Lợi ích và niềm tin
(QBĐT) - Mong ước và niềm tin không phải lúc nào cũng mua được bằng tiền. Thế nhưng, có nhiều người vẫn sẵn sàng “chi trả” Mong ước và niềm tin không phải lúc nào cũng mua được bằng tiền. Thế nhưng, có nhiều người vẫn sẵn sàng “chi trả” những khoản tiền lên đến hàng trăm triệu đồng cho người xa lạ, để mưu cầu lợi ích riêng.
1. Thời buổi giá đất lên “cơn sốt”, nghề “cò đất” là một nghề “hót”, bởi phong trào nhà nhà đi buôn đất, người người tham gia “lướt sóng” giá đất, hòng kiếm tiền chênh lệch. Nhiều người không mất chút công sức mà vẫn “ngồi mát ăn bát vàng”. Vốn làm nghề môi giới bất động sản, hơn ai hết, Tính quá hiểu tâm lý “đám đông” đó. Sẵn có “ngón nghề” trong tay, cùng lợi thế nhiều khách hàng quen biết rộng rãi từ lâu, Tính có thừa “nhân mối” để “làm ăn”.
Chỉ có điều, cách làm và mục đích lần này lại khác trước. Nếu trước đây, Tính phải tìm được đất mới rao bán và thu tiền, thì giờ Tính “gom” tiền của khách trước. Tính nghĩ mọi cách và không từ một thủ đoạn nào để “moi” tiền của người khác đem về làm riêng của mình. Những thửa đất Tính đem rao bán, tạo cớ để lấy tiền của người khác, chính Tính cũng không biết rõ chủ có bán hay không, mà chỉ tổng hợp thông tin từ mạng xã hội. Thế nhưng, nhiều người đã bị cuốn theo “vòng xoáy” lợi lộc từ đất đai, đặt hết niềm tin, tiền bạc vào Tính.
Nạn nhân đầu tiên được, hội đồng xét xử (HĐXX) gọi lên “đối chứng” là một người phụ nữ. Khi nghe biết tin Tính đăng rao bán một thửa đất trên mạng xã hội, chị Hiền liền liên hệ để mua và đặt cọc cho Tính khoản tiền 30 triệu đồng. Đến cuối tháng, khi đã tiêu xài khoản tiền cọc này, Tính tiếp tục “bày trò” yêu cầu chị Hiền trả thêm 300 triệu đồng để nộp thuế, vì đây là đất đấu giá mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, đợi mãi mà không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chị Hiền tìm Tính hỏi chuyện. Lúc này, Tính đã tiêu xài hết khoản tiền hơn 300 triệu đồng. Buộc lòng, Tính phải tiếp tục “quay xe” bảo, thửa đất nói trên đã có người khác mua với giá cao hơn, rồi chuyển trả lại cho chị Hiền 30 triệu đồng. Đến khi không có khả năng trả nợ, Tính mới tìm đến nhà chị Hiền viết giấy vay nợ xin trả dần.
Với chiêu trò tương tự, không chỉ chị Hiền trở thành nạn nhân của Tính, mà còn nhiều người phụ nữ khác. Song, đau đớn nhất là trường hợp chị Hương. Do quen biết, cuối năm 2021, Tính đã gửi thông tin 2 thửa đất chủ đang cần bán cho chị Hương, với giá hơn 600 triệu đồng/thửa. Đang lúc “sốt” giá đất, chị Hương liền đồng ý mua cả 2 thửa với số tiền 1,2 tỷ đồng.
Lợi dụng, đại dịch Covid-19 đang hoành hành, Tính bảo, mình bị cách ly, nên yêu cầu chị Hương chuyển tiền qua tài khoản mà không cần viết giấy nhận tiền. Để chị Hương chuyển đủ số tiền nói trên, Tính đã nhiều lần dùng nhiều lý do khác nhau để nạn nhân chuyển đủ 1,2 tỷ đồng chỉ trong vòng nửa tháng. Đáng nói, ngoài việc bị chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng, chị Hương còn cho Tính mượn số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xét thấy đây là giao dịch dân sự, HĐXX không xem xét giải quyết trong vụ án này. Cứ như vậy, sau mỗi lần giao dịch thành công, Tính phải “vắt óc” nghĩ ra cách để nạn nhân tin tưởng và tiếp tục lấy tiền của người khác. Chỉ tính số liệu trong phạm vi vụ án này, từ năm 2021-2022, Tính đã nhận tiền “đặt cọc” của 9 người, với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Với hành vi nêu trên, Tính bị tuyên phạt 17 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
2. Gần 10 năm trước, Ánh từng có biệt danh “nữ quái”, “siêu lừa” và đã bị xử phạt 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thế nhưng, trong thời gian tạm hoãn thi hành án phạt tù, Ánh tiếp tục chứng nào tật ấy, “ngựa quen đường cũ”.
Đã từng có thời gian “hành nghề” lừa đảo, Ánh có đủ mánh khóe để nhắm trúng vào tâm lý của nạn nhân. Để tạo lòng tin, Ánh “lột xác” thành một người phụ nữ thường xuyên mặc đẹp, đi xe sang, thể hiện bản thân là người có mối quan hệ rộng. Vỏ bọc hoàn hảo đó của Ánh đã đủ sức hấp dẫn và đánh lừa nhiều người, khiến những nạn nhân tin như điếu đổ vào những lời tâng bốc hoa mỹ.
Nạn nhân của Ánh có đủ thành phần, đối tượng, với nhiều mưu cầu lợi ích riêng. Có người đang bị cơ quan chức năng khởi tố điều tra, cần xin giảm nhẹ hình phạt. Có những người muốn xin chuyển công tác đến vị trí thuận lợi hơn hoặc xin vào biên chế trong các cơ quan nhà nước. Thậm chí, có người nhờ Ánh “chạy dự án”. Cứ như vậy, có “cầu” ắt sẽ có “cung” và Ánh “tự xưng” sẽ giúp đỡ họ hết mình, đồng thời không ngừng phô trương các mối quan hệ rộng rãi và quen sâu biết cao của mình để củng cố niềm tin cho “khách hàng”.
Còn những nạn nhân thì ngây thơ đến mù quáng, tin tưởng đến lú lẫn, để hết lần này đến lần khác chuyển tiền cho Ánh. Bằng thủ đoạn nêu trên, từ tháng 1/2022-3/2023, Ánh đã chiếm đoạt tài sản của 9 cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh, với tổng số tiền gần 3,2 tỷ đồng. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Ánh 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng với mức án 16 năm tù chưa thi hành, bắt buộc Ánh phải chịu tổng mức hình phạt chung là 30 năm tù.
Đã từng có quá nhiều người, nhiều vụ việc lừa đảo được cảnh báo, nhưng vì sao vẫn có người “mù quáng” và ngây ngô đến mức tin những lợi ích mua bán được? Phải chăng, đó là thứ lợi ích dễ dàng có được, mà không cần sự nỗ lực, cố gắng. Nói như lời cảnh tỉnh của vị chủ tọa phiên tòa sau khi xét xử, niềm tin rất cần thiết trong cuộc sống, nhưng khi niềm tin đặt không đúng chỗ, chính họ đã tạo cơ hội cho kẻ lừa đảo.
Lê Thy
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.