Thực hiện các giải pháp xây dựng văn hóa giao thông
06:10 | Thứ Năm, 11/07/2024
(QBĐT) - Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả quan trọng, nhận được sự hưởng ứng tích cực và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Phát huy kết quả đó, 6 tháng cuối năm, toàn tỉnh tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT và hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng.
Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phạm Văn Năm cho biết: 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị, địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp bảo đảm TTATGT, trong đó đã có nhiều đổi mới, chủ động, sát thực tiễn, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện; tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; xử lý các điểm nóng mất ATGT, mở các đợt cao điểm phòng, chống sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện, kiềm chế TNGT...
Tiếp tục gắn trách nhiệm của người đứng đầu, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; triển khai quyết liệt các giải pháp, xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm TTATGT.
Các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp đã thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang ATGT; thường xuyên rà soát, kiến nghị, xử lý các điểm tiềm ẩn có nguy cơ gây mất ATGT; công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện tiếp tục được quan tâm thực hiện; đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải và kết nối đa phương thức.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm TTATGT đã chú trọng vào các nội dung và đối tượng cụ thể, phù hợp tình hình thực tiễn. Phát huy vai trò của các cơ quan thành viên Ban ATGT, đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong tổ chức và triển khai các hoạt động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng về nội dung, cụ thể hóa thông qua các hội nghị, tập huấn, các loại hình văn hóa, văn nghệ, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật...
Thông qua việc phối hợp thường xuyên với các cơ quan chức năng, cơ quan thông tin tuyên truyền đăng tải các hoạt động liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức 127 hội nghị tuyên truyền với 59.412 lượt người tham gia tại các trường học và địa bàn khu dân cư; treo 480 áp phích, phát 20.000 tờ rơi tuyên truyền “Đã uống rượu, bia-không lái xe”; trang cấp 461 áo phao cứu sinh hỗ trợ cho Trường tiểu học Hàm Ninh (Quảng Ninh), góp phần bảo đảm ATGT đường thủy nội địa cho học sinh vùng sông nước.
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân, cũng như lực lượng thực thi công vụ, sự hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn tỉnh.
Công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát (TT, KS), xử lý vi phạm tiếp tục được đẩy mạnh với việc huy động tối đa lực lượng và phương tiện để thực hiện. Trong đó, công tác TT, KS được thực hiện công khai (TT, KS lưu động trên tuyến; kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông); TT, KS công khai kết hợp với hóa trang sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ (máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn, camera...) để phát hiện vi phạm; xây dựng và khai thác hệ thống camera giám sát, phát hiện xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm... Qua đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với việc đã ra quyết định xử phạt 12.054 trường hợp vi phạm TTATGT.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 110 vụ TNGT, làm chết 60 người, làm bị thương 73 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1 vụ (tăng 1%); giảm 1 người chết (giảm 2%); không tăng, không giảm số người bị thương.
Từ nay đến cuối năm, Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm thực hiện và chấp hành pháp luật về TTATGT; xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội và hạn chế tối đa các vụ TNGT nghiêm trọng... Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương), Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Phạm Văn Năm cho biết.
Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được nói trên, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục kịp thời. Cụ thể: So với cùng kỳ năm 2023, số người chết do TNGT tính chung cả tỉnh tuy có giảm (giảm 1 người chết). Điển hình huyện Tuyên Hóa có số người chết do TNGT giảm 57%, TP. Đồng Hới giảm 29%, TX. Ba Đồn giảm 20%. Tuy nhiên, TNGT trên địa bàn tỉnh dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Đáng nói nhiều địa phương tình hình TNGT không giảm mà còn tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Điển hình là TP. Đồng Hới số vụ TNGT tăng 110%, Minh Hóa tăng 62,5%, Quảng Trạch tăng 40%. Số người chết do TNGT tăng cao, như: Minh Hóa tăng 125%, Quảng Trạch tăng 40%, Lệ Thủy tăng 20%. Số người bị thương do TNGT tăng cao, như: TP. Đồng Hới tăng 125%, Minh Hóa tăng 50%, TX. Ba Đồn tăng 43%...
Việc chấp hành pháp luật về bảo đảm TTATGT của một số tổ chức và cá nhân còn hạn chế, mang tính đối phó. Do đó, vẫn tồn tại các vi phạm về tốc độ, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, lấn chiếm hành lang ATGT, chở quá tải trọng, tình trạng thiếu niên điều khiển mô tô khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.
Ngoài ra, qua thời gian khai thác, một số tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp; các khu đô thị, dân cư mới hình thành cùng với sự gia tăng của người và phương tiện, một số điểm giao cắt, nút giao thông tiềm ẩn phức tạp xuất hiện, làm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT...
Ông Phạm Văn Năm nhấn mạnh: Để thực hiện tốt nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2024 cần phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm TTATGT; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT gắn với đặc điểm về kinh tế, văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng và theo các nhóm dân cư (độ tuổi, tín ngưỡng); phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở để tổ chức các phong trào vận động nhân dân chấp hành pháp luật về TTATGT; xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về bảo đảm TTATGT phù hợp với thực tiễn địa bàn, nhất là trong đô thị và các khu dân cư dọc theo các tuyến quốc lộ và tuyến đường sắt...
Quyết liệt triển khai kế hoạch bảo đảm TTATGT thời gian cao điểm hè 2024 và đợt nghỉ lễ 2/9, Tết Dương lịch 2025... phục vụ nhân dân đi lại an toàn. Tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý nghiêm xe quá tải hoạt động trên đường giao thông nông thôn, trong đó chú trọng kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại đầu mối hàng hóa (mỏ vật liệu, cảng, nhà máy...).
Đẩy nhanh tiến độ, quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do địa phương làm chủ đầu tư; xây dựng kế hoạch bảo trì, bảo đảm TTATGT mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông địa phương, xử lý dứt điểm các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT, các lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; tiếp tục hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường bộ, sơn vạch tim đường, làm gờ giảm tốc và cắm biển báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính tại tất cả các điểm giao cắt (bao gồm cả lối đi dân sinh)...
(QBĐT) - Sáng nay, 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương.