Những bản cam kết vô thừa nhận
(QBĐT) - Đối với các khoản vay nợ giữa các cá nhân với nhau, việc viết giấy cam kết không chỉ để cam kết cho niềm tin, mà còn là bằng chứng cho trách nhiệm giữa hai bên. Thế nhưng, nhiều người chỉ xem cam kết chỉ là tờ giấy vô thừa nhận.
1. Theo đơn khởi kiện của bà Hoa, năm 2001, ông Tiến và bà Hiền có vay của bà số tiền 70 triệu đồng, có thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và viết giấy vay mượn tiền. Năm 2007, ông bà tiếp tục vay bà Hoa thêm 230 triệu đồng, nhưng không lập giấy tờ vay mượn. Tổng số tiền nợ cũ và mới là 300 triệu đồng. Sau đó, ông Tiến bà Hiền đồng ý bán cho bà Hoa một thửa đất đã thế chấp trước đó. Đáng nói, việc mua bán đất giữa hai bên chỉ thỏa thuận bằng miệng, không có giấy tờ.
Năm 2008, ông Tiến, bà Hiền đã trả lại cho bà Hoa 220 triệu đồng và còn nợ 80 triệu đồng. Cuối tháng 2/2009, bà Hiền viết giấy vay tiền với nội dung còn nợ bà Hoa 80 triệu đồng và hẹn đến cuối tháng 10/2009 sẽ trả hết toàn bộ số tiền nợ nhưng đến nay vẫn chưa trả được. Vì vậy, bà Hoa đã khởi kiện ra tòa án yêu cầu ông Tiến, bà Hiền phải trả toàn bộ nợ gốc 80 triệu đồng.
Ngược lại, bà Hiền thừa nhận có vay tiền của bà Hoa số tiền 80 triệu đồng. Việc vay mượn chỉ nói bằng miệng, nên sau đó, bà mới viết giấy vay tiền nói trên. Tuy nhiên, bà đã trả đầy đủ tiền nợ cho bà Hoa và không viết giấy tờ. Ông Tiến thì cho rằng, sau khi bán đất, ông bà đã trả hết số tiền nợ và chỉ trao tay, không có giấy tờ. Riêng giấy hẹn trả nợ 80 triệu đồng mà vợ ông viết, ông không biết và không liên quan.
Tại phiên tòa sơ thẩm, cả ông Tiến, bà Hiền đều cho rằng việc vay nợ giữa ông bà và bà Hoa đã hết thời hiệu khởi kiện, đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) đình chỉ vụ án. Sau khi nghiên cứu, xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, HĐXX cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hoa, buộc vợ chồng ông Tiến, bà Hiền phải có nghĩa vụ trả nợ cho bà Hoa số tiền 80 triệu đồng.
Không chấp nhận quyết định của tòa sơ thẩm, ông Tiến, bà Hiền tiếp tục có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận việc khởi kiện của bà Hoa, vì việc vay mượn đã được thanh toán xong từ lâu và thời hiệu khởi kiện không còn. Tại phiên tòa phúc thẩm, căn cứ quy định của pháp luật, HĐXX cho rằng, việc kiện tranh chấp đòi lại tài sản của bà Hoa không áp dụng thời hiệu khởi kiện, vì đối với tranh chấp về đòi lại tài sản thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Đối với yêu cầu khởi kiện của bà Hoa, ông Tiến, bà Hiền không đồng ý vì ông bà đã trả nợ. HĐXX xét thấy, giấy vay tiền cuối cùng vào năm 2009 mà bà Hiền viết với nội dung: “Tôi đã bán đất nhưng vẫn còn nợ chị 80 triệu đồng” đã thể hiện giao dịch dân sự giữa hai bên là có thật.
