.
Kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604 -2014):

Những anh hùng sau trận mạc - Kì 1: Người anh hùng đầu tiên nơi…đầu sóng

Thứ Bảy, 19/04/2014, 08:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt. Từ chiếc nôi quê mẹ Quảng Bình đã sản sinh ra biết bao người con anh hùng. Họ không chỉ anh dũng trong chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ đất nước trong thời chiến, mà còn là những tấm gương mẫu mực trong thời kỳ đất nước hòa bình thống nhất.

Ông là một trong số những người con đầu tiên của mảnh đất Quảng Bình khói lửa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không chỉ trong thời chiến, trở về sau trận mạc, ông vẫn luôn phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ để xứng đáng với danh hiệu cao quý ấy. Đó là Anh hùng LLVT Phạm Bá Hạt.

Cuối những ngày tháng 3 năm 2014, tôi về Cảnh Dương – vùng đất "đứng nơi đầu sóng gió" mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã thể hiện trong lời bài hát Quảng Bình quê ta ơi – gặp người con anh hùng trên mảnh đất giàu truyền thống đánh giặc, giữ làng này. 74 tuổi đời, 49 tuổi Đảng, ông Phạm Bá Hạt (SN 1940 ở thôn Cảnh Thượng, xã Cảnh Dương, Quảng Trạch) vẫn giữ được tác phong của người lính và cũng rất đỗi gần gũi.

Ấn tượng đầu tiên đối với tôi khi bước vào ngôi nhà ông là rất nhiều bức ảnh được treo trên tường, phần lớn là những tấm ảnh đen trắng ghi lại những khoảng khắc đáng nhớ trong cuộc đời ông và là minh chứng của một thời oanh liệt.

Chậm rãi rót ly nước trà, ông kể cho tôi nghe về cuộc đời của mình và những hồi ức chiến tranh. Ông xuất thân trong một gia đình rất nghèo, cha mẹ ông phải đi làm thuê, làm mướn. Bản thân ông từ nhỏ cũng đã phải đi ở cho địa chủ ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cùng với chị gái. Vì quá vất vả nên ở được 6 mùa lúa thì hai chị em dắt nhau về. “Lúc ấy mới 13 tuổi nhưng tôi đã ý thức được rằng cần phải làm một điều gì đó, không thể sống mãi trong cảnh nghèo khổ như thế này. Tôi bắt đầu tham gia đội tuyên truyền văn hóa xã. Được một năm thì tôi được giao làm đội trưởng đội thiếu niên quân chống Pháp xã Cảnh Dương”, ông Hạt nhớ lại.

Đến năm 1963, ông trở thành chiến sĩ công an nhân dân vũ trang Đồn 120 (nay thuộc Đồn Biên phòng Roòn). Phát huy truyền thống quê hương, vượt lên gian khổ, hy sinh cùng với tư tưởng, ý chí huấn luyện của người chiến sĩ lực lượng vũ trang, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao.

Anh hùng Phạm Bá Hạt nhắc lại kỉ niệm qua những tấm hình
Anh hùng Phạm Bá Hạt nhắc lại kỉ niệm qua những tấm hình

Rồi trong mạch hồi tưởng ấy, những trận đánh ác liệt như những thước phim bỗng hiện dần lên. Ông kể cho tôi nghe “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” mà ông đã tham gia chiến đấu. Năm 1964, đế quốc Mỹ bất ngờ mở cuộc tấn công đánh phá vào hầu hết các căn cứ hải quân của ta trên suốt dải ven biển miền Bắc từ Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho đến Cảng Sông Gianh (Quảng Bình) hòng tiêu diệt lực lượng hải quân ta và mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn với miền Bắc.

Vùng Roòn trở thành tâm điểm bởi nơi đây có bốn mục tiêu mà địch muốn đánh phá gồm Đảo La, Đèo Ngang, bến phà Roòn và trạm rada của hải quân (được gọi là mắt thần của cả nước). Quảng Bình là hậu phương tuyến đầu chi viện vào miền Nam. Chính vì thế không quân của địch càn quét rất ác liệt. Được sự tín nhiệm của cấp trên, ông được cử làm Phân đội trưởng với nhiệm vụ nắm bắt hoạt động, tính chất của máy bay địch để bảo vệ nhân dân. Và ông đã cùng đồng đội làm nên kỳ tích bắn rơi chiếc trực thăng không người lái của địch.

Cũng trong thời gian này, ông được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị địa phương, phụ trách 4 xã Quảng Đông, Quảng Phú, Cảnh Dương, Quảng Hưng với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân. Tuyên truyền đường lối của Đảng cho nhân dân, ông đã vận động người dân bám đất, bám làng, bám ruộng để sản xuất chiến đấu với ý chí “một tấc không đi, một ly không rời”. Cùng sống với dân nên ông hiểu hơn ai hết nỗi khổ mà người dân nơi đây phải gánh chịu.

