Xuân trên làng công nhân Vân Kiều

Cập nhật lúc 07:18, Thứ Sáu, 01/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Bên tuyến đường 10 nối hai nhánh đông- tây Hồ Chí Minh bây giờ đã hiện hữu một làng công nhân người dân tộc Vân Kiều từ khi dự án xây dựng khu kinh tế- quốc phòng nam Quảng Bình được triển khai ở miền tây huyện Lệ Thủy. Giữa điệp trùng Trường Sơn, cùng với những người lính Binh đoàn 15, các công nhân người Vân Kiều nơi đây đang khoác lên màu xanh mới, mang lại sự no đủ cho chính mình và cho quê hương.

Chuyện ngày đầu được làm công nhân

Cuối năm 2012, chọn một ngày nắng đẹp, chúng tôi ghé lên Đoàn kinh tế- quốc phòng (KT-QP) 79 đóng tại km17 đường 10 thuộc xã Ngân Thủy. Gặp người quen tay bắt mặt mừng, chúng tôi yêu cầu được xuống thăm làng công nhân Vân Kiều ngay bởi đoán chắc lúc này họ đang nghỉ trưa. Từ đại bản doanh của đoàn, chiếc xe bốn chỗ chở chúng tôi chồm lên, trờn xuống được một lúc thì “đầu hàng” với tuyến đường vào làng, cũng là tuyến đường chính vào vùng cao su của đơn vị. Đại tá Phan Văn Vịnh, Chính ủy Đoàn 79 nói: “Để xe tại chỗ, chúng ta cuốc bộ cho kịp gặp công nhân”.

Tình cờ gặp Hồ Văn Hôn đang lúi húi trước cửa, chúng tôi ghé lại thăm nhà anh. Một ngôi nhà chưa được khang trang lắm nhưng cũng đủ ấm áp giữa mưa gió Trường Sơn. Hồ Văn Hôn dáng người thấp đậm, chắc nịch, khá cởi mở chuyện trò với khách. Hồ Văn Hôn cho biết, anh sinh năm 1982, ở bản Đá Còi, xã Ngân Thủy, công việc chính là đi rừng bẫy thú để kiếm tiền gạo. Suốt ngày quần quật trong rừng nhưng không phải khi nào bẫy được thú. Cả những lúc có “chiến lợi phẩm” nhưng nếu bị tịch thu thì coi như công cốc cả ngày. Công việc bấp bênh thế nên Hôn chưa muốn lấy vợ.

Bước ngoặt cuộc đời đã đến với Hôn, kéo anh ra khỏi những cánh rừng đang kêu cứu vì bị chặt phá, săn bắt cạn kiệt, ấy là khi dự án thành lập khu kinh tế- quốc phòng được triển khai trên quê hương Ngân Thủy. Hôm nhận được tin đến dự tuyển vào công nhân của Đoàn KT-QP 79, Hôn rất phấn chấn nhưng chưa tin vì nghĩ rằng chỉ người dưới xuôi có trình độ mới làm công nhân được, chứ như anh thì ai nhận.

Một góc làng công nhân Vân Kiều ở Ngân Thủy.
Một góc làng công nhân Vân Kiều ở Ngân Thủy.

Cho đến khi nhận thông báo lần hai anh mới tin là sự thật. Có sức khỏe và sự tự tin, Hôn vượt qua vòng sơ tuyển nhẹ nhàng để trở thành công nhân của đơn vị quân đội làm nhiệm vụ phát triển kinh tế. Hôn bảo, cây cao su thì mình không lạ bởi mỗi lần có chuyện lên xuống đường 10 thấy người ta khai thác mủ nhưng khi được tập huấn về kỹ thuật trồng cao su không khỏi bở ngỡ. Bàn tay thô ráp, chai sạn quen với cái bẫy trong rừng, giờ tỉa cành, không khéo đụng gãy ngọn cây cao su thì nguy. Lo thì lo thế nhưng được sự hướng dẫn tận tình của bộ đội, Hôn cũng làm được.

Nhận tháng lương đầu tiên được gần 3 triệu đồng, Hôn nói bằng hơn hai tháng trời chui rúc trong rừng săn tìm động vật. Nhận lương công nhân tháng đầu, Hôn mời cả nhà bữa cơm thịnh soạn, cô em gái Hồ Thị Hoàng 21 tuổi tròn mắt ngạc nhiên trước sự hồ hởi của người anh. Hoàng hứa cố gắng phấn đấu để trở thành công nhân trồng cao su như anh trai.

Trò chuyện với chúng tôi, Hồ Văn Hôn cho biết mãi tới năm 2010 anh lấy vợ, một cô gái Vân Kiều đẹp người đẹp nết ở xã Trường Xuân. Lấy nhau, được cấp đất làm nhà, hai vợ chồng đưa nhau lên làng công nhân sinh sống và... kế hoạch, đến cuối năm 2012 mới sinh cô con gái đầu lòng. Giờ đây, nghe người công nhân đội sản xuất số 1, Đoàn 79 nói về cách bón phân, tỉa cành cao su có kiểm soát, tôi thật sự thán phục.

