.

Lớn lên giữa... lời nguyền

Thứ Bảy, 05/09/2015, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi may mắn được gặp em-cậu bé được tái sinh sau hủ tục man rợ của núi rừng: mẹ chết, con phải chôn theo mẹ. Nhưng bước qua những nghiệt ngã của số phận, em đã lớn lên giữa tình yêu thương vô bờ của người cha Nguyễn Diệu và người mẹ Ma Coong Y Nhoong. Đinh Đường-cậu bé người Ma Coong có đôi mắt đen thăm thẳm cùng nụ cười tươi rói ấy cứ làm ấm lòng những người đã một lần được gặp em.

 

Đinh Đường (áo trắng) tự tin khoe giọng hát trong buổi giao lưu với các thầy cô giáo cắm bản.
Đinh Đường (áo trắng) tự tin khoe giọng hát trong buổi giao lưu với các thầy cô giáo cắm bản.

Trong buổi giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cồn Roàng và đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch), cậu bé người Ma Coong có giọng hát khỏe khoắn, mang âm hưởng của núi cứ thôi thúc tôi tìm gặp em.

Em hát “Đến với con người Việt Nam tôi” hào sảng và vui tươi lạ. Giọng hát ấy ấn tượng và cũng đặc biệt như chính số phận của em vậy. Hai mươi năm trước, khi em chưa kịp ngấm vị ngọt mát của dòng sữa mẹ thì mẹ em mất.

Theo hủ tục vốn tồn tại như bóng ma ám ảnh suốt bao đời của đồng bào nơi đây, cậu bé ấy sẽ phải bị chôn sống theo người mẹ đoản mệnh của mình.

Nhưng chính người đàn ông người Kinh chẳng ruột rà máu mủ tên là Nguyễn Diệu đã dũng cảm bước qua lời nguyền nghiệt ngã, giành lấy sự sống của em trước hủ tục man rợ và tàn nhẫn. Ông đã nuôi em bằng chính tình yêu thương và niềm tin sẽ xóa bỏ được những hủ tục lạc hậu đang đeo bám bản nghèo dưới chân núi này.

Và cậu bé ấy đã lớn lên giữa những ánh mắt nghi ngại xen lẫn lo lắng của đồng bào mình. Như một thách thức mạnh mẽ với những hủ tục xưa cũ, em cứ thế lớn lên, học hành chăm chỉ. Người trong bản gọi em là cu Đường bởi ngày nhỏ, không có sữa mẹ, em phải uống nước đường của Bộ đội Biên phòng cho. Thời gian thấm thoắt trôi đi, một cu Đường còi cọc, khát sữa mẹ ngày nào giờ đã là một thanh niên tuổi 20 khỏe khoắn, kiên cường với đôi mắt biết cười và giọng hát mãnh liệt như núi rừng quê hương em.

Càng lớn, càng thương ba Diệu, mẹ Y Nhoong, Đinh Đường càng gắng học để trưởng thành, để cho dân bản thấy cuộc đời vốn chẳng tồn tại lời nguyền, nhất là với những đứa trẻ mồ côi đã quá nhiều bất hạnh như em. Và như cây lớn lên giữa đại ngàn, cậu bé ấy đã lớn lên giữa tình yêu thương vô bờ của người cha người Kinh và người mẹ Ma Coong nhân từ. “Em nhớ năm em lên 4 tuổi, mấy đứa trẻ trong bản cứ nói em không phải là con của ba Diệu, mẹ Y Nhoong. Mấy người lớn cũng xì xầm. Em về hỏi ba em, ba chỉ cười. Cho đến khi em lớn lên chút nữa, ba mới kể em nghe mọi chuyện”.

Tôi hỏi em rằng khi biết chuyện, em có buồn không? Cậu bé Ma Coong có đôi mắt đen thăm thẳm nhìn xa xăm về phía núi: “Buồn chứ chị, nhưng rồi em càng thấy thương ba mẹ hơn. Nếu như không có ba mẹ nuôi nấng, rồi thương em thì chừ làm răng có em hôm ni được”. Mẹ đẻ chết khi em vừa lọt lòng, cha em cũng mất tích đâu chẳng thấy, giờ với Đinh Đường, ông Nguyễn Diệu và bà Y Nhoong là cha mẹ, là gia đình duy nhất, là người mà từ khi mới biết nói, em đã thân thương gọi họ là a pía (ba), a pi (mẹ).

