Tăng cường xử lý cuộc gọi rác
Đã hơn 1 năm kể từ ngày các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt thực hiện khóa dịch vụ hai chiều đối với những thuê bao di động có thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, tình trạng người dân bị làm phiền bởi các cuộc gọi rác vẫn còn tiếp diễn.
Ảnh hưởng tâm lý bởi cuộc gọi rác
Thời gian qua, nhằm tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao di động, xử lý triệt để tình trạng SIM rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao, thu hồi các thuê bao không thực hiện chuẩn hóa, cắt toàn bộ SIM có thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành chuẩn hóa, đối soát thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xử lý 17 triệu SIM có thông tin không trùng khớp.
Tuy nhiên, theo nhiều người dân phản ánh, họ vẫn bị làm phiền bởi các cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo, giới thiệu việc làm, mời gọi mua bảo hiểm, thông báo được phát hành thẻ ngân hàng... Anh Nguyễn Đình Bắc, hiện sinh sống tại khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết, gần như ngày nào anh cũng nhận được cuộc gọi hỏi mua, bán căn hộ đang ở. “Các cuộc gọi này gây ảnh hưởng đến tâm lý của tôi rất nhiều, nhất là vào buổi sáng trong khi xử lý công việc, tuy nhiên, tôi bắt buộc phải nghe vì sợ bỏ lỡ cuộc gọi của khách hàng”, anh Bắc chia sẻ.
Theo các chuyên gia, tình trạng người dùng nhận được các cuộc gọi rác không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và sự đa dạng của dịch vụ viễn thông để thực hiện các cuộc gọi tới người dùng với nhiều mục đích khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng đã sử dụng phần mềm tự động trên máy tính (auto bot) để tự động thực hiện gọi và phát những nội dung đã được ghi âm sẵn đến khách hàng.
Cùng với đó, tình trạng mua, bán SIM được kích hoạt sẵn bằng thông tin của người khác dù đã được kiểm soát nhưng chưa triệt để. Nhiều tổ chức tội phạm còn sử dụng các trạm phát sóng BTS giả với kích thước nhỏ gọn, được giấu trong xe ô tô, sau đó di chuyển liên tục để phát các tin nhắn với nội dung lừa đảo.
Tăng cường vai trò của truyền thông
Trước những tồn tại trên, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm xử lý các vấn đề liên quan đến SIM rác cũng như tình trạng lừa đảo trực tuyến, trong đó chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý SIM rác; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo; điều tra, xử lý các trạm phát sóng BTS giả; đôn đốc kiểm tra, đánh giá việc xây dựng triển khai các hệ thống ngăn chặn cuộc gọi rác có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI); cung cấp cho người dùng các công cụ để có thể chủ động ngăn chặn cuộc gọi rác.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức thanh tra, xử lý vi phạm, nếu cần thiết có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển thuê bao, đồng thời xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để có hình thức kỷ luật. Bên cạnh đó, bộ đã triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Đây là giải pháp giúp cơ quan, doanh nghiệp có thể hiển thị tên đơn vị, thương hiệu của mình khi gọi điện tới người dân, khách hàng. Người dân sẽ biết được cơ quan, đơn vị nào đang thực hiện cuộc gọi, từ đó có thể đưa ra lựa chọn nghe máy.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về việc sử dụng SIM có thông tin thuê bao đúng quy định, đúng với thông tin của mình, bởi trong công cuộc chuyển đổi số, SIM thuê bao không chỉ liên quan đến các hoạt động nghe, gọi, nhắn tin mà còn liên quan đến các ứng dụng về tài chính, các đầu mối giao dịch quan trọng. Do đó, việc để tên người khác trên thuê bao của mình có thể dẫn đến những nguy cơ, hệ lụy không đáng có. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong các giải pháp xử lý SIM rác nhằm ngăn chặn lừa đảo thì yếu tố tuyên truyền vẫn là một giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài. Vì vậy, bộ đã chỉ đạo các cơ quan báo chí tổ chức chuyên mục để cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, sử dụng hệ thống thông tin cơ sở là loa phát thanh phường, xã để thông tin thường xuyên tới bà con.
Bên cạnh đó, Cục Viễn thông cần thường xuyên phối hợp với sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, phát hiện các vi phạm, dấu hiệu vi phạm; báo cáo lãnh đạo bộ và có đề xuất thanh tra, kiểm tra để xử lý triệt để các vi phạm trong việc mua, bán SIM rác.
Theo Báo QĐND