Bảo toàn tài sản cho khách hàng trước các "bẫy" lừa đảo

  • 06:22 | Thứ Tư, 18/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bằng trách nhiệm nghề nghiệp, với nghiệp vụ tinh thông, cùng lợi thế gần dân, thời gian qua, những cán bộ tín dụng của các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ việc chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo, góp phần bảo toàn tài sản cho khách hàng.
 
Nhiều hình thức lừa đảo tinh vi
 
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra không ít vụ việc mà những kẻ lừa đảo nhắm vào đối tượng là người dân vùng nông thôn.
 
Giám đốc QTDND Liên Thủy (Lệ Thủy) Đỗ Thị Liên cho biết: “Ngày 5/8/2024, đã xảy ra trường hợp bà Đ.Th.C. ở xã Liên Thủy đến yêu cầu rút tiền từ sổ tiết kiệm để chuyển số tiền hơn 90 triệu đồng vào số tài khoản của người khác. Cán bộ giao dịch nghi ngờ và trao đổi, thuyết phục nhưng khách hàng vẫn khăng khăng yêu cầu chuyển tiền. Nhận được báo cáo, tôi xuống trực tiếp làm việc với khách hàng để nắm tình hình, sau đó cùng Công an xã Liên Thủy xác nhận lại số tài khoản đối tượng chuyển vào là lừa đảo có tổ chức nên đã thuyết phục và cho ngừng giao dịch trên...”.
 
Qua trao đổi được biết, trước đó, bà C. được thông báo sẽ nhận một kiện hàng gửi từ nước ngoài với điều kiện chỉ cần chuyển số tiền tương ứng 50% giá trị của kiện hàng. Đây là một hình thức lừa đảo khá phổ biến trên không gian mạng hiện nay. Bà Dương Thị N. ở xã Tây Trạch (Bố Trạch) cũng là một trong những trường hợp suýt bị mất oan 70 triệu đồng với phương thức lừa đảo này. Phòng Giao dịch (PGD) xã Tây Trạch của QTDND Vạn Trạch (Bố Trạch) đã trao đổi với khách hàng và kịp thời ngăn chặn, bảo toàn tài sản cho bà N.
Chuyển tiền để được nhận kiện hàng từ nước ngoài là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng.
Chuyển tiền để được nhận kiện hàng từ nước ngoài là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng.
Một hình thức lừa đảo tinh vi khác là giả danh người của các cơ quan nhà nước. Đơn cử như vụ việc khác ở QTDND Vạn Trạch vào ngày 26/2/2024: Bà Hoàng Thị T. ở thôn Sỏi, xã Vạn Trạch nhận được cuộc gọi điện thoại, đối tượng tự xưng là cán bộ công an và thông báo bà T. có liên quan trong một vụ buôn bán ma túy. Để khỏi bị bắt tạm giam và chịu trách nhiệm hình sự, đối tượng yêu cầu không được thông báo cho bất kỳ ai và chuyển 100 triệu đồng để kiểm tra, sau 24 giờ sẽ chuyển trả lại. Tin lời, bà T. đã mang 3 sổ tiết kiệm tại hội sở xã Vạn Trạch để rút tiền mặt và chuyển vào tài khoản cho đối tượng.
 
Khi giao dịch, bà T. bảo chuyển tiền cho con nhưng họ tên người thụ hưởng lại không cùng họ với chồng của bà. Phát hiện ra sự bất thường, có dấu hiệu bị kẻ gian lừa đảo, giao dịch viên đã trao đổi, xác minh và kịp thời báo cáo giám đốc để hỗ trợ, giải thích. Qua đó, giúp bà T. nhận thức sự việc, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo với số tiền ban đầu là 100 triệu đồng.
 
Vào ngày 27/3/2024, đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ AI giả danh con ở nước ngoài, yêu cầu bà Hoàng Thị V. ở thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch) chuyển số tiền 30 triệu đồng. Tại PGD Hoàn Trạch, giao dịch viên đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời, giúp cho bà V. tránh việc bị lừa đảo...
 
Theo thống kê sơ bộ tại các QTDND trên địa bàn tỉnh, các hình thức lừa đảo phổ biến, gồm: Giả danh người của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án; sử dụng các chiêu trò trúng thưởng, nhận quà từ nước ngoài, hack tài khoản zalo, facebook sử dụng công nghệ AI giả danh người thân, bạn bè đang ở nước ngoài nhờ chuyển tiền khẩn cấp... Nhiều người dân ở nông thôn do nhẹ dạ, cả tin, chưa có kinh nghiệm trong sử dụng mạng xã hội nên dễ bị kẻ xấu tìm mọi cách lừa đảo để chiếm đoạt số tiền mà họ tích cóp, dành dụm được.
 
Kiên trì thuyết phục khách hàng
 
Một khó khăn trong ngăn chặn việc chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo đó là thuyết phục khách hàng. Nhiều khách hàng nhất quyết không nhận mình đang bị lừa đảo; một số vì đã lỡ chuyển một phần tiền nên muốn tiếp tục để đạt cho được mục đích: Nhận kiện hàng, hoàn thành một hợp đồng,… như lời các đối tượng xấu đã vẽ ra.
 
Bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng PGD Hiền Ninh, thuộc QTDND Xuân Ninh (Quảng Ninh) cho biết: Ngày 15/8 vừa qua, có trường hợp chị Ngô Thị L. ở xã Trường Xuân đến yêu cầu chuyển 18 triệu đồng vào số tài khoản cá nhân của mình để chuyển vào tài khoản của đối tượng lạ. Do chưa cài sinh trắc học, chỉ chuyển được số tiền 9 triệu đồng nên chị nhờ hướng dẫn để chuyển tiếp. Trong quá trình hỗ trợ, cán bộ giao dịch đã nghi ngờ và báo cáo.
 
“Sau khi nắm bắt tình hình, tôi nhận định chị L. đã tham gia một trò chơi lừa đảo trên không gian mạng. Ban đầu, khi được giải thích, chị L. nhất quyết không tin mình bị lừa đảo, vẫn đòi chuyển tiền theo ý định. Chúng tôi buộc phải báo Công an xã Hiền Ninh hỗ trợ, đồng thời liên lạc với người nhà của khách hàng”, chị Yến chia sẻ.
Không ít khách hàng rất khó thuyết phục, buộc phải nhờ sợ hỗ trợ của lực lượng Công an.
Không ít khách hàng rất khó thuyết phục, buộc phải nhờ sợ hỗ trợ của lực lượng Công an.
Anh Trần Văn Th., chồng của chị Ngô Thị L. kể: “Khi PGD Hiền Ninh điện báo tôi mới biết sự việc. Hóa ra trước đó, vợ tôi đã âm thầm chuyển 5 triệu đồng, rồi đối tượng yêu cầu chuyển tiếp 18 triệu đồng. Tâm lý vợ tôi lúc đó muốn nộp tiếp để kết thúc gói, họ hoàn lại số tiền đã chuyển nhưng làm gì có chuyện đó. May có các anh, chị bên PGD nghi ngờ, báo cho tôi và tìm cách ngăn chặn kịp thời chứ không nhà tôi còn mất nhiều tiền nữa. Do vợ tôi nhẹ dạ mới tin đối tượng lừa đảo, chứ tôi đọc báo, xem ti vi nhiều và biết hết cả rồi”.
 
Do nhận thức của khách hàng là người dân vùng nông thôn còn có phần hạn hẹp, dễ sa vào các “bẫy” lừa đảo của các đối tượng xấu nên các QTDND rất quan tâm, coi trọng việc phòng ngừa, cảnh báo, đấu tranh với loại tội phạm này. Giám đốc QTDND Liên Thủy chia sẻ: “Chúng tôi thường tổ chức quán triệt trong các cuộc họp nội bộ của đơn vị để cán bộ, nhân viên nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao và hạn chế rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, nhằm bảo toàn tài sản cho khách hàng”.
 
Là đơn vị có địa bàn hoạt động tại 6 xã, thị trấn của huyện Bố Trạch, từ năm 2023 đến nay, QTDND Vạn Trạch đã ngăn chặn được 15 vụ lừa đảo với số tiền gần 1 tỷ đồng. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND xã Vạn Trạch Hoàng Thế Sơn: “Với quan điểm, đồng tiền của bà con là công sức, là mồ hôi, thậm chí là nước mắt mới có được, vì vậy, toàn thể cán bộ, nhân viên phải có trách nhiệm xem tiền của bà con bị mất vì đối tượng lừa đảo cũng giống như đồng tiền của bản thân mình bị mất. Chúng tôi quán triệt cán bộ, nhân viên phải luôn chú ý đến động thái, cử chỉ của khách hàng để nâng cao cảnh giác, kịp thời có phương án nhằm bảo toàn tài sản cho khách hàng trước các mánh khóe tinh vi của đối tượng lừa đảo. Sau khi kiên quyết, kiên trì thuyết phục khách hàng, nếu không được thì báo với Công an xã đến làm việc. Mặt khác, chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên địa bàn hoạt động về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm; khuyến khích sử dụng internet an toàn, không vào các đường link lạ,… để không bị thành “con mồi” của các đối tượng lừa đảo”.
 
Ông Hoàng Thế Sơn cho rằng: Lợi thế của cán bộ tín dụng ở các QTDND là người của địa phương, gần dân, hiểu dân nên nắm khá rõ thông tin, gia cảnh của khách hàng. Vì vậy, cần lưu ý một số động thái, cử chỉ của khách hàng khi đến giao dịch, như: Thái độ bồn chồn, lo lắng, sợ sệt; luôn nói chuyện điện thoại với ai đó; yêu cầu giao dịch nhanh; họ tên của người thụ hưởng không đúng với họ tên người thân của họ,… để phòng ngừa việc người dân bị lừa đảo.
Hương Lê

tin liên quan

Bảo đảm hành lang pháp lý an toàn cho quỹ tín dụng nhân dân hoạt động

(QBĐT) - Ngày 18/1/2024, kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) thay thế Luật Các TCTD năm 2010. Luật gồm 15 chương, 210 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Phân cấp, phân quyền trong quản lý và sử dụng đất

(QBĐT) - Ngày 29/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 43/2024/QH15, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15; Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15. Tất cả các luật trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Minh Hóa: Phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông cho học sinh

(QBĐT) - Ngày 16/9, Đội Cảnh sát giao thông-Trật tự (CSGT-TT), Công an huyện Minh Hóa tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; các quy định về an toàn giao thông cho hơn 300 học sinh, giáo viên tại Trường THCS Xuân Hóa (Minh Hóa).