Thiếu tá Nguyễn Thành Chung, Chủ nhiệm chính trị Đoàn 79 cho biết thêm, Hôn là một trong những công nhân nắm rất chắc kỹ thuật chăm sóc cao su, anh làm việc cần mẫn khiến lãnh đạo đơn vị rất hài lòng. Hôn khoe với chúng tôi, lương của anh giờ đã tăng lên gần 4,5 triệu đồng/tháng nên cũng đủ trang trải cho cả gia đình. Đoàn 79 cấp cho hơn 300m2 đất ở, hỗ trợ cho 20 triệu đồng làm nhà. Năm nay, lần đầu tiên cả gia đình anh ở lại làng công nhân để đón Tết, vui xuân.

Mới đây, Hôn gọi cho tôi thông báo cô em gái mình Hồ Thị Hoàng đã được đơn vị tuyển vào làm công nhân, lại được chọn cử đi học Đại học Tây Nguyên để sau này về làm cán bộ kỹ thuật.

Xanh rừng, xanh những ước mơ

Đoàn trưởng Đoàn KT- QP, đại tá Nguyễn Văn Quốc vốn là trưởng một ban chuyên môn của Binh đoàn 15 nên anh thông thuộc từng bản làng, từng vùng đất Tây Nguyên rộng lớn. Và cả Đoàn 79 cũng vậy, khi đang đóng quân ở xã Chư Mon Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum hỗ trợ đồng bào xây dựng bản làng, phát triển kinh tế thì được lệnh điều động ngay ra miền Trung để thực hiện dự án khu kinh tế- quốc phòng nam Quảng Bình.

Cây cao su phát triển nhanh trên đất Ngân Thủy.
Cây cao su phát triển nhanh trên đất Ngân Thủy.

Lạ đất, lạ người và lạ cả cách làm... có phần thận trọng của chính quyền đối với lĩnh vực lâm nghiệp vốn nhiều nhạy cảm trên vùng đất mới, song những người lính Binh đoàn 15 không chùn bước. Vừa dựng doanh trại vừa nhận rừng để trồng cao su, vừa nhận công nhân dân tộc Vân Kiều để dạy nghề, tạo việc làm vừa hỗ trợ địa phương nơi đứng chân bảo vệ an ninh biên giới, an sinh xã hội. Tất cả các công việc ấy nhịp nhàng, đồng bộ, dù có lúc gặp những trở ngại ít được sẻ chia.

Đại tá Nguyễn Văn Quốc nói rằng, người dân Tây Nguyên đùm bọc, giúp đỡ Binh đoàn 15 hoàn xuất sắc nhiệm vụ, Binh đoàn 15 hỗ trợ người dân vươn lên xóa đói nghèo. Bây giờ nhiệm vụ ấy đang được Đoàn 79 thực hiện trên cơ sở phát triển vùng cao su nguyên liệu 3.600ha, đầu tư hạ tầng... tại ba xã vùng cao Ngân Thủy, Lâm Thủy và Lâm Thủy huyện Lệ Thủy để tạo sinh kế và ổn định đời sống cho người dân ba xã nói trên. Đoàn KT-QP 79 với phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, bám dân, bắt tay chỉ việc, dạy nghề cho dân. Hiện nay tại đơn vị đã hình thành làng công nhân và bốn đội sản xuất công nhân ở tập trung. Đơn vị bảo đảm mức lương cho công nhân, đồng thời đầu tư đưa điện đến làng công nhân, các đội sản xuất, nâng cấp đường giao thông nhằm ổn định đời sống để công nhân yên tâm làm việc.

Theo thời gian, từng bước Đoàn 79 đã tuyển được 217 lao động địa phương, trong đó có gần 50 người Vân Kiều để rèn luyện tay nghề, giúp họ làm kinh tế gia đình bằng cách trồng mới, chăm sóc cây cao su và sắp tới đây thêm nhiều loại cây trồng khác. Rồi những việc làm tình nghĩa khác như khám, chữa bệnh miễn phí, tặng nhà đoàn kết, tặng quà Tết... “Mưa dầm thấm đất”, cùng với đời sống đi lên, niềm tin vào Bộ đội Cụ Hồ trong đồng bào Vân Kiều ngày càng thêm sáng. Khi rừng cao su vươn cao, ước mơ thoát nghèo của đồng bào Vân Kiều nơi đây sẽ thành hiện thực. Trong câu chuyện với những người lính Tây Nguyên, chúng tôi càng hiểu sâu sắc bí quyết thành công của Binh đoàn 15 và nơi đây là Đoàn 79 chính là ở công tác dân vận, ở sức mạnh của sự gắn kết quân- dân một lòng.

Chia tay làng công nhân Vân Kiều ở Ngân Thủy, chúng tôi về xuôi mang theo lời tâm sự chân thật của công nhân Hồ Thị Bông: “Gia đình tôi có 3 người được nhận vào làm công nhân, thu nhập hơn 10 triệu đồng một tháng. Có bộ đội dạy nghề, cho việc làm, có lương ăn sướng hơn làm rẫy nhiều.”

Trong hanh hao nắng chiều đông cuối năm, những cây cao su đầu tiên mà người lính Tây Nguyên cắm xuống đất Ngân Thủy đã vượt cây sào, bắt đầu khép tán thành rừng khẽ đung đưa trong gió. Những cánh rừng già, triền đồi hoang vu vùng biên giới nay đã lên xanh từ bàn tay khối óc của người lính và cả sự đóng góp một phần công sức của những công nhân Vân Kiều như Hôn, Hoàng, Bông.

                                                                            Bắc An










 

,
.
.
.