Nhức nhối "sổ đỏ" giả

  • 08:09 | Thứ Ba, 13/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, lợi dụng tình hình "sốt đất", các đối tượng xấu đã có nhiều chiêu thức nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân thông qua việc giao dịch, môi giới, mua bán đất đai. Một trong những thủ đoạn phổ biến là làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để thực hiện hành vi phạm tội, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước tình trạng nhức nhối đó, Công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác đấu tranh, triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan.
 
Giữa tháng 4/2021, ông Đặng Văn Quyết, trú tại TP. Đồng Hới đã đến Công an TP. Đồng Hới gửi đơn trình báo, tố giác tội phạm. Theo đơn trình báo, ông Quyết là người đứng ra thỏa thuận với một đối tượng tên Phạm Thị Thu Phương, trú tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) về việc làm GCNQSDĐ cho thửa đất số 71, tờ bản đồ 58, có diện tích gần 7.000m2, thuộc địa phận thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới).
 
Đây là một mảnh đất thuộc mặt tiền đường Nguyễn Thị Định (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới), nhưng ông chưa có điều kiện để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ. Vì vậy, khi gặp đối tượng Phạm Thị Thu Phương, ông Quyết đã thỏa thuận và đồng ý để Phương “chạy” thủ tục cấp GCNQSDĐ đối với mảnh đất này với giá 500 triệu đồng (chưa kể tiền thuế) và cam kết trong 7.000m2 đất này sẽ có 500m2 đất ở…
Đối tượng Phạm Thị Thu Phương và
Đối tượng Phạm Thị Thu Phương và "sổ đỏ" giả dùng để lừa đảo.
Sau khi nhận một ít tiền để lo thủ tục, khoảng 2 tháng sau, đối tượng Phương gửi cho ông Quyết văn bản thông báo thuế của Cục Thuế tỉnh với số tiền cần phải đưa thêm cho Phương là hơn 900 triệu đồng, để Phương đứng ra nộp thuế giúp ông Quyết.
 
Đặt niềm tin vào đối tượng, ông Quyết đã chuyển cho Phạm Thị Thu Phương nhiều lần, tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, Phương tiếp tục yêu cầu ông Quyết phải chuyển đủ thêm 1 tỷ đồng nữa, mới bàn giao GCNQSDĐ.
 
Vào cuộc xác minh, lực lượng Công an TP. Đồng Hới đã tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy lời khai đối với Phạm Thị Thu Phương. Tại cơ quan điều tra, Phương khai nhận: GCNQSDĐ mang tên ông Đặng Văn Quyết là do Phương làm giả, đặt trên mạng xã hội để đưa cho ông Quyết nhằm mục đích tạo lòng tin nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 1,19 tỷ đồng của ông.
 
Không chỉ đối với ông Quyết, đối tượng Phạm Thị Thu Phương đã liên kết với nhiều đối tượng khác để làm giả nhiều GCNQSDĐ, các văn bản thông báo thuế, con dấu của Cục Thuế và Sở Tài Nguyên-Môi trường nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
 
Sau khi xét thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm, Công an thành phố đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thu Phương và đồng bọn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức và chuyển giao vụ án lên Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
 
Quá trình nghiên cứu tài liệu hồ sơ và điều tra mở rộng vụ án, lực lượng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh đánh giá, việc các đối tượng làm giả GCNQSDĐ để thực hiện thành công việc giao dịch, mua bán đất đai, một phần nguyên nhân là do sự nhẹ dạ, cả tin của nạn nhân trong bối cảnh cơn “sốt đất” ngày một nóng lên. Vì vậy, vô tình đã tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
 
Cũng giống như ông Quyết, vào đầu tháng 5/2022, Công an xã Hưng Trạch (Bố Trạch) cũng đã nhận đơn trình báo của người dân ở thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) về việc đối tượng Nguyễn Văn Tuấn (SN 1994), trú tại địa bàn đã có hành vi dùng GCNQSDĐ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
Đối tượng Nguyễn Văn Tuấn tại cơ quan điều tra.
Đối tượng Nguyễn Văn Tuấn tại cơ quan điều tra.
Khi có trong tay "sổ đỏ" giả, đối tượng Tuấn đã thống nhất việc mua bán với các nạn nhân là anh Nguyễn Văn Hợp và anh Nguyễn Đăng Hải; nhận “cọc” của hai anh số tiền 150 triệu đồng và giao "sổ đỏ" giả để làm tin. Tuy nhiên, sau một thời gian, nạn nhân nghi ngờ là "sổ đỏ" giả nên đã báo cơ quan chức năng. Sau khi tiếp nhận tin báo, lực lượng Công an xã Hưng Trạch đã kịp thời báo cáo sự việc và chuyển toàn bộ tài liệu, hồ sơ lên Công an huyện Bố Trạch để xử lý theo thẩm quyền.
 