Biết bao mất mát, tang thương trên mảnh đất này. Câu hỏi lớn đặt ra cho ông là phải làm sao để bảo vệ dân trước sự đánh phá ác liệt của máy bay địch. Chính trong hoàn cảnh ấy, sự mưu trí của ông được phát huy cao độ. Quyển sổ nhỏ ông luôn mang theo bên mình để ghi lại vị trí các hầm mà dân trú ẩn. Dựa vào sơ đồ này, mỗi lần biết được vị trí bom địch dội xuống thì ông cùng đồng đội đưa dân đi sơ tán.

Cảnh Dương – vùng đất
Cảnh Dương – vùng đất "đứng nơi đầu sóng gió". Ảnh: P.V

Với sáng kiến ấy, thiệt hại về người giảm đi đáng kể. “Không có ông Hạt thì chắc tôi đã chết từ lâu. Ngày đó tôi và mọi người đang trốn trong hầm trú ẩn thì được lệnh đi sơ tán. Phụ nữ, trẻ em kéo nhau chạy. Đến khi trở về làng thì tất cả đã tan hoang không còn gì”- mệ Lãng (80 tuổi) ở Quảng Tùng chia sẻ. Với những thành tích đã đạt được, năm 1967 ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trải qua bao thăng trầm, từ một chiến sĩ công an lực lượng vũ trang ông đã trở thành Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình.        

Sau khi nghỉ hưu, ông về địa phương. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, điều ông tự hào nhất là đã vinh dự được gặp Bác Hồ bốn lần. Ông kể: Trong một buổi liên hoan, tôi đã ấn tượng mãi với lời nói và hành động của Người. Bác nói: Các cô, các chú cứ ăn đi, không ăn thì đưa về làm quà cho các cháu. Còn đồ rơi vãi trên bàn Bác bỏ vào đĩa. Hành động đó của Bác đã làm tôi suy nghĩ. Bác là một vị Chủ tịch nước, bận cả trăm công nghìn việc, vậy mà vẫn nghĩ cho những người khác. Bác nói và làm vậy chính là sự quan tâm đến mọi người, đồng thời để bớt công việc cho người phục vụ.

Kể từ đó, hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn ấy luôn được tôi học tập và làm theo. Mỗi lần khi tham gia nói chuyện với các chiến sĩ tôi lại kể về hành động đầy tính nhân văn của Người và nhắc nhở các chiến sĩ cùng nhau san sẻ công việc từ những việc nhỏ nhặt nhất...

Là một thương binh hạng 3/4 nhưng Anh hùng Phạm Bá Hạt vẫn tích cực tham gia các công việc ở địa phương. Ông phụ trách Mặt trận xã Cảnh Dương 4 năm. Trong thời gian đó ông đã tạo được uy tín với đảng bộ và sự tín nhiệm của người dân. Sau này, khi tuổi cao, sức yếu ông thôi làm cán bộ nhưng vẫn tham gia tích cực các phong trào ở địa phương. Trong gia đình, ông là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực. Ông luôn giáo dục lý tưởng cách mạng và đạo đức cho con cháu. Ông bảo ông có được như ngày hôm nay chính là nhờ ơn Đảng. Vậy nên, để đền đáp công ơn ấy, ông luôn căn dặn con cháu phải tuyệt đối trung thành với Đảng.

Phát huy truyền thống và giữ vững thành quả mà cha và các thế hệ đi trước đã đạt được, bốn trong năm người con của ông đều đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông vui vẻ chia sẻ với tôi: “Vốn quý nhất mà tôi có là tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, người dân dành cho mình. Mặc dù tôi đã về hưu nhưng mỗi lần có dịp hay ngày lễ các đồng chí lại đến thăm và ôn lại những kỉ niệm một thời đáng nhớ”...

Tạm biệt người con anh hùng xã Cảnh Dương, cùng với sự kính trọng và biết ơn những gì mà ông và thế hệ đi trước đã mang lại cho thế hệ con cháu như chúng tôi, tôi cứ nhớ mãi lời nhắn nhủ của ông đối với thế hệ trẻ: “Trong thời kì hội nhập, thế hệ trẻ ngày càng nhạy bén, thông minh, sáng tạo, nhưng không tránh khỏi những va chạm. Vậy nên cần phải xác định đúng lý tưởng để có tầm nhìn thực hiện lý tưởng, tin tưởng vào đường lối của Đảng để từ đó hành động cho đúng. Đừng sống gấp, sống vội, đừng đòi hỏi mọi người vì mình mà trước hết mình phải vì mọi người”.

Nguyễn Lê Minh

Kì 2: Trên những "cuộc chiến" thời bình