.

Lý Sơn... hành trình biển đảo - Kỳ 1: Duyên nợ ngũ Quảng

Thứ Bảy, 26/09/2015, 08:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Con tàu cao tốc An Vĩnh 01cất lên một hồi còi dài chào cảng Sa Kỳ, chào đất liền Quảng Ngãi, đưa đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Bình trực chỉ ra đảo Lý Sơn, khởi đầu chuyến hành trình đến với biển đảo Tổ quốc của chúng tôi... Nhưng trước đó, ở Quảng Bình, điểm cực bắc, chúng tôi đã có một đêm “ôn cố tri tân” với Quảng Ngãi, điểm cực nam của xứ Ngũ Quảng xưa, với huyện đảo Lý Sơn trong hành trình bám biển bảo vệ toàn vẹn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Một góc đảo Lý Sơn.
Một góc đảo Lý Sơn.

Lịch sử đất phương Nam thời mở cõi mang đậm dấu ấn của những danh nhân Quảng Bình: Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Nhân Hòa hầu Đặng Đại Tài, Thạc Đức hầu Đặng Đại Độ... trong đó vang danh nhất cho đến ngày nay là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Giai đoạn chúa Minh Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược Chân Lạp (tháng 2 năm Mậu Dần 1698) đã định hình xứ Đồng Nai, Sài Gòn- Gia Định, trong giai đoạn mở mang bờ cõi, danh xưng Ngũ Quảng được nhắc đến nhiều nhất.

Sở dĩ chúng tôi ngược về quá khứ đến 317 năm (1698-2015) lúc Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh “Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” vì xứ Ngũ Quảng vốn có nhiều duyên nợ trong quá khứ đến tương lai mãi mãi sau này. Khi vào đến Cù Lao Phố, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập đại bản doanh tại đây rồi cùng các quan lại dưới trướng xác định cương giới; định bộ máy hành chính; lập làng, xã, thôn, xóm; quy định các loại thuế...

Ông lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên. Lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Nguyễn Hữu Cảnh chiêu mộ dân từ xứ Ngũ Quảng vào khai khẩn nhiều vùng đất, lập nên làng xã mới. Lưu dân Ngũ Quảng, người Hoa, người Việt sở tại sống thuận hòa, hữu hảo, quan hệ các nước lân bang ổn định, bờ cõi nhờ đó mà yên.

Cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên núi Thới Lới, đảo Lý Sơn
Cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên núi Thới Lới, đảo Lý Sơn

Ngũ Quảng dưới thời nhà Nguyễn, theo Đại Nam nhất thống chí trải dài từ nam đèo Ngang đến tận đèo Bình Đê (ranh giới giữa Quảng Ngãi và Bình Định) gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Quảng Đức xưa chính là tỉnh Thừa Thiên- Huế bây giờ. Đại Nam nhất thống chí viết: “Mùa hạ năm Tân Dậu 1801, Thế tổ Cao Hoàng đế lấy đô thành cũ, trích ba huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang thuộc phủ Triệu Phong đặt làm tỉnh Quảng Đức; lại trích lấy hai huyện Hải Lăng, Đăng Xương và huyện Minh Linh thuộc phủ Quảng Bình đặt làm dinh Quảng Trị... Năm Minh Mệnh thứ ba 1832 đổi dinh Quảng Đức làm phủ Thừa Thiên...”. Trong Ngũ Quảng, Quảng Đức không còn lưu truyền là do vậy!

Trở lại với hành trình biển đảo của chúng tôi, trong Ngũ Quảng thì Quảng Bình ở phía cực bắc và Quảng Ngãi tận cùng cực nam lại có sự liên hệ máu thịt và bền chặt nhất. Mối quan hệ đặc biệt này bắt đầu từ chính đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong hành trình bám biển bảo vệ toàn vẹn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lý Sơn tục danh Cù Lao Ré nằm cách cảng Sa Kỳ khoảng 30 cây số. Huyện đảo Lý Sơn không hẳn nhiên là một hòn đảo độc lập mà có tới hai đảo: Cù Lao Ré (đảo Lớn) và đảo Bé tựa như một pháo đài bay nhô lên giữa muôn trùng sóng nước. Khi tàu An Vĩnh 01 cách Lý Sơn chừng 5 hải lý đã thấy Cù Lao Ré rõ mồn một trong tầm mắt.

 Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Bình tại bến cảng Sa Kỳ chuẩn bị ra đảo Lý Sơn.
Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Bình tại bến cảng Sa Kỳ chuẩn bị ra đảo Lý Sơn.

