.

Bí ẩn Vân Kiều - Bài 1: Hùng vĩ xứ sơn khê

Thứ Năm, 24/09/2015, 08:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Long Đại có nghĩa Rồng Lớn, một con sông dài chừng trăm cây số, chi lưu chính tạo nên sông Nhật Lệ trứ danh. Dòng Long Đại ít ai biết đến nhưng sâu bên trong lưu vực của nó là vùng đất truyền thuyết của anh em Vân Kiều xã Trường Xuân, Trường Sơn, Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy... Chúng tôi lạc vào xứ sở này như lạc vào miền đất thảo dã đủ kỳ hoa dị thảo. Đi dọc con sông với nhiều thác nước để được chiêm ngưỡng tài nghệ vượt thác hay thưởng thức văn hóa bản địa là cơ may hiếm hoi trong đời.

Tôi xem bờ bãi Long Đại là xứ sơn khê hùng vĩ. Nó không chỉ biểu lộ qua những ngọn núi in bóng xuống phá Hạc Hải ở miền xuôi mà sâu bên trong nó là vô số câu chuyện có hồn cả tự nhiên và lòng người. Những ghi chép này chỉ là phần nhỏ của con sông đầy mộng đẹp với anh em Vân Kiều và mát mẻ với đồng bào Kinh. Ai đã từng một lần đi qua đây, chắc chắn khó để có thể phai mờ một dải sông núi hiền từ, giàu tri thức bản địa.

Nhà báo Hà Ngọc Khang, Phó giám đốc Đài truyền thanh-truyền hình huyện Quảng Ninh như kiểu mẫu địa phương học xứ này. Lăn lộn bao nhiêu năm với nghề, góc nào Khang cũng biết và “vỡ lòng” cho mọi người ngược lên thượng nguồn từ bến phà Long Đại ở xã Hiền Ninh bên đông Trường Sơn.

Hà Ngọc Khang có kiến thức bản địa rất sâu về con sông này: “Nó xuất phát từ đỉnh 1001 ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy trên tây Trường Sơn. Chi lưu của nó gồm các khe rào lớn trong khu vực đổ về từng hẻm núi, tạo ra Long Đại. Nếu sông chính là rồng lớn thì các chi lưu là chân, là móng vuốt trải dài trên các ngọn núi, rồi đổ về tạo ra con sông ngoạn mục này”.

Từ bến phà Long Đại, chạy chừng mười phút thuyền máy làm bằng vỏ nhôm  nhìn xa như chiếc lá tre giữa tứ bề nước trong leo lẻo.  Người lái đó là Hà ở miết xứ Hiền Ninh, mưu sinh bằng chở bạch đàn cho bà con Vân Kiều bán về miền xuôi từ chiếc đò máy nhôm mà anh mua 20 triệu.

Hà kể ngày trước, ở khu vực này tàu vỏ nhôm bị bom máy bay phá cũng nhiều, rồi máy bay bị bắn hạ rơi sông, hoặc bị đâm vào vách núi mà người dân ngược xuôi Long Đại lấy làm đò để vượt thác dọc con nước. Bữa nay nhôm từ máy bay đã hết, cả xứ còn chừng chục chiếc cũ kỹ, bà con đi mua nhôm về gia công như xuồng ba lá ở miền Nam để bán cho những người lái đò như Hà. Chỉ có thứ đò máy này mới trị được con nước thất thường đầy đá nhọn ở vô số thác nước dọc sông.

 Vượt thác Tam Lu.
Vượt thác Tam Lu.

Chúng tôi ngỡ ngàng, dọc con sông có những cái tên lạ lẫm vô cùng. Có đoạn được đặt là bến Hôi nên người Vân Kiều đặt tên bản của họ thành Hôi Rấy. Có đoạn họ gọi là bến Lùi. Lên con thác đẹp nhất xứ ở thượng nguồn thì họ gọi tên là thác Tam Lu. Tôi hay tò mò vì sao nó có những cái tên như thế, các nhà địa phương học thường giải nghĩa theo cách nhìn miền xuôi mà không có tri thức của anh em Vân Kiều, thành ra sách địa chí của mấy trăm năm trước cũng thiếu vắng ngọn nguồn hồn cốt nơi đây.

Có 17 bản của anh em Vân Kiều sống dọc lưu vực con sông Long Đại ở hai xã Trường Xuân, Trường Sơn. Nơi đó cho chúng tôi nhiều giải thích bản địa lý thú trong tâm hồn của bà con Vân Kiều. Già Hồ Thao, sống sâu trong góc núi Ba Rem, trước mặt có bến sông. Gần 80 tuổi, ông là thầy thuốc cả xứ Vân Kiều của Quảng Bình và Quảng Trị, chuyên xương khớp với các phương thuốc bí truyền đỉnh cao từ núi rừng Long Đại.

