nghề kinh doanh vận tải. Hàng năm, gia đình đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 14 lao động ở địa phương, với mức thu nhập 6,6 triệu đồng/người/tháng, đó là chưa tính tới hàng chục lao động thời vụ khác...

Ông Đoàn Xuân Hòa, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Lâm cho biết, buổi đầu vào với xóm Trầm, các hộ dân nơi đây đều phải đối mặt với cuộc sống khá chật vật, như: kinh tế khó khăn, đường sá đi lại lầy lội, chợ, trường học, trạm y tế thì xa ngái, đã thế vào mùa mưa lũ, xóm thường bị cô lập dài ngày nên suốt một quãng thời gian dài, tỷ lệ học sinh học đến cấp 2 chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Có thời điểm, một số hộ không chịu được gian khó, đành chấp nhận bỏ hoang đất sản xuất để trở về nơi ở cũ. Riêng những hộ kiên trì bám trụ với mảnh đất này, đời sống kinh tế ngày nay tương đối khấm khá so với mặt bằng chung toàn xã. Nguyên do là họ sở hữu được nhiều diện tích rừng trồng kinh tế, mở mang phát triển chăn nuôi, trồng trọt...

Vợ chồng cựu binh Đoàn Xuân Niệm mới chỉ là một dẫn chứng tiêu biểu trong hàng chục hộ dân ở xóm Trầm nhờ bền bỉ chinh phục đất hoang mà ổn định được cuộc sống, vươn lên khấm khá.   

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của xóm Trầm, Đức Hóa, Tuyên Hóa.
Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của xóm Trầm, Đức Hóa, Tuyên Hóa.

Xóm Trầm chuyển mình

Xóm Trầm hiện có 32 hộ, 98 nhân khẩu, trong đó, trên 30% hộ dân đều có đất rừng trồng kinh tế. Từ xuất phát điểm “lắm không”, đến nay đời sống kinh tế của cư dân xóm Trầm đã cơ bản sánh ngang với những nơi khác ở xã Đức Hoá, thậm chí vài hộ còn trở thành điển hình tiêu biểu của xã trong làm ăn sản xuất giỏi.

Bí thư Hoà phấn khởi cho biết thêm, xóm Trầm giờ đã có điện thắp sáng. Tất cả trẻ em trong vùng đều được đến trường đúng độ tuổi. Tỷ lệ học sinh bậc THCS và THPT ngày càng tăng cao, thậm chí vùng Trầm đã có 3 em học đến bậc cao đẳng, đại học. Khi chính quyền thôn Đồng Lâm vận động nhân dân tham gia đóng góp kinh phí để xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn..., người dân xóm Trầm đều tham gia hưởng ứng rất tích cực.

Nhân dân còn tham gia các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao rất sôi nổi. Từ chỗ "trắng" về đảng viên, nay xóm Trầm đã có 3 đảng viên (trong đó 2 đồng chí đã chuyển sinh hoạt vì lý do công việc) và hầu hết các hộ gia đình đều tham gia tích cực vào các tổ chức đoàn thể, như: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh...

Tuy nhiên, sống cạnh vùng đất rừng, nhưng có khoảng 60% hộ dân xóm Trầm đến nay vẫn không có đất để trồng rừng kinh tế, cải thiện cuộc sống. Nguyên do là trước đây đường sá vào xóm Trầm rất cách trở, mặt bằng dân trí thấp, nhiều hộ chưa nhận thức được giá trị của việc trồng kinh tế..., đã dẫn tới việc dù được giao đất nhưng vẫn không chịu sản xuất. Mãi đến khi bà con nhận thức được giá trị của trồng rừng kinh tế, thì hầu hết diện tích đất rừng quanh khu vực đều đã chia hết cho các hộ trong xã. Bà con rất mong các cấp chính quyền sớm xem xét để có thêm quỹ đất sản xuất, cơ hội việc làm...

Văn Minh