.

Những anh hùng sau trận mạc - Kỳ 3: Nghị lực sống, bình dị và mẫu mực

Thứ Ba, 22/04/2014, 09:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Oai hùng trong chiến đấu, giỏi giang trong lao động sản xuất, vẻ đẹp của những người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân còn ngời sáng bởi nghị lực sống, sự bình dị và mẫu mực, những phẩm chất đáng quý để thế hệ trẻ học tập và rèn luyện.

>> Kì 2: Trong những "cuộc chiến" thời bình

>> Kì 1: Người anh hùng đầu tiên nơi…đầu sóng

 

Anh hùng Nguyễn Hữu Ngoãn thường bị vết thương cũ tái phát hành hạ.
Anh hùng Nguyễn Hữu Ngoãn thường bị vết thương cũ tái phát hành hạ.

Nỗi đau và nghị lực vươn lên

Gần 40 năm qua, trên giải đất hình chữ S của dân tộc Việt Nam đã không còn tiếng bom cày đạn xới. Nhưng những dư âm của nó thì vẫn cứ âm ỉ theo thời gian. Đây đó, còn rất nhiều người lính đang từng ngày, từng giờ chiến đấu với những hậu quả mà chiến tranh để lại. 24 năm, đó là khoảng thời gian mà anh hùng Nguyễn Hữu Ngoãn (Thanh Trạch, Bố Trạch) phải chống chọi với những vết thương, di chứng của chiến tranh.

24 năm, chưa một ngày nào ông được sống như những người bình thường khác, cũng đồng nghĩa với những vất vả mà bà Nguyễn Thị Gái (vợ ông) phải gánh chịu. Bà Gái kể lại: Khi tròn 20 tuổi, chồng tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào C3, D9 pháo 37 Tỉnh đội Quảng Bình. Sau một thời gian huấn luyện, ông được giao nhiệm vụ làm pháo thủ số 2 (pháo cao xạ).

Là một người lính pháo binh trực tiếp đối mặt với nguy hiểm nhưng ông luôn luôn xác định tư tưởng sống, chết cũng phải bám lấy pháo. Năm 1965 giặc mỹ bắn phá rất ác liệt. Cùng với đánh phá các mục tiêu quân sự, giao thông vận tải, không quân Mỹ đã đánh vào các mục tiêu kinh tế như nhà máy, xí nghiệp, lò vôi, lò gạch, lò ngói, các công trình thuỷ lợi. Hồ chứa nước Cẩm Ly là trọng điểm bị đánh phá liên tục, vô cùng ác liệt . Trong trận đánh bảo vệ đập Cẩm Ly (Lệ Thủy), ông cùng 6 đồng chí trên mâm pháo bị trọng thương. Sau chiến công vẻ vang này, năm 1967, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Trong trận chiến một mất một còn ấy, ông Ngoãn bị chấn thương ở đầu, gãy tay trái và tổn thương phần mềm chân phải. Những tưởng sau trận đánh ác liệt này ông không thể tiếp tục tham gia chiến đấu, nhưng với nghị lực phi thường của người lính, sau một thời gian điều trị ông lại tiếp tục cuộc đời quân ngũ. Ông nghĩ, còn một chút sức lực thì cũng phải cống hiến cho quê hương, cho đất nước. Đến năm 1985, trong một lần đi làm nhiệm vụ ở Cà Ròong (Thượng Trạch), ông bị sốt rét ác tính thể não. Ông được chuyển về Bệnh viện 108 điều trị trong thời gian khá dài và sau đó nghỉ hưu với quân hàm trung tá.

Những năm đầu mới về với gia đình, ông không thể nói được và chỉ nằm một chỗ. Vợ ông đang làm y tá ở Bệnh viện Quân khu 4 cũng xin nghỉ để ở nhà tiện chăm sóc cho ông. Gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai gầy của người phụ nữ. Bà Gái trở thành trụ cột trong gia đình. Với đồng lương hưu của ông và 2 sào ruộng, một mình bà phải chèo chống nuôi bốn đứa con nhỏ và lo cho chồng.

Chính vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc học hành của những người con cũng không được đến nơi, đến chốn. Người con út cũng chỉ học được đến lớp 9. Khi ông đau ốm, bà không quản ngại vất vả chạy chữa thuốc men khắp nơi. Mọi sinh hoạt cá nhân của ông đều một tay bà phục vụ. "Những ngày bình thường còn đỡ chứ những ngày trái gió trở trời ông vật vã với cơn đau do vết thương cũ tái phát, không ăn uống được gì, chân tay run rẩy. Có lúc đau quá ông la hét rồi nằm khóc" - bà Gái kể lại trong nước mắt.

Nhưng ý chí của người lính không cho phép ông lùi bước trước thử thách của cuộc sống. Ông luôn đấu tranh với bệnh tật để giành giật lấy sự sống. Bởi hơn ai hết ông hiểu được giá trị của những ngày hòa bình. Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, sự động viên của mọi người, sự chăm sóc của vợ con cùng với sự nỗ lực của bản thân nên bệnh tình của ông cũng dần đỡ được phần nào.

Hiện nay ông đã có thể tự đi lại và nói được một số từ mặc dù không rõ lắm. Thỉnh thoảng ông cũng tham gia một số buổi gặp mặt với đồng đội cũ và các chiến sĩ quân đội. Ai cũng khâm phục nghị lực vươn lên của ông. Giờ đây con cái của ông cũng đã trưởng thành và xây dựng gia đình riêng. Trong nhà lúc nào cũng rộn rã tiếng cười đùa của lũ trẻ.

