Cảnh giác chiêu trò mạo danh Cảnh sát giao thông gửi thông báo phạt nguội

  • 11:18 | Thứ Hai, 23/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Thời gian qua, nhiều người dân bị một số đối tượng lừa đảo, giả danh Cảnh sát giao thông gửi thông báo kết quả phạt nguội. Do không nắm rõ quy trình xử lý của lực lượng chức năng, nhiều người đã sập bẫy lừa đảo và bị mất tiền.
 
Trước tình trạng trên, ngày 22/9, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã gửi cảnh báo để mọi người dân nắm được thông tin, chủ động phòng tránh thủ đoạn lừa đảo mới.
 
Cụ thể, Cục An toàn thông tin cho biết, anh L.H.P (sinh năm 1995, ngụ tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) bất ngờ nhận được tin nhắn từ người tự xưng là cán bộ Đội Cảnh sát giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP. Hà Nội. Nội dung tin nhắn thông báo về việc lực lượng chức năng ghi nhận anh P. điều khiển xe gắn máy có hành vi lạng lách, đánh võng. Do đó, anh P. bị xử phạt mức từ 6-8 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Thời gian qua, nhiều người dân bị một số đối tượng lừa đảo, giả danh Cảnh sát giao thông gửi thông báo kết quả phạt nguội. Do không nắm rõ quy trình xử lý của lực lượng chức năng, nhiều người đã sập bẫy lừa đảo và bị mất tiền.
 Ảnh minh họa. 
Để tăng lòng tin, đối tượng còn trích dẫn các điều, khoản trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP để làm căn cứ; đồng thời "đề nghị chủ xe cầm theo giấy tờ xe, đăng ký xe, căn cước công dân lên Đội Cảnh sát giao thông để xử phạt theo quy định của pháp luật". Đáng chú ý, nội dung cuối cùng của tin nhắn còn có lời răn đe, dọa nạt để tạo tâm lý lo sợ cho người nhận tin nhắn. Cảm thấy nghi ngờ với nội dung tin nhắn nhận được, anh P. đã đến trực tiếp cơ quan Công an để xác minh. Nhờ đó, anh P. không mắc bẫy lừa đảo.
 
Theo phân tích của Cục An toàn thông tin, trong tình huống lừa đảo kiểu này, thủ đoạn chung của các đối tượng là tự xưng mình là Cảnh sát giao thông để thông báo hành vi vi phạm giao thông. Tuy nhiên, do đã quá thời hạn xử lý, kẻ lừa đảo đề nghị người vi phạm cung cấp số biên bản xử phạt.
 
Nếu nạn nhân thông báo là chưa nhận được biên bản, các đối tượng giả danh sẽ yêu cầu người vi phạm cung cấp một loạt thông tin như: Tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt.
 
Tiếp đến, kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Những người có tâm lý nhẹ dạ, lo sợ khi giao tiếp với lực lượng chức năng, đồng thời thiếu cảnh giác sẽ làm theo các yêu cầu bị dụ dỗ và cuối cùng trở thành "con mồi", bị kẻ xấu chiếm đoạt tài sản.
 
Với tình huống lừa đảo dạng này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, tỉnh táo khi nhận các cuộc gọi hoặc tin nhắn từ những đối tượng không rõ danh tính. Người dân cần chủ động tìm hiểu và kiểm tra, xác minh danh tính đối tượng bằng cách liên hệ qua các trang thông tin chính thống.
 
Các trường hợp bị phạt nguội, Cảnh sát giao thông đều gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện hoặc người liên quan đến trụ sở cơ quan Công an (nơi xảy ra vi phạm) để làm việc, nên không có chuyện gọi điện, nhắn tin qua điện thoại thông báo vi phạm. Những người nhận được tin nhắn tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào; không truy cập vào các đường dẫn lạ.
 
Mọi người tiến hành gửi thông báo số điện thoại và hành vi lừa đảo về đầu số 5656, hoặc về trang thông tin https://khonggianmang.vn/ để lực lượng chức năng nắm được thông tin; đồng thời tiến hành xóa, chặn các số điện thoại gửi tin nhắn hoặc gọi điện lừa đảo.
Theo TTXVN/Báo Tin tức

tin liên quan

Nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ bị xử phạt

(QBĐT) - Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế chủ trì đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề khám, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ; kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên địa bàn toàn tỉnh năm 2024. Qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở, đoàn công tác đã phát hiện, nhắc nhở và kiên quyết xử phạt nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.

Những bản cam kết vô thừa nhận

(QBĐT) - Đối với các khoản vay nợ giữa các cá nhân với nhau, việc viết giấy cam kết không chỉ để cam kết cho niềm tin, mà còn là bằng chứng cho trách nhiệm giữa hai bên. 

Tăng cường xử lý cuộc gọi rác

Đã hơn 1 năm kể từ ngày các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt thực hiện khóa dịch vụ hai chiều đối với những thuê bao di động có thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, tình trạng người dân bị làm phiền bởi các cuộc gọi rác vẫn còn tiếp diễn.