Người dẫn đường cho chúng tôi, nhà báo Thanh Nhị, được đồng nghiệp của chị tại Báo Quảng Ngãi phong cho biệt danh “chúa đảo” Lý Sơn lần lượt giới thiệu về 5 đỉnh núi: Giếng Tiền, Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Sỏi, Hòn Vung trên đảo lớn diện tích chưa đầy 10 cây số vuông. Chị bảo: “Về địa giới hành chính, huyện đảo Lý Sơn có 3 xã An Hải, An Bình, An Vĩnh. Dân số toàn huyện chừng 22 nghìn người. Xã An Bình chính là đảo Bé. Đời sống cư dân trên đảo chủ yếu khai thác và đánh bắt hải sản, đặc biệt là trồng tỏi.

Nhắc đến Lý Sơn sẽ hình dung về một vương quốc tỏi, hành, không chỉ nổi tiếng trong nước mà nhiều nơi trên thế giới đều biết. Nhắc đến Lý Sơn, là nhớ đến cội nguồn nghi lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nhớ đến Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, những đội thủy binh hùng cường bám biển bảo vệ toàn vẹn biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của cha anh. Và bây giờ, những người con Lý Sơn vẫn theo gương tổ tiên họ trung trinh vượt biển ra với Trường Sa, Hoàng Sa, vừa chăm lo phát triển kinh tế biển, vừa góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng”.

Tàu An Vĩnh 01 chầm chậm cập vào mạn cầu cảng Lý Sơn, trước mắt chúng tôi, một cầu cảng thông thương giữa huyện đảo với đất liền tấp nập, đông đúc bất ngờ. Những chiếc tàu cao tốc chở khách du lịch trong và ngoài nước đến rồi đi. Xa chút là hàng trăm tàu cá công suất lớn chờ thời điểm vươn khơi. Nhưng tất bật nhất vẫn là hệ thống xà lan đặc dụng chuyên chở vật liệu xây dựng từ đất liền ra xây đảo... Nếu không có bốn bề là biển cả mênh mông, Lý Sơn ngỡ như một phố huyện trên đất liền đang trở mình. “Chúa đảo” Thanh Nhị bảo rằng: “Tháng nào mình cũng có dăm ba lần ra với đảo, thuộc từng tấc đất, lối đi... nhưng cứ độ cách tuần gặp lại, thấy đảo nhỏ đổi thay nhanh chi lạ!”.

Cổng chính dẫn vào đảo Lý Sơn.
Cổng chính dẫn vào đảo Lý Sơn.

Thay đổi mang tính đột phá nhất đó là công trình cấp điện lưới quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn. Theo câu chuyện của nhà báo Thanh Nhị, dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho Lý Sơn bằng cáp ngầm cung cấp điện ổn định cho huyện đảo Lý Sơn với khả năng truyền tải công suất 16,5 MVA, đáp ứng yêu nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Dự án góp phần giữ vững quốc phòng-an ninh, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư 679 tỷ đồng, xây dựng gần 9 km mét đường dây 22KV trên không thuộc địa phận huyện Bình Sơn và hơn 26 km cáp ngầm 22KV xuyên biển. Trên đảo Lý Sơn có 7,4km đường dây 22KV, 8,5km đường dây 0,4KV và 15 trạm biến áp với tổng dung lượng 3.330KVA. Sau 225 ngày đêm gấp rút thi công, vào lúc 10 giờ kém 15 phút ngày 28-9-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức tuyên bố khánh thành dự án, đưa điện quốc gia vào sử dụng trong niềm vui vỡ òa khi giấc mơ ngàn đời của người dân đảo Lý Sơn nay thành hiện thực.

Sau khi Lý Sơn hòa mạng điện lưới quốc gia, nhiều doanh nghiệp trong nước có kế hoạch đầu tư vào huyện đảo, đáng kể tên có “đại gia” Saigon Tourist. Ngày chúng tôi  thăm thực hiện hành trình biển đảo cũng là ngày Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh khởi công xây dựng một khách sạn hiện đại nhất trên Cù Lao Ré.

Chạm đất Lý Sơn, điểm đầu tiên đoàn Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Bình đến thăm là trụ sở cơ quan Quân sự huyện đảo. Điều bất ngờ với chúng tôi, khẳng định hơn cái duyên, cái nợ giữa Quảng Bình và Quảng Ngãi, đón đoàn là một sỹ quan mang cấp hàm trung tá, tiếng anh oang oang át cả tiếng sóng biển: “Xin chào, tôi là người Quảng Bình”.

Thanh Long

Kỳ 2: Vương quốc của tỏi