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Văn Tuấn khai nhận: Tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, có người nhận làm "sổ đỏ" giả với giá 5 triệu đồng mỗi thẻ và yêu cầu gửi hình ảnh tất cả giấy tờ tùy thân như căn cước và hình ảnh "sổ đỏ" thật để làm giả…
 
Sau khi có thông tin thửa đất, cũng qua mạng xã hội facebook, Tuấn đặt làm "sổ đỏ" giả với giá 5 triệu đồng, mang tên vợ chồng Nguyễn Văn Tuấn. Khi có"sổ đỏ" giả này, Tuấn đã dùng để giao dịch và cầm cố cho hai anh Nguyễn Văn Hợp và Nguyễn Đăng Hải “làm cọc” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 150 triệu đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Bố Trạch đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam 3 tháng đối với đối tượng Nguyễn Văn Tuấn về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để phục vụ công tác điều tra, mở rộng vụ án.
 
Theo đại úy Thái Khắc Tuấn, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, Công an huyện Bố Trạch, điều đáng nói trong vụ án này chính là đối tượng đã lấy thông tin thửa đất 1134, tờ bản đồ số 11, số CN 475993 có địa chỉ tại thôn Khương Hà 2, xã Hưng Trạch (Bố Trạch) được cấp cho một người dân có địa chỉ tại xã Hòa Trạch (Bố Trạch) từ năm 2018 và hiện tại, GCNQSDĐ này chưa được chuyển nhượng, mua bán, cho tặng hoặc thừa kế, thế chấp cho cá nhân, tổ chức nào. Vì thế sau khi đã nắm thông tin về thửa đất, chủ sở hữu của thửa đất, đối tượng đặt làm GCNQSDĐ giả, thay đổi chủ sở hữu, sau đó tiến hành một số hoạt động giao dịch, thậm chí qua mặt được các đơn vị công chứng…
 
Theo số liệu thống kê, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ, liên quan đến 5 đối tượng với gần 10 nạn nhân liên quan đến việc giao dịch, mua bán, môi giới đất đai sử dụng GCNQSDĐ giả. Do đó, việc nhiều người dân khi mua bán đất đai mà không kiểm chứng đầy đủ thông tin sẽ dễ bị các đối tượng lợi dụng để phạm tội.
 
Hệ lụy của loại tội phạm này đó chính là nhiều nạn nhân đã lâm vào cảnh đường cùng, nợ nần chồng chất. Tuy nhiên, công tác khắc phục hậu quả, hoàn trả lại số tiền bị lừa đảo cho các nạn nhân là rất nan giải. Theo các điều tra viên dày dặn kinh nghiệm của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh, khi nhận tiền của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ nhanh chóng sử dụng, hoặc tẩu tán với nhiều mục đích khác nhau, gây khó khăn trong việc thu hồi.
 
Vì thế, để tránh tình trạng trở thành nạn nhân của các đối tượng, người dân cần phải tỉnh táo khi thực hiện việc trao đổi, mua bán, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, để không bị “tiền mất, tật mang”…
 
Ngô Quang Văn

tin liên quan

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ân giảm án tử hình cho 10 bị án

Ngày 30/8, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 10 bị án, trong đó có 2 bị án là người nước ngoài.

Phát hiện hàng ngàn sản phẩm thực phẩm nhập lậu phục vụ Tết Trung thu

(QBĐT) - Ngày 30/8, thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Bình cho biết, Đội QLTT số 7 vừa kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Gia Huy, ở TDP 5, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới và phát hiện hàng ngàn sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu có dấu hiệu nhập lậu.

Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng đánh tráo hàng mua qua mạng

(QBĐT) - Ngày 29/8/2022, Công an huyện Quảng Ninh đã tiến hành tạm giữ hình sự đối với Lê Tài Tuấn (SN 1998, trú tại TDP 3, phường Hải Thành, TP. Đồng Hới) để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.