Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng

  • 06:47 | Chủ Nhật, 07/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Lệ Thủy liên tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người cao tuổi, đưa ra nhiều lý do đánh trúng tâm lý người già khiến họ đến các phòng giao dịch (PGD) của ngân hàng làm thủ tục chuyển tiền tiết kiệm sang tài khoản do các đối tượng lừa đảo lập ra.
 
Thủ đoạn không mới...
 
Giao dịch viên (GDV) Mai Thị Giang, nhân viên PGD chợ Trạm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Chi nhánh huyện Lệ Thủy (Agribank-Chi nhánh huyện Lệ Thủy) nhớ lại: Từ năm 2020 đến nay, tại PGD chợ Trạm xảy ra 3 vụ việc khách hàng đến thực hiện thủ tục chuyển tiền gửi tiết kiệm cho các đối tượng lừa đảo. Quá trình thực hiện giao dịch, nhân viên PGD phát hiện nhiều dấu hiệu đáng ngờ, từ đó, phối hợp với Công an, giải thích cho khách hàng để ngăn chặn thành công việc chuyển tiền.
 
Cụ thể, tháng 7/2022, bà Quách Thị Th. (xã Mỹ Thủy, Lệ Thủy) đến PGD chợ Trạm đề nghị chuyển 17,5 triệu đồng vào tài khoản (TK) TPBank tại TP. Hồ Chí Minh. GDV Mai Thị Giang hỏi: “Bà có quen với người nhận tiền không?”. Bà Th. trả lời không quen.
 
Tại quầy giao dịch, bà Th. mở loa ngoài điện thoại di động để chị Giang trực tiếp xác minh. Phía bên kia là một giọng nói lạ, cách cung cấp thông tin rất chuyên nghiệp, ăn nói lưu loát. Đối tượng cho biết bà Quách Thị Th. có một kiện hàng người thân gửi từ nước ngoài về đang ở sân bay. Bà Th. muốn nhận hàng phải đóng một khoản lệ phí. Điều đặc biệt là mọi thông tin địa chỉ, số điện thoại của bà Th. được đối tượng cung cấp rất chính xác.
 
Nhận thấy việc bà Quách Thị Th. chuyển tiền có dấu hiệu bị lừa đảo, GDV Mai Thị Giang nhanh chóng báo cáo cho Giám đốc PGD và Công an huyện Lệ Thủy. Khi phát hiện thủ đoạn lừa đảo của mình bại lộ, đối tượng lập tức tắt máy điện thoại, hủy TK nhận tiền. 
 Ông Trần Văn A. tại PGD chợ Trạm Agribank-Chi nhánh huyện Lệ Thủy.
Ông Trần Văn A. tại PGD chợ Trạm Agribank-Chi nhánh huyện Lệ Thủy.
Ông Trần Văn A. (xã Sen Thủy, Lệ Thủy) kể: Tháng 4/2023, một đối tượng giới thiệu làm việc tại cơ quan cấp bộ ở Trung ương liên hệ yêu cầu ông chuyển 50 triệu đồng vào số TK 0141023780079, Ngân hàng An Bình tại TP. Hà Nội để giải quyết việc người thân trong gia đình vi phạm pháp luật. Qua trao đổi, GDV Mai Thị Giang phát hiện ông bị lừa đảo và khuyên bảo ông, giúp ông quyết định hủy giao dịch, tránh mất 50 triệu đồng.
 
Cũng trong tháng 4/2023, bà Đặng Thị H. (thị trấn Nông trường Lệ Ninh, Lệ Thủy) đến PGD Mỹ Đức, Agribank-Chi nhánh huyện Lệ Thủy đề nghị đóng 6 sổ tiết kiệm và chuyển tất cả số tiền vào TK cá nhân mang tên mình, tổng số tiền gần 300 triệu đồng với lý do góp vốn mua đất. Sau khi rút tiền tiết kiệm, bà Đặng Thị H. dùng ứng dụng Agribank E-Mobile Banking tiếp tục chuyển số tiền trên vào TK 9704229202771380859, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB-Bank) mang tên chồng mình. Quá trình chuyển tiền, bà Đặng Thị H. không ngờ TK MB-Bank trên là TK do đối tượng lừa đảo mạo danh lập ra. Kết quả, qua nhiều lần giao dịch chuyển khoản, bà Đặng Thị H. bị lừa mất số tiền lên đến 670 triệu đồng.
 
Cảnh giác khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền
 
Mặc dù thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng không mới, tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn bị sập bẫy, mất tiền oan. Những người già cả thường được các đối tượng lừa đảo hướng đến.
 
Sau khi ngăn chặn thành công việc chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo, ông Trần Văn A. viết thư cảm ơn GDV Mai Thị Giang và lãnh đạo Agribank-Chi nhánh huyện Lệ Thủy. Ông A. không quên cảnh báo cho mọi người: Trước khi quyết định chuyển tiền cho bất kỳ ai, cần phải xác minh thông tin chính xác, tuân thủ mọi sự hướng dẫn của cán bộ ngân hàng để khỏi phải mất tiền oan.
 
Ông Mai Văn Kỷ, Giám đốc Agribank-Chi nhánh huyện Lệ Thủy cho hay: Sau khi phát hiện và ngăn chặn thành công hàng loạt vụ lừa đảo chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng tại các PGD thuộc Agribank trên địa bàn huyện Lệ Thủy, lãnh đạo ngân hàng nhanh chóng phát đi thông báo rộng rãi cho nhân dân được biết về thủ đoạn, phương thức thực hiện của các đối tượng lừa đảo; khách hàng mà đối tượng lừa đảo hướng tới... Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác cho đội ngũ cán bộ, GDV trong toàn bộ hệ thống. Nếu khách hàng đến giao dịch chuyển tiền mà GDV nghi ngờ, phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần thiết phải xác minh rõ thông tin, báo cáo cho lãnh đạo để phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, ngăn chặn, không để người dân bị mất tiền oan.
 
Thanh Long

tin liên quan

Công an TX. Ba Đồn liên tiếp bắt 2 vụ tàng trữ ma túy hồng phiến

(QBĐT) - Vào khoảng 11h15' ngày 28/4/2023, tại khu phố 5, phường Ba Đồn, TX. Ba Đồn, lực lượng Công an TX. Ba Đồn tuần tra, kiểm soát đảm bảo ANTT trên địa bàn đã phát hiện Đoàn Anh Dương (SN 1980, trú tại khu phố 5, phường Ba Đồn, TX. Ba Đồn) có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Triệt phá chuyên án ma túy lớn nhất từ trước đến nay ở Tuyên Hóa

(QBĐT) - Công an huyện Tuyên Hóa vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện Minh Hóa và Chi cục Hải quan tỉnh phá thành công chuyên án mang bí số "223M", bắt giữ 4 đối tượng, thu giữ 2 gói ma túy tổng hợp (khoảng 2kg) và 14.134 viên ma túy loại hồng phiến.

Công an TP. Đồng Hới xử lý đối tượng đánh thủ quỹ Trung tâm Giáo dục dạy nghề

(QBĐT) - Vào khoảng 8h45' ngày 24/4/2023, chị Trần Thị Kim L. (SN 1980, trú tại phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới) là cán bộ thủ quỹ đang làm việc tại phòng kế toán Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường xuyên TP. Đồng Hới thì Nguyễn Thị Kim Chi (SN 1990, trú tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) đến gặp và nói chuyện do có mâu thuẫn ghen tuông với nhau từ trước.