Bình dị, mẫu mực và suốt đời cống hiến

Phải mấy lần hẹn tôi mới gặp được Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Giang (Tân Thủy, Lệ Thủy). Bởi tiếng là nghỉ hưu nhưng ông luôn bận rộn với công việc. Khi đất nước chưa thống nhất thì ông xông pha khắp chiến trường để chiến đấu. Khi trở về với cuộc sống thời bình, ông cũng không cho phép bản thân mình nghỉ ngơi. Ông bảo: "Những việc Đảng giao, nhân dân giao tôi luôn cố gắng hoàn thành. Dù khó khăn đến mấy tôi cũng tìm cách để khắc phục, vượt qua, không nề hà. Bản lĩnh người lính đã thấm vào trong tôi". Quả thực khi nghe kể về thời quân ngũ thì hẳn ai cũng khâm

Anh hùng Nguyễn Xuân Giang vẫn miệt mài với công việc.
Anh hùng Nguyễn Xuân Giang vẫn miệt mài với công việc.

phục những chiến công mà ông đã đạt được.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố là liệt sĩ, lòng căm thù giặc đã nung nấu trong ông, thôi thúc ông lên đường nhập ngũ. Sau khi nhập ngũ, ông được biên chế vào lực lượng công an vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) và được phân công vào nhận nhiệm vụ ở Đồn liên hợp Cửa Tùng. Công tác một thời gian, ông được chuyển về làm biệt động thành ở chiến trường Quảng Trị. Suốt cuộc đời cầm súng, ông đã tham gia hàng trăm trận đánh. Có những trận, ông phải cải trang thành lính ngụy, lọt vào "hang hùm".

"Nguyễn Thanh Tụng, quận trưởng quận Hải Lăng là một tên gian ác và mưu mô. Hắn tàn sát nhân dân ta một cách dã man như bắt người phụ nữ đang mang thai đánh đập cho đến lúc sẩy thai, giết quân ta rồi kéo lê khắp đường... Người dân rất căm phẫn. Năm 1966, tôi cải trang thành trung úy Bảo an (quân ngụy) cùng với 2 đồng chí thọc vào căn cứ của chúng, tiêu diệt tên Tụng. Sau trận đánh ấy, chúng tôi được Đảng, Nhà nước tuyên dương, còn nhân dân trong vùng thì rất phấn khởi", ông Giang nhớ lại.

Những trận đánh tiêu biểu ông đã từng tham dự nữa là: tiêu diệt tên Nguyễn Vân, quận phó quận Triệu Phong; diệt khu huấn luyện biệt kích người Thượng; trận bắt sống ngụy quyền Thạch Môn... Với những chiến công lẫy lừng đó, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1976.

Trước khi về nghỉ hưu, ông giữ chức vụ Trưởng phòng cảnh sát Công an tỉnh Quảng Bình. Mặc dù nghỉ hưu được 20 năm nhưng trong 20 năm ấy ông vẫn một lòng một dạ lo cho dân. Khi trở về quê hương, ông được nhân dân địa phương bầu vào Đảng ủy xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Ủy viên ban chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh. Rồi ông được bầu làm Phó chủ tịch Mặt trận xã.

Trong 2 nhiệm kì ấy, ông vừa làm việc xã giao vừa lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Ông thực hiện mô hình vườn- ao- chuồng. Không chỉ lo cho gia đình, ông còn phổ biến và nhân rộng mô hình cho bà con. Với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông đã cùng các đồng chí trong Ban chấp hành thực hiện nhiều biện pháp xóa đói giảm nghèo cho hội viên. Ông phát động mọi người trồng tiêu, trồng rừng cho dự án Việt Đức, trồng lúa xen nuôi cá...

Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo trước đây chiếm 50% đã giảm xuống chỉ còn 8%. Không tự thỏa mãn với những gì đã làm được, ông vẫn miệt mài với công việc dân giao phó. Niềm vui của bản thân ông là làm sao để cuộc sống của người dân trong xã thoát được đói nghèo. Được sự tín nhiệm của Đảng ủy xã, từ năm 2006 đến nay ông được giao làm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Thủy. Hiện nay toàn xã có 747 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Điều kiện học hành rất khó khăn, thiếu thốn, nhiều học sinh phải bỏ học.

Ông đã không quản ngại nắng hay mưa, đường xa hay gần đến các trung tâm, doanh nghiệp, bạn bè đồng đội cũ để nhờ giúp đỡ. Với số tiền quyên góp được, Hội Khuyến học xã cấp học bổng cho học sinh nghèo. Hội còn hỗ trợ áo quần, sách vở, xe đạp để các em được tới trường. Ngoài ra, ông tổ chức các trung tâm học tập cộng đồng để phổ biến các chính sách của Đảng và nhà nước, chuyển giao các tiến bộ khoa học kĩ thuật cho bà con phát triển kinh tế...

"Ông Nguyễn Xuân Giang rất nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn lặn lội ra Bắc vào Nam để vận động mọi người quyên góp giúp đỡ trẻ em nghèo đủ điều kiện tới trường. Hội Khuyến học xã Tân Thủy là một trong số những hội luôn đi đầu trong công tác khuyến học", bà Phạm Thị Bích Lựa, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nhận xét.

Trên mảnh đất Quảng Bình còn biết bao tấm gương anh hùng trong chiến đấu, trong lao động sản xuất và hiện nay vẫn đang hằng ngày miệt mài cống hiến cho xã hội. Vì điều kiện và dung lượng bài viết không cho phép nên chúng tôi chỉ xin giới thiệu một số tấm gương sáng, những bông hoa đẹp trong vườn hoa Anh hùng của quê hương Quảng Bình yêu dấu.

Nguyễn Lê Minh