.

Làng "rốn lũ" với ước mơ làm du lịch

Thứ Bảy, 18/03/2017, 17:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Lâu nay, người dân cả tỉnh, cả nước đã biết đến xã Tân Hóa (Minh Hóa) là một làng “rốn lũ” khi năm nào nước cũng ngập tới nóc nhà. Nhưng với tiềm năng vốn có của mình, Tân Hóa đang ước mơ trở thành một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế…

“Nếu những ai đã đến Tân Hoá chắc chắn sẽ đồng ý với tôi là Tân Hoá thật đẹp. Làng nhỏ yên bình với những ngôi nhà gỗ truyền thống của bà con người Nguồn thật bình dị, nên thơ. Dòng sông Rào Nan uốn lượn quanh làng tạo thành những cánh đồng lúa, ngô xanh mướt như một bức tranh thủy mặc…

 

Một nơi thật thân thương như vậy mà hàng năm vẫn lụt lội, bà con còn rất vất vả. Oxalis nhận thấy Tân Hoá có tiềm năng trở thành ngôi làng du lịch cộng đồng…” – Ông Nguyễn Châu Á - Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua me đất Oxalis (đơn vị lữ hành đang thực hiện tour du lịch khám phá hang động lớn nhất thế giới - Sơn Đoòng) đã nêu ý tưởng như vậy.

Với nhiều người, ý tưởng trên có thể là xa vời, nhưng chúng tôi tinvới kinh nghiệm và tầm nhìn của một người làm du lịch chuyên nghiệp như ông Nguyễn Châu Á, cùng với tiềm năng vốn có và sự cần cù, chịu thương, chịu khó, cách sống chan hòa, dễ mến của người dân nơi đây, ước mơ đưa Tân Hóa trở thành một làng du lịch cộng đồng độc đáo, hấp dẫn sẽ sớm thành hiện thực.

Biến “rốn lũ” thành “mùa nước nổi”

Nhắc đến Tân Hóa, chắc chắn nhiều người sẽ nhớ ngay đến cụm từ “rốn lũ”.Năm lũ ít thì nước ngập sàn nhà, lớn thì nước ngập đến mái. Cảnh nước ngập đến mái nhà không còn xa lạ gì với người dân Tân Hóa. Nhưng, lũ vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân vùng cao này. Cứ mỗi mùa lũ đi qua thì tất cả tài sản của bà con mất hết. Có năm, bà con được mùa ngô, lúa nhưng khi lũ về một trận thì cả làng không còn một hạt thóc khô.

Tuy nhiên, từ sau cơn đại hồng thủy năm 2010, mọi thứ đã thay đổi. Giữa cái khó khăn tận cùng, người dân nơi đây đã sáng chế ra chiếc nhà bè. Nhà bè được làm trên khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại, khi nước dâng cao, nhờ các thùng phi rỗng này mà nhà nổi theo nước. Để làm một căn nhà nổi rộng chừng 15 đến 20m2, bà con đầu tư từ 30-35 triệu đồng.

Khi nước lũ về là nơi cư trú cho cả gia đình 8 - 10 người và còn chứa thêm các vật dụng thiết yếu như tivi, xe máy, lương thực... Để giữ thăng bằng và cố định vị trí nổi cho cả ngôi nhà, người dân sáng tạo thêm hai cột định vị gắn vào hai góc ngôi nhà...Và từ đó, nhà bè trở thành phao cứu sinh để người dân Tân Hóa có thể “sống chung với lũ”.

Mùa lũ năm 2016, Tân Hóa lại chìm trong biển nước, cánh nhà báo chúng tôi tìm đường lên Tân Hóa. Đích thân chủ tịch UBND xã Tân Hóa, ông Ngô Thanh Đá chèo thuyền chở chúng tôi đến thăm những ngôi nhà bè, nơi người dân Tân Hóa đang ung dung sống bình an qua những ngày lũ lớn. “Các anh thấy không, bây giờ người dân vùng cao Tân Hóa cũng có mùa “nước nổi” rồi.

Bình thường, người dân lo làm ăn, nhưng từ tháng 9 trở đi, trước khi những cơn lũ lớn ập về, người Tân Hóa phải chuẩn bị lương thực, chất đốt và đưa dần những vật dụng quan trọng, quý giá lên nhà bè để sống trong những ngày lũ lớn” – ông Đá nói.

Sau mùa lũ, Tân Hóa (Minh Hóa) trở về với cảnh sắc nên thơ với những cánh đồng ngô, lúa xanh mướt mắt.
Sau mùa lũ, Tân Hóa (Minh Hóa) trở về với cảnh sắc nên thơ với những cánh đồng ngô, lúa xanh mướt mắt.

Theo lời ông Đá, do địa hình của Tân Hóa nằm ở trong một thung lũng mà 3 bề là lèn núi đá vôi. Dòng Rào Nan khi chảy về Tân Hóa, gặp phải những lèn núi đá chặn ngang. Bình thường, dòng nước sẽ len lỏi theo những hang ngầm để đổ về sông Gianh, nhưng những ngày mưa lớn, nước đổ về nhanh, hang ngầm không thoát kịp, khiến nước lũ dâng lên cao như vậy. Có một điều, nước lũ ở Tân Hóa dâng cao nhưng rút chậm và không chảy xiết.

