Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng:

Thách thức và hành động

  • 17:32 | Chủ Nhật, 18/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần được thực hiện một cách khẩn trương, đồng bộ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang có sự phát triển mạnh mẽ.
 
Internet mang lại nhiều tiện ích và cơ hội cho trẻ em trong học tập, nâng cao kiến thức, thông tin, tạo môi trường giao tiếp, tương tác với người thân, bạn bè. Bên cạnh đó, môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm hại đến sức khỏe, tâm lý, nhận thức… cho trẻ em, đặt ra nhiều thách thức đối với gia đình, nhà trường và xã hội.
 
Vừa là nạn nhân, vừa là người vi phạm
 
Trên môi trường internet, mạng xã hội tiềm ẩn nhiều vấn đề, đặc biệt là những mặt trái mà không ít người dùng nhận ra và lường hết tính chất, hậu quả tác hại, đặc biệt là đối với trẻ em. Một đặc điểm tâm lý rất dễ nhận thấy là các em có tâm lý tò mò, muốn tìm tòi, khám phá những điều mới lạ, đôi lúc muốn thể hiện bản thân. Tuy nhiên, do trong độ tuổi phát triển, đang ở giai đoạn hoàn thiện về tâm sinh lý, nhận thức và kiến thức về xã hội còn hạn chế, nên các em rất dễ sa vào các cạm bẫy, những lời rủ rê, dụ dỗ của đối tượng xấu, hành động một cách bột phát, thiếu suy nghĩ.
 
Do đó, trong một số vụ việc, chính các em vừa là nạn nhân nhưng đồng thời lại là đối tượng vi phạm và đối tượng bị lợi dụng. Khi vụ việc xảy ra, sẽ gây tác động xấu đến việc hình thành, phát triển và hoàn thiện tâm lý, nhân cách, sức khỏe của trẻ em, nguy hiểm hơn cả là tạo cho các em có cái nhìn méo mó, lệch lạc về chế độ, xã hội. Đây là điều cảnh báo, nhắc nhở các bậc phụ huynh, cộng đồng và toàn xã hội.
 
Khoảng đầu tháng 5/2021, anh Đặng Văn S. trú tại xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) có đơn trình báo gửi đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đề nghị có biện pháp giúp đỡ cho con gái là cháu Đ.H.V. (SN 2008) bị đối tượng xấu sử dụng ứng dụng Messenger Facebook nhắn tin rủ rê làm việc xấu. Ban đầu, chúng dụ dỗ, mỗi lần cởi 1 cúc áo chụp ảnh gửi qua ứng dụng thì đối tượng sẽ nộp tiền cho thẻ cào để gọi điện thoại. Nếu cởi cúc áo nhiều hơn thì thẻ cào sẽ có mệnh giá lớn hơn.
 
Chỉ một thời gian ngắn, đối tượng dùng chính hình ảnh của cháu để “tống tiền” ngược lại. Chúng đe dọa nếu không nạp tiền qua thẻ cào để chuyển cho chúng thì sẽ đăng ảnh nhạy cảm của cháu V. lên mạng xã hội. Do hoang mang, lo sợ bị đe dọa, ảnh hưởng đến bản thân, cháu V. đã làm theo yêu cầu của chúng. Đến khi không có tiền cháu mới lo sợ, thú thật cho cha mẹ biết. Chỉ vì tin theo lời dụ dỗ của đối tượng cháu bị sập bẫy lúc nào không hay.
Trinh sát Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh làm việc với học sinh vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Trinh sát Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh làm việc với học sinh vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Một trường hợp khác, khi các trinh sát Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh đến làm việc tại nhà riêng, ông H.N.L. (SN 1979, trú tại tổ dân phố Làng Văn, thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh) vẫn chưa hết bất ngờ vì sao con trai là cháu H.A.K. (SN 2007) lại dám làm việc "tày trời". Cháu K. khai nhận, do bản tình tò mò, muốn khám phá, K. đã lên mạng tải phần mềm chỉnh sửa ảnh và ảnh chụp công văn của UBND tỉnh từ năm 2020 về việc thông báo cho học sinh kéo dài thời gian nghỉ học do dịch Covid-19 về điện thoại thông minh.
 
Tiếp đến, K. đã dùng phần mềm chỉnh sửa năm 2020 thành 2021 rồi đăng ở bản tin (story) trên trang facebook cá nhân. Nhiều người đã phát hiện, chụp lại bản sửa công văn và lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang, bàn luận trong đội ngũ giáo viên, phụ huynh và học sinh. Sau khi phát hiện, đơn vị chức năng đã khẩn trương vào cuộc, qua điều tra phát hiện K. chính là thủ phạm. Tuy nhiên, do K. chưa đủ tuổi vị thành niên nên cơ quan Công an chỉ nhắc nhở, cảnh cáo, yêu cầu ký cam kết không tái phạm; đồng thời đề nghị nhà trường phối hợp với gia đình có biện pháp theo dõi, quản lý, giáo dục, không để tái phạm.
 