Chúng tôi hỏi già Hồ Thao vì sao lại có tên là thác Hôi và bến Hôi? Ông thủng thẳng trả lời, ngày xưa ở chốn đó đi qua vào mùa mưa mùi rất hôi. Khu vực ấy có rừng cây Pơ ui, gỗ rất tốt, bạt ngàn, nhưng đến mùa mưa nhựa của nó trộn với nước, chảy ra sông, ai đi qua cũng nghe mùi chua khó chịu nên đặt là hôi.

Nó không phải như người miền xuôi giải thích là vì qua đó thấm mệt mà mồ hôi đổ rồi gọi là hôi. Ông cũng lý giải vì sao gọi bến Lùi. "Ấy là do khe nước. Sông chảy về xuôi nhưng đến khe Lùi có một nhánh chảy ngược lại nên dân bản đặt là bến Lùi"-Hồ Thao  giải thích.

Người xuôi đặt thác Tam Lu, một ngọn thác ba bậc, cao 20m. Các sách địa chí mấy trăm năm nay đều do thầy học người Kinh viết nước chảy như nghiêng lu mà dội. Thác có ba bậc nên gọi là Tam Lu. Nhưng với già Hồ Thao hay anh em Vân Kiều, nó có một cái tên gốc là Pay Pa Rùng-Thác ba cấp. Một tên gọi đơn giản, mộc mạc, bản địa mà nguyên thủy.

Hồ Thao còn kể: "Pay Pa Rùng là ngọn thác linh thiêng, nó gắn chặt với truyền thuyết sinh ra người Vân Kiều ở dãy Trường Sơn. Nó cũng là nơi gắn kết ra việc cờ khởi nghĩa Cần Vương xứ này để theo vua Hàm Nghi chống Pháp".

Ấy là cuối thế kỷ 19 có cụ Dương Tỵ người gốc Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã chiêu mộ dân rồi ngược ngàn lên xứ Pay Pa Rùng lập cứ theo khởi nghĩa Cần Vương. Thời đó, sử sách còn ghi lại đây là khu vực bí ẩn nhưng trù mật, Pháp triển khai càn quét bao nhiêu lần cũng thua anh em Vân Kiều và nghĩa sĩ Cần Vương. Sau này khi phong trào Cần Vương tan rã, nghĩa quân kẻ ở người về quê nhưng họ đều là tấm gương tốt cho bao thế hệ bên dòng sông Rồng Lớn.

Tuổi trẻ của Hồ Thao là lính của bộ đội Trường Sơn, đi lại dọc con sông này đã hàng trăm lần nên ông hiểu tâm tính cũng như nguồn cội của nó. Long Đại dài chừng một trăm cây số, nhưng theo già Hồ Thao nó có đến 100 thác nước lớn nhỏ. Còn anh em ở phía Trường Sơn thì nói nó hơn 110 thác nước, bởi có những thác nước chỉ mùa mưa mới xuất hiện.

Theo Hồ Thao có nhiều thác nước nổi tiếng từ xưa được lưu sử sách địa phương như thác Bãi Doòng, thác Rãi, Đá Búa, Oong, Bồng, Cổ Tràng, Bề Đền, Mụt, Lôộc Côộc, Tam Lu, Hôi, Chỏi, Cạn, Bến Đường, Chàn Lụa... Đấy là một dòng sông ngoạn mục, thác nào cũng đẹp tựa cõi tiên. Kỳ vĩ nhất là thác Chàn Lụa xuất hiện chỉ 4 tháng trong một năm khi mưa về. Nước chảy hùng mạnh, ầm ào, đường nước kéo từng vệt dài, dày như lụa nên người dân đặt tên thác Chàn Lụa...

Những cổ núi uốn lượn dọc sông Long Đại có tuổi đời hàng trăm triệu năm. Hệ sinh thái của nó phong phú và bí ẩn. Nhiều loài động thực vật của rừng mưa nhiệt đới được ghi nhận từ đây. Các loài chim quý hiếm hay những loài linh trưởng hú hót inh ỏi bên thác Tam Lu mỗi buổi sớm minh chứng điều đó. Linh khí của thượng nguồn dòng sông hòa đồng với nước, với núi đá, với bản làng tạo sức hút hấp dẫn khách khứa bên ngoài có dịp ghé đến.

Anh em Vân Kiều hay người Kinh ở lưu vực sông Long Đại đều nương nhờ bóng núi linh thiêng ở đây. Nổi trội nhất là hai ngọn núi đứng xa cả 50 cây số vẫn còn thấy dáng hình, ấy là Thần Đinh và núi Đầu Mâu.

Một biểu tượng mà thầy học bao đời đều chép vào sách xưa cho hậu thế biết vẻ đẹp lồng lộng của hai ngọn núi này. Ấy là câu: "Đầu Mâu vi bút/Hạc hải vi nghiên". Người xưa xem núi Đầu Mâu như bút, phá Hạc Hải như nghiên mực cho một tầm thước lớn rộng của bao nhân cách tiền nhân đã sinh thành lớn lên và ra đi kinh bang tế thế mà quê nhà vẫn lưu danh muôn thuở cho đất đai bản quán hưởng được danh thơm như ngày nay.

Minh Phong

Bài 2: Nền văn hóa kỳ bí