Sức sống mới của Đá Còi

Cập nhật lúc 10:28, Thứ Sáu, 04/01/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ một bản làng nghèo đói, hằng năm gần như hoàn toàn phụ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước, giờ đây bà con Vân Kiều ở thôn Đá Còi, xã Ngân Thuỷ (Lệ Thủy) đã biết cách tự chăm lo cho cuộc sống. Họ quyết tâm vượt qua đói nghèo bằng nghị quyết "ba không” của chi bộ Đảng...

Sức sống mới của Đá Còi

Nằm cách trung tâm xã khoảng 15km, thôn Đá Còi của người Vân Kiều có 55 hộ với 229 nhân khẩu, chia làm hai bản Rào Đá (30 hộ) và Hang Còi (25 hộ) nằm riêng biệt cách nhau gần 10 cây số đường rừng.

Trước đây bà con Vân Kiều chủ yếu sống dựa vào những cánh rừng nên cuộc sống rất bấp bênh, chạy ăn từng bữa. Cái đói cái nghèo cứ bám dai dẳng lấy họ. Cái bụng chưa no thì lấy gì nghĩ đến chuyện con chữ, vì thế việc học hành của con em bị bỏ bê. Trẻ con lớn lên phải theo cha mẹ lên rừng, lên rẫy kiếm cái ăn thay vì đến trường học cái chữ. Đã vậy, gia đình người Vân Kiều thường sinh nhiều con, cái đói, cái nghèo cứ bám lấy họ như một cái vòng luẩn quẩn.

Trước thực tế này, đầu năm 2003, Chi bộ thôn Đá Còi ra nghị quyết “ba không”: Không phá rừng, không mù chữ, không sinh con thứ ba; quyết tâm cùng bà con trong bản xây dựng bản làng thoát khỏi đói nghèo, trở thành vùng đất trù phú, văn hóa của huyện Lệ Thủy. Thời gian đầu, việc triển khai nghị quyết gặp rất nhiều khó khăn, bởi những tập tục, thói quen đã ăn sâu vào suy nghĩ của bà con tự bao đời nay.

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động bà con làm theo nghị quyết, các đảng viên trong thôn phải là lực lượng đi đầu. Ông Hồ Văn Ba, Bí thư Chi bộ Đá Còi, có anh con trai cưới vợ đã bốn năm sinh được hai đứa con gái, cũng muốn gắng thêm thằng cu cho có đôi có đũa nhưng ông một mực khuyên răn, bắt cô con dâu đi kế hoạch. Ông nói: “Mình là đảng viên phải gương mẫu trước để bà con làm theo chớ”.

Gần mười năm triển khai nghị quyết, được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo cấp trên và những nỗ lực không ngừng của chi bộ thôn Đá Còi, nhận thức của bà con bây giờ đã thay đổi rõ nét. Từ một bản nghèo đói, thiếu ăn sống hoàn toàn lệ thuộc vào thiên nhiên, bà con Đá Còi đã biết trồng lúa nước, trồng thêm các loại hoa màu, đời sống đi lên đáng kể. Cả thôn có hơn 8 ha lúa, trung bình mỗi nhà làm 3 - 4 sào, năng suất tăng dần theo thời gian khi bà con đã làm chủ được kỹ thuật canh tác lúa nước, góp phần giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ.

Phát huy thế mạnh chăn nuôi và trồng rừng, hiện nay cả bản có đàn trâu bò trên 150 con, những gia đình nuôi nhiều như Hồ Vừa, Hồ Nhị 10 – 15 con. Nhận thức được ý nghĩa của việc giữ rừng, bà con không còn chặt phá rừng như trước nữa, thay vào đó trồng thêm nhiều loại cây ăn quả để tăng thêm thu nhập. Những hộ khá giả như Hồ Văn Bốn ( Rào Đá) còn trồng được thêm gần 100 gốc tiêu, giàu có chưa nói nhưng cũng đã bắt đầu có của ăn của để. Đi một vòng quanh Đá Còi, nhà nào nhà nấy đều khang trang, vững chãi. Năm nay bà con trúng vụ mùa, lúa gặt xong được phơi khô đóng vào bao chất thành đống trong gốc nhà. Những mảnh vườn rộng thênh thang được bà con rào chắn kỹ càng, trồng khoai sắn và đủ loại hoa màu, rau củ. Một số nhà còn đóng chuồng nuôi heo, thả gà...

