Góp ý vào dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: Hướng đến tính ưu việt và nhân văn

  • 08:03 | Thứ Hai, 19/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Công văn số 250/TANDTC-PC, ngày 22/12/2023 của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao về tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) nhằm hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV,n hững ngày giáp Tết Nguyên đán 2024, TAND tỉnh tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Tư pháp NCTN trong toàn ngành và các cơ quan liên quan.
 
Theo Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Hữu Tuyến: Dự án luật cung cấp khung pháp lý thống nhất dành cho hệ thống tư pháp NCTN thông qua tổng hợp và tăng cường các quy định đang nằm rải rác trong nhiều luật; hướng đến bảo đảm tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp hơn trong giáo dục và giám sát NCTN vi phạm pháp luật, đang chịu các biện pháp phạt cải tạo không giam giữ; tăng cường phối hợp, hợp tác và cải thiện hiệu quả các biện pháp xử lý đối với NCTN.
 
Dự thảo Luật Tư pháp NCTN gồm 175 điều, bố cục thành 5 phần, 11 chương, gồm 11 nguyên tắc cơ bản đối với hoạt động tư pháp NCTN, đưa ra 11 biện pháp xử lý chuyển hướng trong đó kế thừa các biện pháp của Bộ luật Hình sự hiện hành và phát triển thêm 18 biện pháp, thể hiện tính ưu việt và nhân văn của hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong 11 biện pháp xử lý chuyển hướng có 10 biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng, 1 biện pháp duy nhất là giáo dục tại trường giáo dưỡng.
TAND tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các ngành thuộc khối Nội chính tham gia vào dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
TAND tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các ngành thuộc khối Nội chính tham gia vào dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
“Vấn đề đặt ra là hệ thống Tòa án có thể áp dụng một trong nhiều biện pháp đối với NCTN phạm tội hay chỉ được áp dụng 1 biện pháp”, Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Hữu Tuyến chia sẻ.
 
Phó Chánh án TAND tỉnh Trần Hữu Sỹ cho biết: Các nội dung đưa ra lấy ý kiến của ngành Tòa án tập trung từ Điều 5-Điều 18 của dự thảo luật, quy định các nguyên tắc cơ bản hoạt động tư pháp NCTN, như: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của NCTN; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; bảo đảm NCTN được đối xử bình đẳng; bảo đảm quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; bảo đảm sự tham gia của người giám hộ, người đại diện của NCTN; bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời; ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng; xử lý chuyên biệt đối với NCTN phạm tội; bảo đảm giữ bí mật cá nhân của NCTN; bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch của NCTN; hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với NCTN; chuyên môn hóa trong hoạt động tư pháp NCTN; bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia trình bày ý kiến của NCTN; bảo đảm tái hòa nhập cộng cho NCTN.
 
Đây là các biện pháp giám sát, giáo dục khi NCTN được miễn trách nhiệm hình sự mà Bộ luật Hình sự đang quy định. Dự án luật tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng và quy định rõ là "Xử lý chuyển hướng".
 
Dự thảo luật quy định biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp nghiêm khắc nhất trong các biện pháp xử lý chuyển hướng, được áp dụng sau cùng khi NCTN không tuân thủ việc chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng đã áp dụng hoặc đối với NCTN phạm một số tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng trước đây không được áp dụng biện pháp này. Đây cũng là cơ chế để NCTN không phải quay lại quy trình thủ tục tố tụng hình sự thông thường, mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp.
 
Do đó, các ý kiến góp ý cho rằng dự thảo luật cần quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị áp dụng biện pháp chuyển hướng gồm: (1) Đã 1 lần gia hạn thời gian áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật; (2) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng do cố ý và có đủ điều kiện quy định tại Điều 28 của luật này; (3) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 168, 169, 248, 249, 250, 251, 252, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự và có đủ điều kiện quy định tại Điều 28 của luật này; (4) Các trường hợp khác, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của NCTN phạm tội, cần thiết phải đưa NCTN vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chia sẻ: Việc ban hành Luật Tư pháp NCTN liên quan đến rất nhiều đạo luật. Hiện tại, các luật chuyên ngành, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thi hành án Hình sự... có một số quy định thân thiện với NCTN. Vì vậy, việc lấy ý kiến tham gia góp ý dự thảo luật và ban hành Luật Tư pháp NCTN cần phải bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật về Tư pháp NCTN.

Dự thảo luật quy định giao cho Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở đề nghị của cơ quan điều tra (CQĐT), Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) hoặc tự mình xem xét. Thay vì hiện tại thẩm quyền này được giao cho CQĐT, Viện KSND và hội đồng xét xử. Việc thay đổi thẩm quyền bảo đảm việc áp dụng thống nhất, hiệu quả các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN.

Dự thảo luật còn bổ sung các quy định về tái hòa nhập đối với NCTN sau khi thi hành xong việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, như: (1) Hỗ trợ thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với NCTN tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của NCTN tái hòa nhập cộng đồng; (2) Trợ giúp về tâm lý nhằm hỗ trợ, giúp đỡ NCTN chấp hành xong biện pháp xử lý chuyển hướng, xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng và phòng tránh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật; (3) Ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; (4) Được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật...
 
Các ý kiến của TAND hai cấp tỉnh còn đi sâu vào nội dung bổ sung quy định về những trường hợp hỗ trợ bị hại trong dự thảo luật, gồm: (1) Hỗ trợ để điều trị sức khỏe khi người bị hại phải điều trị, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh; (2) Hỗ trợ về sức khỏe bao gồm hỗ trợ việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; (3) Hỗ trợ để điều trị tâm lý khi người bị hại bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý cần phải điều trị, tư vấn tâm lý. Kinh phí thực hiện việc hỗ trợ bị hại được lấy từ Quỹ hỗ trợ tư pháp NCTN.
 
Sau khi TAND hai cấp tỉnh hoàn thành góp ý vào dự thảo Luật Tư pháp NCTN, TAND tỉnh còn tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các ngành thuộc khối Nội chính và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Thanh Long (lược ghi)

tin liên quan

Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 175/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước.

Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh ấn định ngày xét xử đại án Vạn Thịnh Phát

Theo quyết định của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan sẽ được xét xử từ ngày 5/3-29/4.

Thông báo áp dụng các dịch vụ công trực tuyến của Sở Tư pháp

(QBĐT) - Sở Tư pháp vừa ban hành thông báo áp dụng chính thức các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thừa phát lại và đấu giá tài sản, hộ tịch, chứng thực và nuôi con nuôi.