.

Tổ quốc phía trùng dương - Kỳ 5: Tổ quốc bắt đầu ở nơi này

Thứ Năm, 19/01/2017, 11:32 [GMT+7]

(QBĐT) - “Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió/ Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này”, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng viết những câu thơ với tâm thế hiên ngang như thế của một người con đất Việt khi đứng giữa đất trời Trường Sa.

>> Kỳ 4: Từ "chung chiêng lều bạt"...

>> Kỳ 3: Bên cột mốc chủ quyền

>> Kỳ 2: Thao thức... Trường Sa

>> Kỳ 1: Chạm vào phần "máu thịt" thiêng liêng

Thoáng trông qua gương mặt trên di ảnh được đặt trang trọng trên ban thờ  ở đảo Phan Vinh là một gương mặt còn rất trẻ, với vầng trán rộng, đôi mắt sáng tinh anh. Đó là Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh (1933-1968) thuyền trưởng của con tàu không số huyền thoại C235. Phan Vinh cũng là hòn đảo duy nhất ở quần đảo Trường Sa mang tên của một người anh hùng liệt sĩ. Ngày nay, trên đảo xa sóng gió này, huyền thoại về người anh hùng này vẫn được các thế hệ lính đảo truyền lại cho nhau nghe.

Ảnh 7 : Canh trời Tổ quốc nơi đảo xa.
Canh trời Tổ quốc nơi đảo xa.

Một ngày cuối tháng 2-1968, khi chỉ còn cách TP.Nha Trang (Khánh Hòa) khoảng 6 hải lý, con tàu C235 (thủy thủ đoàn gồm 20 người), do Phan Vinh làm thuyền trưởng mang theo 14 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam bị địch phát hiện.

Để tàu không rơi vào tay kẻ thù,  anh đã quyết định hủy tàu. Phan Vinh liền cho anh em bơi vào bờ trước, còn anh và thượng sĩ cơ điện Ngô Văn Thứ ở lại điểm hỏa rồi mới rời tàu. Ngày hôm sau, sau khi đã anh dũng chiến đấu đến gần hết đạn, anh cùng đồng đội đã dành quả lựu đạn cuối cùng cho mình. 14 cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 đã vĩnh viễn nằm lại trên biển Hòn Hèo (Khánh Hòa).

Sự hi sinh anh dũng của người anh hùng liệt sĩ Phan Vinh và con tàu C235 đã điểm một nốt son trong những trang sử truyền thống vẻ vang của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, thuở còn non trẻ ấy. Ngày 25-8-1970, Nguyễn Phan Vinh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Và 15 năm sau ngày giải phóng Trường Sa, tên anh đã được dùng để đặt cho một hòn đảo ở quần đảo Trưởng Sa. Đó là đảo Phan Vinh ngày nay. 

Ngạc nhiên lẫn ngẫu nhiên, hôm đó tôi gặp thiếu úy trẻ Phan Trọng Nghĩa (SN 1994 ở Đà Nẵng). Nghĩa bảo, như là duyên số đặt định. Thuở nhỏ, Nghĩa học Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh, hàng ngày đến trường trên đường mang tên người anh hùng ấy và giờ đây lần đầu ra với Trường Sa, nơi cậu đặt chân đến là hòn đảo Phan Vinh.

Nghĩa gọi đó là cái duyên hiếm có. Cái duyên mà Nghĩa nói ở đây có phải là sự kết nối, tiếp bước của một thế hệ trẻ bất chấp mọi khó khăn, gian khổ ra nơi cửa bể này, giữ trọng trách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Không phải là Nghĩa không biết những gì sẽ đón đợi mình ở Trường Sa, bởi bố mẹ của cậu đều công tác ở Vùng 3 Hải quân.

Nghĩa bảo: “Trường Sa đã thấm vào máu em từ những câu chuyện bố mẹ em kể, khi em còn nhỏ. Mình có sức trẻ, thì mình đi thôi, nề hà gì hả anh”. Đúng vậy, sóng gió Trường Sa đã không khiến cho chàng trai trẻ chùn chân mà ngược lại, cậu còn đứng vững giữa biển trời này.

