Vì sao bà Nguyễn Thị Diệp không còn thuộc diện hộ nghèo?
06:46 | Thứ Bảy, 17/02/2024
(QBĐT) - Bà Nguyễn Thị Diệp (SN 1960, sinh sống tại thôn Thạch Hạ, xã Hồng Thủy, Lệ Thủy) viết đơn gửi các ngành chức năng kiến nghị về việc UBND xã Hồng Thủy khi bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, gia đình bà bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, mặc dù hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Diệp có thực sự nghèo?
Trong đơn kiến nghị, bà Nguyễn Thị Diệp trình bày: Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo hơn 10 năm nay, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bản thân thường xuyên đau ốm, bệnh tật, tài sản có 3 sào ruộng nhưng không đủ sức khỏe để sản xuất. Thu nhập hiện tại của bà nhờ vào mảnh vườn nhỏ trồng rau và ngày buổi chợ bán rau, bình quân thu nhập không bao giờ đạt mức 1,5 triệu đồng/tháng để thoát nghèo.
Bà Diệp có hai người con, con gái đầu lập gia đình, sinh sống ngoại tỉnh. Con trai kế hơn 30 tuổi, không nghề nghiệp ổn định phải đi làm thuê ở miền Nam. Hiện tại, bà sống một mình trong căn nhà cấp bốn làm từ năm 1992 đã bị xuống cấp, dột nát, rạn nứt; không nhà vệ sinh, không ti vi... Tài sản đáng giá nhất là một chiếc xe máy và một cái tủ lạnh nay cũng cũ nát.
Hoàn cảnh như vậy nhưng Ban xóa đói giảm nghèo (XĐGN) xã Hồng Thủy; tổ XĐGN, Ban công tác Mặt trận thôn Thạch Hạ trong quá trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 chấm điểm cho gia đình bà Nguyễn Thị Diệp 150 điểm (căn cứ vào Bảng chấm điểm Phiếu B1, khu vực nông thôn Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung do Ban XĐGN xã Hồng Thủy xác lập) để bà “thoát nghèo”!
Theo Bảng chấm điểm Phiếu B1, khu vực nông thôn Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung do Ban XĐGN xã Hồng Thủy xác lập đối với gia đình bà Nguyễn Thị Diệp, kết quả chấm điểm thể hiện như sau: Đặc trưng hộ (gồm 1 người), 90 điểm; 1 xe máy, xe có động cơ, 20 điểm; tủ lạnh, 15 điểm; nhà ở (vật liệu chính của tường nhà là bê tông, gạch/đá, xi măng, gỗ bền chắc), 10 điểm; diện tích ở bình quân đầu người từ 20 mét vuông đến dưới hoặc bằng 30 mét vuông, 5 điểm; tiêu thụ điện bình quân cả tháng/hộ (từ 25-49kW, 5 điểm; nước sinh hoạt (giếng khoan), 5 điểm. Tổng là 150 điểm.
Với cách chấm điểm này, bà Nguyễn Thị Diệp cho rằng những người thực hiện quá “máy móc”. Đơn cử, ngôi nhà cấp 4 của bà làm từ năm 1992, nay bị xuống cấp, dột nát, hư hỏng... vẫn cứ “được” chấm như những ngôi nhà cấp bốn khang trang khác vì áp dụng tiêu chí “vật liệu chính của tường nhà là bê tông, gạch/đá, xi măng, gỗ bền chắc” (?!); nhà bà có ti vi, xe máy, nhưng đến nay đã cũ, vẫn áp mức điểm tối đa, như vậy có hợp lý?
UBND xã Hồng Thủy thực hiện đúng quy trình
Làm việc với UBND xã Hồng Thủy, ông Nguyễn Văn Mỡi, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết đã nhận nhiều đơn thư kiến nghị của bà Nguyễn Thị Diệp gửi trực tiếp ở UBND xã và do các cơ quan chức năng khác chuyển cho UBND xã giải quyết.