Với em, họ không chỉ là người nuôi em khôn lớn, dạy em trưởng thành mà còn là người có công sinh ra em thêm một lần nữa. “Em cũng có tên theo họ của ba Diệu đó chị, là tên Nguyễn Văn Vinh. Thỉnh thoảng, em vẫn theo ba vào Huế thăm quê nội”, Đinh Đường kể với đôi mắt lấp lánh niềm vui.

Cậu bé bảo, ngày nhỏ, em mơ ước được làm công an, khi lớn lên, mơ ước ấy vẫn còn mạnh mẽ lắm. Nhưng ba Diệu lại muốn em đi học và làm giáo viên để được gần nhà. Từ sâu thẳm, em hiểu rằng ba muốn em mang cái chữ đến cho các em nhỏ nơi đây, muốn em cùng góp sức mang ánh sáng văn hóa đến với cuộc sống vốn còn nhiều lạc hậu của đồng bào Ma Coong.

Em hiểu và thương ba lắm nên nghe lời ba, giờ em đã là sinh viên năm hai ngành Sư phạm tiểu học, Trường đại học Quảng Bình. Càng học, càng tiếp xúc với bạn bè, thầy cô giáo người Kinh, em càng thấy thương đồng bào Ma Coong của mình. Không được học hành đến nơi, đến chốn, những đứa trẻ Ma Coong vừa 15, 16 tuổi đã đi lấy chồng, lấy vợ rồi sinh con. Cuộc sống cứ mãi quẩn quanh trong những bản nghèo dưới chân núi, chật vật mưu sinh để nuôi lớn đàn con nheo nhóc.

Mỗi dịp nghỉ hè, Đinh Đường lại giúp các em học sinh trong bản học chữ
Mỗi dịp nghỉ hè, Đinh Đường lại giúp các em học sinh trong bản học chữ

“Bạn bè em nhiều đứa đã 2, 3 đứa con. Họ còn khổ quá chị ạ. Ở đây, phần đông bà con không biết chữ. Có người làm trưởng thôn nhưng vẫn không biết viết tên của mình. Rồi có em học đến lớp 6 vẫn còn phải đánh vần từng chữ”, Đinh Đường trầm ngâm.

Thương bà con, thương các em nhỏ nơi đây, vậy là em quyết tâm học. Những năm học ở Trường PTDT Nội trú tỉnh rồi Trường đại học Quảng Bình, Đinh Đường luôn chú tâm học hành, chẳng bao giờ em làm ba mẹ và thầy cô buồn lòng. Nhiều năm sống xa nhà, em chỉ mong mỗi dịp Tết đến, hè về, em lại được trở về với ba mẹ, với dân bản, về với núi rừng quê mình.

Mỗi khi về với bản làng Ma Coong, em lại giúp các em nhỏ trong bản ôn bài, nắm tay từng em nắn nót từng nét chữ. “Cu Đường chừ đã ra dáng một thầy giáo lắm rồi”, bà con trong bản gật gù bảo nhau thế. Cu Đường không chỉ lớn nhanh, khỏe mạnh, vạm vỡ mà còn được học hành và sắp sửa trở thành một giáo viên. Sự trưởng thành của em đã đập tan mọi nghi ngại trong ánh mắt của bà con dân bản. Và em bao nhiêu tuổi thì cũng chừng ấy năm, hủ tục mẹ chết phải chôn con theo mẹ đã không còn tồn tại trên 18 bản làng neo mình bên dòng suối Cấm này nữa.

Chỉ còn hơn hai năm nữa thôi, em sẽ là một thầy giáo Ma Coong, ngày ngày đến lớp dạy học cho các em trong bản. Rồi những đứa trẻ có mái tóc cháy khét, đôi mắt đen thăm thẳm ấy cũng sẽ lớn lên và trong chúng, sẽ lại có những thầy giáo, cô giáo mang cái chữ đến sưởi ấm từng nóc nhà sàn. Có cái chữ, bà con Ma Coong sẽ bớt nghèo, bớt khổ, những hủ tục lạc hậu cũng sẽ chẳng còn ám ảnh cuộc sống của họ. Nghĩ đến đó thôi, Đinh Đường đã thấy ấm lòng.

P.V