Còn giấy viết tay của bà Hiền, trong đó có nội dung: “Chị Hoa đã nhận 80.000 (tám chục) tiền mượn sau”, HĐXX nhận thấy nội dung này không chứng minh được số tiền này bà Hoa nhận là tiền gì và con số 80 nghìn đồng hay 80 triệu đồng. Trên giấy nợ này cũng không thể hiện ngày, tháng cụ thể và không xác định được thời điểm viết trước hay sau khi bà Hiền viết giấy nhận nợ nên HĐXX không chấp nhận số tiền này có liên quan đến số tiền nợ 80 triệu đồng mà bà Hiền viết vào năm 2009.
Hơn nữa, trong tất cả các lời khai của ông Tiến, bà Hiền tại bản tự khai, phiên hòa giải, tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều không thể hiện rõ thời gian vay nợ, trả nợ và không có giấy tờ chứng minh nên tòa cấp phúc thẩm không chấp nhận những lời khai này. Ông Tiến còn cho rằng, giấy vay nợ 80 triệu đồng được viết vào năm 2009, do bà Hiền viết nên ông không liên quan.
Trong khi đó, bà Hiền trình bày, thời điểm bà vay tiền số tiền trên để sử dụng vào mục đích làm ăn, chi tiêu, sinh hoạt chung trong gia đình, ông Tiến không phản đối nên phải có trách nhiệm liên đới để trả nợ cho bà Hoa. Vì vậy, HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông Tiến, bà Hiền và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
2. Trong vụ việc này, giữa người vay và người cho vay mượn tiền có đến 8 khoản nợ vay với 5 giấy ghi nợ. Theo đơn khởi kiện của bà Hương, do có mối quan hệ quen biết, vợ chồng ông Lĩnh và bà Xuân đã nhiều lần vay với tổng số tiền hơn 54 triệu đồng. Mặc dù các khoản nợ đã quá hạn từ lâu và bà cũng đã nhiều lần đòi nợ, song đến nay ông Lĩnh, bà Xuân chưa trả nợ.
Ngược lại, ông Lĩnh chỉ thừa nhận chỉ vay mượn của bà Hương 2 lần với số tiền 6 triệu đồng. Bà Xuân cũng không thừa nhận 3 khoản vay mà bà Hương cho rằng bà đứng ra vay, với lý do mọi việc liên quan đến tiền bạc trong gia đình đều do chồng bà quán xuyến, quyết định và bà cũng không phải là người viết các giấy tờ khất nợ.
Trước đó, vụ án này đã được tòa án cấp sơ thẩm thụ lý xét xử và quyết định buộc ông Lĩnh, bà Xuân trả cho bà Hương số tiền 22 triệu đồng; đồng thời, bác yêu cầu của bà Hương yêu cầu ông Lĩnh, bà Xuân số tiền hơn 32 triệu đồng. Sau đó, ông Lĩnh có đơn kháng cáo yêu cầu tòa cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm, vì thực tế ông chỉ nợ bà Hương 6 triệu đồng.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm nhận thấy, một số giấy ghi nợ trong vụ việc này chỉ là bản phô-tô không có chữ ký, không rõ ai nợ ai và có sửa chữa thời gian. Vì vậy, HĐXX cấp sơ thẩm không chấp nhận giấy vay nợ (có giá trị tiền hơn 10 triệu đồng) là có căn cứ.
Một số giấy vay, giấy tờ khất nợ khác (có trị giá tiền hơn 30 triệu đồng) lại thể hiện giao dịch khoản vay được xác lập giữa ông Lĩnh và ông Dương (chồng bà Hương đã qua đời). Hơn nữa, tại phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn là bà Hương xin rút đơn để khởi kiện lại khi có sự tham gia đầy đủ của những người kế thừa trong vụ án.
Vì vậy, HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn để sửa bản án sơ thẩm, đồng thời giành quyền khởi kiện cho những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Dương để xét xử trong một vụ án khác khi có yêu cầu. Vậy là những người liên quan trong vụ việc này lại tiếp tục chuẩn bị cho vụ “đáo tụng đình” khác để đòi lại quyền lợi cho mình.
Lê Thy
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.