Theo báo cáo của UBND xã Hồng Thủy, ngày 25/10/2023, Ban XĐGN xã phối hợp với Ủy ban MTTQVN xã, các ban, ngành và thôn Thạch Hạ trực tiếp chấm điểm tại hộ bà Nguyễn Thị Diệp theo quy trình, quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/1/2021 của Chính phủ về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; khoản 1, Điều 2, Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg, ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm và quy trình xác lập hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025.
Qua kết quả chấm điểm, tổng số điểm về cơ sở vật chất, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu của hộ bà Nguyễn Thị Diệp đạt 150 điểm, vượt ngưỡng hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024. Nhưng xét điều kiện, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe của bà Diệp, hội nghị Mặt trận khu dân cư thống nhất “đồng ý” để bà Diệp thuộc diện hộ cận nghèo năm 2024.
Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hàng năm được tiến hành chặt chẽ qua các bước: Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát; tổ chức rà soát, phân loại hộ gia đình; tổ chức họp dân thống nhất kết quả rà soát; niêm yết, thông báo công khai; báo cáo, xin ý kiến của Chủ tịch UBND huyện; công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo... Xã Hồng Thủy thực hiện đúng, đủ quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Đặc biệt, riêng gia đình bà Nguyễn Thị Diệp, trong các cuộc họp dân ở thôn đều thống nhất gia đình bà thuộc diện cận nghèo.
Sau khi có đơn kiến nghị, vào các ngày 16/11 và 19/12/2023, UBND xã Hồng Thủy tổ chức hội nghị giải quyết đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Diệp. Hội nghị nêu các căn cứ, quy trình xét duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 cho bà Diệp biết nhưng bà vẫn cố tình không hiểu, gửi đơn thư kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Diệp được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, UBND xã Hồng Thủy khẳng định đúng quy trình, tuy nhiên, bà Diệp không đồng thuận. Chiếu theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì ngoài tiêu chí thu nhập, việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo còn căn cứ thêm tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin).
Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số, gồm: Việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin).
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Nguyễn Văn Mỡi khẳng định: “Trong quá trình tiếp nhập đơn của bà Nguyễn Thị Diệp, UBND xã và các ban, ngành liên quan hai lần kiểm tra, chấm điểm lại. Kết quả, gia đình bà Diệp thoát nghèo nhưng bà tiếp tục gửi đơn thư phản ánh, kiến nghị vượt cấp. Quá trình giải quyết, UBND xã Hồng Thủy khẳng định làm đúng quy trình, thủ tục; khẳng định hộ bà Diệp không đạt hộ nghèo, chỉ dừng ở mức cận nghèo”.
Theo chúng tôi, căn cứ Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, việc bà Nguyễn Thị Diệp cho rằng Ban XĐGN xã Hồng Thủy chấm điểm cho bà quá “máy móc” là có căn cứ vì gia đình bà thuộc hộ đang sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là tường, cột, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc); có ít nhất một người không có việc làm (người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, sẵn sàng/mong muốn làm việc nhưng không tìm được việc làm) hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động; gia đình không sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; không có thành viên nào sử dụng dịch vụ internet; không có phương tiện nào trong số các phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin (phương tiện dùng chung: Ti vi, radio, máy tính để bàn, điện thoại và phương tiện cá nhân: Máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh).
Thông thường, khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hằng năm thì cũng đã rơi vào cuối tháng 1 hoặc trung tuần tháng 2 dương lịch, nghĩa là một phần ba hoặc một nửa quý I của năm dương lịch đã trôi qua.
(QBĐT) - Ngày 15/2, Chi cục trưởng Chi Cục kiểm lâm Nguyễn Văn Long cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện, bắt giữ xe ô tô vận chuyển gần 1 mét khối gỗ trái phép.
(QBĐT) - Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn liền với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đã đưa lại hiệu quả tích cực hơn trong thực hiện nhiệm vụ được giao của Thanh tra Sở Giao thông vận tải trong năm 2023.