Chính vì vậy, ngay trong những ngày nước lũ, cuộc sống của người dân Tân Hóa vẫn cứ diễn ra một cách an toàn. Trong căn nhà bè, bếp lửa hồng vẫn bập bùng cháy và những bữa cơm tươm tất vẫn được người phụ nữ chuẩn bị chu đáo, chứ không còn cái cảnh phải sống trên lèn đá và  nhai mì tôm sốngnhư những năm trước cơn đại hồng thủy năm 2010.

Chứng kiến cảnh người dân Tân Hóa ung dung sống trong những ngày lũ lớn, nhiều người hôm ấy đã lạc quan cho rằng, những ngày nước lũ này, nếu có ai đó mở một tuor du lịch về Tân Hóa, chắc chắn sẽ hút khách!?...

Tân Hóa có gì để ước mơ trở thành làng du lịch?

Nếu chỉ là một làng “rốn lũ”, việc Tân Hóa muốn trở thành một làng du lịch cũng mãi chỉ là một giấc mơ thôi. Nhưng đâu chỉ có vậy, ngoài phong cảnh nên thơ đẹp như một bức tranh thủy mặc, Tân Hóa còn có hệ thống hang động Tú Làn gồm 10 hang động khác nhau với hệ thống thạch nhủ đẹp lung linh, huyền ảo.

Để đến với hệ thống hang động Tú Làn, du khách bắt buộc phải đi qua Tân Hóa, qua làng quê bình yên, qua những cánh đồng lúa, ngô xanh mướt dọc theo triền sông uốn lượn, qua thung lũng rộng lớn với cánh đồng có xanh tươi có đàn trâu, bò thong dong gặm cỏ…

Cũng tại nơi đây, đầu năm 2016, đoàn làm phim đến từ kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood đã thực hiện một số cảnh quay quan trọng cho bộ phim bom tấn: “Kong Skull Island”. Theo nhiều chuyên gia và doanh nhân làm du lịch, việc Hãng phim Legendary chọn Việt Nam (trong đó có Tân Hóa) làm bối cảnh quay Kong: Skull Island là món quà cho ngành du lịch Việt Nam. Bởi khi bộ phim được công chiếu trên toàn cầu, hàng triệu người xem và thấy được phong cảnh tự nhiên ngoạn mục trên phim, hình ảnh Việt Nam sẽ được lưu giữ trong nhiều người...

Trở lại vấn đề làm du lịch của Tân Hóa, ông Cao Thanh Bình – Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa cho biết, lãnh đạo xã Tân Hóa đã nhận thức được vấn đề. Hiện, lãnh đạo địa phương đang phối hợp với Công ty Oxalis xây dựng đề án, các bước kế hoạch để quyết tâm thực hiện. Về phía địa phương sẽ cố gắng hết sức trong việc vận động người dân xây dựng một cảnh quan tự nhiên đẹp trong mỗi ngôi nhà, mảnh vườn của mình.

 Hiện ở Tân Hóa mới chỉ có chi nhánh của Công ty Oxalis là nơi dừng chân cho du khách khám phá hệ thống hang động Tú Làn.
Hiện ở Tân Hóa mới chỉ có chi nhánh của Công ty Oxalis là nơi dừng chân cho du khách khám phá hệ thống hang động Tú Làn.

Đặc biệt là cách đón tiếp, giữ gìn bản sắc văn hóa sinh hoạt, ẩm thực của địa phương, làm sao tạo được nét độc đáo, đủ sức hấp dẫn được du khách. Ông Bình tin rằng, nếu được đào tạo, hướng dẫn, chắc chắn người dân Tân Hóa sẽ làm được. Trước mắt, người dân sẽ đảm nhận dịch vụ ẩm thực từ chính thức ăn mà người dân tự trồng, tự nuôi như: gà, vịt, rau xanh... làm hướng dẫn viên trải nghiệm du khách nước ngoài bằng các dịch vụ, như: ra đồng  nhổ lạc, bẻ bắp, làm đất, đi cày. Ai có điều kiện thì khuyến khích mở homestay cho khách lưu trú qua đêm...

Theo ông Bình, hiện tại ở Tân Hóa mới chỉ có chi nhánh của Công ty Oxalis là nơi dừng chân và đưa khách thám hiểm hệ thống hang động Tú Làn. Hàng năm, đã có hàng ngàn lượt khách đến thám hiểm Tú Làn nhưng họ chỉ đi qua Tân Hóa mà chưa một lần ở lại. Tuy vậy, nhờ Công ty Oxalis khai thác du lịch ở Tú Làn, mỗi năm, xã nghèo như Tân Hóa đã có nguồn thu ngân sách trên 500 triệu đồng.

Ngoài ra, Công ty Oxalis cũng thuê hàng chục lao động địa phương để làm  porter (khuân vác hàng hóa) cho du khách trong những chuyến thám hiểm Tú Làn, nhờ vậy mà người dân địa phương đã có thêm nguồn thu từ du lịch...

“Nếu được đào tạo, hướng dẫn, chắc chắn người dân Tân Hóa sẽ làm được du lịch. Trước mắt, người dân sẽ đảm nhận dịch vụ ẩm thực từ chính thức ăn mà người dân tự trồng, tự nuôi, như gà, vịt, rau xanh...; làm hướng dẫn viên cho những du khách nước ngoài bằng các dịch vụ, như: ra đồng  nhổ lạc, bẻ bắp, làm đất, đi cày. Ai có điều kiện thì khuyến khích mở homestay cho khách lưu trú qua đêm...” - Ông Cao Thanh Bình

Phan Phương