Bà con Đá Còi đã biết cách trồng trọt để ổn định cuộc sống.
Bà con Đá Còi đã biết cách trồng trọt để ổn định cuộc sống.

Chúng tôi vào Đá Còi một ngày nắng ráo, con đường “ độc đạo” nối từ đường 10 vào bản đã được nâng cấp đẹp hơn trước nhiều. Tới đầu bản đã nghe tiếng trẻ con đánh vần chữ cái rôm rả phát ra từ ngôi trường tiểu học và mầm non Rào Đá thấp thoáng sau những tán lá rừng... Con em trong bản đến tuổi đều được tới trường học cái chữ. Bà con chủ động đưa con em tới trường.

Trên đường vào bản Hang Còi, chúng tôi gặp Hồ Tiến đang cõng cậu con trai Hồ Hùng 5 tuổi băng qua suối xuống lớp. Hồ Tiến cũng như bao ông bố khác trong Hang Còi, con em đủ tuổi là đem gạo xuống bản Rào Đá gửi nhà người quen cho nó đi học chữ. Đường đi lại giữa hai bản rất khó khăn, phải mấy lần băng qua suối rất nguy hiểm nên những ông bố bà mẹ trong Còi phải gửi con, cuối tuần xuống đón về, đầu tuần lại đưa con ra. Hồ Tiến tâm sự “Cho nó đi học cái chữ để sau này nó không còn khổ như miềng nữa”. Trong thôn Đá Còi cũng có em đang theo học các trường đại học nông lâm và kinh tế, những mầm xanh đem lại hi vọng lớn lao cho bà con trong bản.

Vẫn còn những khó khăn

Mùa mưa lũ, Đá Còi bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Có năm mưa lũ kéo dài cả tháng, lương thực dự trữ cạn kiệt, hàng cứu trợ bên ngoài cũng không vào với bà con được, đành ôm bụng đói nằm nhìn nhau chờ nước rút. Ba năm trước Chương trình 134 của Chính phủ đã đầu tư công trình nước tự chảy vào Đá Còi với ba bể nước bằng bê tông được xây mới.

Tuy nhiên chừng đó vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của bà con trong bản, một năm trở lại đây hai trong ba bể nước cũng tịt hẳn. Bà con lại phải tiếp tục ra các con suối nhỏ ven rừng lấy nước về sinh hoạt. Mỗi lần đi lấy nước cũng chỉ xách được vài can dùng để nấu cơm. Còn các nhu cầu về việc tắm, giặt ai cần thì cứ ra suối.

Một vấn đề nan giải cho bà con Đá Còi là tới bây giờ điện vẫn chưa vào tới bản. “Năm trước có đoàn về khảo sát kéo điện về cho bản, nghe nói cuối năm ni có bà con ai cũng mừng lắm chờ ngày có điện” - Hồ Bốn nói. Cả thôn Đá Còi nhà nào cũng có đèn dầu, bữa cơm tối cả nhà ngồi quây quần bên chiếc đèn leo lét. Xong bữa thì tắt đèn kẻo tốn dầu, mỗi người ngồi mỗi góc chỉ nhận ra nhau qua tiếng nói trong màn đêm tĩnh mịch. Chiếc đèn chỉ được ưu tiên cho lũ trẻ học bài, bốn năm đứa chụm đầu vào chia nhau chút ánh sáng lúc tỏ lúc mờ.

                                                                                 Xuân Phú




 

,
.
.
.