Trung tá Ngô Đình Xuyên, Chỉ huy trưởng đảo, kính cẩn nghiêng mình thắp một nén nhang thơm lên ban thờ của người Anh hùng liệt sĩ Phan Vinh rồi tỏ tường thêm cho tôi rằng, thế hệ này ngã xuống thì có thế hệ khác đứng lên. Sự tiếp nối thế hệ đó, chính là dòng máu Việt truyền lại từ ngàn đời xưa rồi. Người lính đảo đứng nơi đầu sóng ngọn gió luôn nguyện tiếp bước cha anh, sẵn sàng hi sinh và chấp nhận hi sinh vì phần máu thịt thiêng liêng này của Tổ quốc.

Buổi sáng diễn ra lễ chào cờ trước Quốc kỳ và cột mốc chủ quyền trên đảo Phan Vinh, tôi thấy có sự hiện diện của một lực lượng mang sắc phục màu xanh da trời. Đó là những cán bộ, chiến sĩ ở Trạm ra-đa 44 (Sư đoàn phòng không 377) đang đóng quân trên đảo này. Còn nhớ, hôm trò chuyện cùng với những người lính ở đảo chìm Núi Le, thượng tá Lê Văn Chiến, Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn phòng không 377 chia sẻ rằng, bầu trời Tổ quốc đã có các anh canh giữ, nên các chiến sĩ trên đảo yên tâm nắm chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.

Đại úy Lê Đức Hiến, Trạm trưởng tự nhận phòng không là một nghề thầm lặng-nghề “canh sóng” giữa trời, hay còn gọi là trinh sát bầu trời. Gọi là nghề thầm lặng bởi, họ phải cần mẫn chăm chăm vào màn hình ra-đa suốt 24 giờ trong ngày, để phát hiện những “mục tiêu lạ” được truyền tải từ  bộ “xương cá” khổng lồ, đầy những thanh ngang dọc, đặt trên nóc nhà trạm kia. “Mục tiêu lạ”, đó là ngôn từ của ngành phòng không dùng để chỉ những mối nguy, những đe dọa xâm phạm bầu trời, vùng chủ quyền trên không của Tổ quốc.

Chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh.
Chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh.

Cái nghề canh trời này đâu chỉ là máy móc, trang bị hiện đại mới làm chủ được bầu trời, mà yếu tố con người mới đóng vai trò quyết định. Người lính ấy nhất thiết, phải có một nhãn lực cực tốt và cực tinh, với một sự tập trung cao độ, cùng với khả năng xử lý, phân tích, dự báo tốt mọi tình huống có thể xảy ra, “Quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ vì các tình huống trên không”.

Chiều xuống chậm, chuông chùa Vinh Phúc  gióng lên từng hồi ngân rung, vang vọng cả một góc trời. Tôi dừng chân lại lâu hơn trên nền cát trắng san hô, thứ cát nhọc nhằn giữa đảo xa sóng gió ấy, trải qua bao thăng trầm thời gian, dưới bàn tay vun vén của con người, cứ vun cao mãi cho dáng hình Tổ quốc nơi này thêm đủ đầy, trọn vẹn.

Thầy Thích Tuệ Nhân, trụ trì chùa  Vinh Phúc ở đảo Phan Vinh bảo, mái chùa luôn gắn liền với cuộc sống, tinh thần, và những sinh hoạt tính ngưỡng của người Việt ta. Vì vậy, ở đâu có người Việt thì ở đó có chùa chiền, miếu mạo. Lúc ban sáng, dạo bước trên nền sân lát gạch trong khuôn viên nhà chùa, thỉnh thoảng, tôi còn thấy ở giữa những viên gạch này ấn định một con chim lạc-loài chim đã trở thành biểu trưng cho những đàn con Việt, vẫn đang sải cánh mải miết bay.

Trường Sa, Xuân Đinh Dậu 2017
        Dương Công Hợp