Bên cạnh đó, thời gian qua, tình trạng trẻ em bị lợi dụng lôi kéo, sử dụng vào các hoạt động chống phá chính quyền, gây phức tạp về an ninh trật tự trên không gian mạng xảy ra tương đối nhiều. Điển hình là lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển các tỉnh miền Trung, việc cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam một số đối tượng trong Hội anh em dân chủ, lợi dụng việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, việc triển khai dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan…, một số chức sắc cực đoan trong Công giáo lôi kéo trẻ em tham gia các hoạt động, như: Cầm băng rôn, biểu ngữ phản đối, tham gia tụ tập đông người, hiệp thông cầu nguyện cho các đối tượng bị bắt giữ, phản đối việc triển khai dự án…; qua đó, tiến hành livestream phát trực tiếp trên mạng xã hội, gây mất an toàn thông tin trên không gian mạng.
 
Đáng chú ý, một số nhóm học sinh có mâu thuẫn phát sinh trong quá trình học tập, sinh hoạt, quan hệ bạn bè dẫn tới gây gổ, đánh nhau. Thay vì tìm cách can ngăn hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ, can thiệp từ người lớn, các em lại sử dụng điện thoại thông minh quay các video clip rồi đăng lên mạng xã hội, gây phản ứng, bức xúc trong cộng đồng mạng, làm dấy lên sự lo ngại về tình trạng xuống cấp, băng hoại đạo đức trong giới trẻ.
 
Đây là hành vi vi phạm Luật An ninh mạng, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và phải bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Tuy nhiên, do các em chưa đủ tuổi vị thành niên nên chỉ bị kiểm điểm, nhắc nhở không tái phạm.
 
Cần có “vắc-xin” cho công dân số tương lai
 
Nhằm góp phần bảo đảm an toàn cho trẻ em trên không gian mạng, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã đưa ra một số khuyến nghị, như: Cha mẹ cần được trang bị kiến thức về công nghệ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tạo lập thói quen trực tuyến và an toàn; dành thời gian với trẻ trên không gian mạng; việc giao tiếp cởi mở với con sẽ giúp trẻ an toàn.
 
Hiện nay, tại Việt Nam, pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cơ bản đã được hoàn thiện, đó là Điều 54, Luật Trẻ em quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Điều 29, Luật An ninh mạng quy định quyền của trẻ em, trách nhiệm của chủ quản các hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, internet, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cha mẹ trên không gian mạng.
 
Đặc biệt, ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ngày 17/5/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 812/KH-UBND về thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh. Đây chính là cơ sở và căn cứ pháp lý cho các cơ quan, ban, ngành chức năng triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đặt ra.
 
Giải pháp hiệu quả nhất là cần trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, kỹ năng tự bảo vệ, xử lý và sự giúp đỡ khi gặp các tình huống phát sinh trong quá trình tương tác trên không gian mạng. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng, nhà trường, cha mẹ cần phải trang bị cho trẻ những kiến thức cơ bản khi tham gia môi trường mạng.
 
Để trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Trong đó, cần xác định tạo môi trường mạng an toàn, lành mạnh chính là bảo vệ thế hệ công dân số tương lai, giúp cho các em có được những điều kiện tốt nhất để học tập, trưởng thành và phát triển về mọi mặt.
                Kỳ Sơn

tin liên quan

Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng

Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định ông Phạm Xuân Thăng và ông Phạm Mạnh Cường có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo làm trái các quy định trong đấu thầu để Việt Á thu lợi bất chính.
 

Khởi tố, bắt giam chủ cơ sở karaoke bị cháy ở Bình Dương

Ngày 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra đối với ông Lê Anh Xuân (sinh năm 1980, thường trú tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), là chủ cơ sở karaoke An Phú tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, nơi xảy ra vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 32 người tử vong.
 

Bắt đối tượng tàng trữ 32 viên ma tuý và 8 gói ma tuý ketamin

(QBĐT) - Khoảng 22h30' ngày 15/9/2022, Đội Cảnh sát ĐTTP về kinh tế, ma túy, Công an huyện Lệ Thủy cùng phối hợp Công an xã Cam Thủy tuần tra, kiểm soát trên địa bàn xã Cam Thủy, phát hiện đối tượng Lê Thế Đức (SN 1998, trú tại thôn Xuân Hồi, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) có biểu hiện nghi vấn.