Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ nhà giáo
Nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc phát triển đội ngũ nhà giáo đang gặp nhiều vướng mắc, hạn chế cần tháo gỡ. Vì vậy, việc xây dựng Luật Nhà giáo là thật sự cần thiết nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo cũng như tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Thực tế đã chứng minh, sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Kết quả của sự đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo. Xuất phát từ nhận thức đó, thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên trì, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho phép xây dựng một luật riêng về nhà giáo. Đến tháng 4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật năm 2024 của Quốc hội khóa XV. Điều này góp phần đáp ứng sự mong đợi của 1,6 triệu nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Ngọc Ân cho biết: Việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo được cả xã hội quan tâm. Luật Nhà giáo ra đời sẽ góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo ổn định, phát triển, đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục nói riêng, của xã hội nói chung, phù hợp xu thế phát triển hiện nay và thời gian tới.
Cô giáo Vũ Thị Việt Hoa, giáo viên Trường tiểu học Quang Trung (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ: Những chính sách, quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo rất tiến bộ, giải quyết được bất cập, hạn chế của chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo hiện nay. Luật Nhà giáo khuyến khích, tạo động lực để giáo viên yên tâm công tác.
Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Văn Minh cho biết: Quy chuẩn đứng lớp ở nhiều nước rất chặt chẽ, ngặt nghèo và quy chuẩn đó kèm theo chế độ chính sách. Nhưng nếu đời sống giáo viên không được nâng lên thì những yêu cầu đặt ra sẽ khó khả thi. Xu hướng đào tạo giáo viên trên thế giới là đào tạo tập trung, đầu tư có trọng điểm, đãi ngộ hấp dẫn, vì vậy cần có chính sách thu hút, đãi ngộ xứng đáng cho nhà giáo.
Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo Vũ Thị Lan mong muốn, trong Luật Nhà giáo cần có quy định cụ thể về vai trò của địa phương trong việc đầu tư các chế độ, chính sách cho nhà giáo. Còn những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì Nhà nước nên có quy định bắt buộc phù hợp từng địa phương để địa phương có trách nhiệm cao trong việc đề xuất, xây dựng, thực hiện chế độ chính sách cho nhà giáo.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nhà giáo, đại diện Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến quy định 5 nội dung mang tính đột phá về công tác quản lý nhà nước trong dự thảo luật. Công tác tuyển dụng nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được thực hiện thống nhất trên toàn quốc; công tác điều động, biệt phái nhà giáo không chỉ được thực hiện trong phạm vi cấp huyện, cấp tỉnh mà còn được thực hiện giữa các tỉnh, thành phố khác nhau và được thực hiện giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Tăng cường các điều kiện để bảo vệ nhà giáo, giúp nhà giáo được làm việc trong môi trường an toàn, được tạo động lực để phát triển nghề nghiệp. Cùng với đó, nâng cao vai trò của cơ quan quản lý giáo dục trong việc lựa chọn, bổ nhiệm nhà giáo giỏi trở thành cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và nhà giáo giỏi giữ các vị trí lãnh đạo tại cơ quan quản lý giáo dục. Cuối cùng là chú trọng xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo.
Theo Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Minh Đức, những điều kiện nêu trên là thành tố quan trọng để góp phần tạo nên một môi trường làm việc an toàn, nơi nhà giáo được bảo vệ, được bảo đảm về các điều kiện vật chất, tinh thần, an sinh xã hội. Từ đó, nhà giáo yên tâm cống hiến, tập trung cho công tác chuyên môn, phát triển nghề nghiệp.
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, quản lý nhà nước về nhà giáo là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển đội ngũ nhà giáo, từ lúc mới vào nghề, phát triển nghề nghiệp cho đến khi nhà giáo nghỉ hưu. Quản lý nhà nước về nhà giáo cần một khung pháp lý chuyên biệt phù hợp, trong đó nhà giáo công lập và ngoài công lập thấy được sứ mệnh và con đường phát triển của mình, có vậy mới đem lại sự thành công cho người học và đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội.
Theo NDĐT