Ghi nhận từ hiện trường vụ phá rừng phòng hộ tại xã Trường Sơn

  • 14:59 | Thứ Ba, 05/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tại hiện trường vụ phá rừng phòng hộ (RPH) ở thượng nguồn suối Chà Rào, thuộc tiểu khu 554, xã Trường Sơn (Quảng Ninh), có 5 cây gỗ có đường kính từ 37cm-80cm bị cắt hạ. Điều bất ngờ là các cây gỗ này đều bị khô mục, rỗng ruột và lượng gỗ lấy đi không nhiều.
Tổ công tác liên ngành đang đo, đếm cây bị chặt phá
Tổ công tác liên ngành kiểm tra hiện trường
Sau khi nhận được thông tin RPH huyện Quảng Ninh bị phá, phóng viên Báo Quảng Bình đã theo tổ công tác liên ngành của UBND huyện Quảng Ninh vào kiểm tra tại hiện trường. Thành phần tổ liên ngành gồm: Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh, Ban Quản lý RPH Quảng Ninh, đại diện UBND xã Trường Sơn, Công an xã Trường Sơn, Đồn Biên phòng Làng Mô…
Các cây gỗ do lâm tặc đốn hạ tại tiểu khu 554 có đường kính gốc từ 37cm-80cm
Cây gỗ do lâm tặc đốn hạ tại tiểu khu 554 
Tại tiểu khu 554, cây gỗ đầu tiên bị cưa hạ có đường kính khoảng 70cm. Cây này bị lâm tặc cắt làm 3 khúc. Khúc đầu tiên dài 1,3m, ruột bị rỗng nên lâm tặc không xẻ ra. Khúc thứ 2 dài 3,3m, khúc thứ 3 dài 3,5m được lâm tặc xẻ ra thành nhiều mảnh và lấy đi phần gỗ xung quanh, còn phần ruột bị mục, rỗng, có đường kính khoảng 30cm vẫn còn tại hiện trường. Cây gỗ thứ 2 có đường kính khoảng 50cm cũng đã được cắt thành nhiều đoạn và xẻ ra nhiều mảnh. Số lượng gỗ 2 cây này bị lâm tặc lấy đi khoảng 0,69m3. 
Gỗ mục rỗng ruột do lâm tặc để lại tại hiện trường
Gỗ mục rỗng ruột do lâm tặc để lại tại hiện trường
Ông Hoàng Xuân Tình, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trường Sơn cho biết: “Những cây gỗ bị lâm tặc cắt hạ tại khoảnh 6, tiểu khu 554, RPH Quảng Ninh chưa xác định được tên khoa học nên gọi là cây SP. Còn người dân địa phương gọi là cây Măng ri. Loại cây này phát triển khá nhanh trong rừng, những cây lớn thường bị rỗng ruột hoặc chết đứng. Gỗ Măng ri có giá trị kinh tế không cao nên rất ít người buôn bán mà chủ yếu do người dân bản địa dùng để chắn, lót sàn nhà hoặc làm các công trình phụ”. 
Một khúc gỗ bị rỗng ruột nên lâm tặc chưa xẻ ra
Một khúc gỗ bị rỗng ruột nên lâm tặc bỏ lại
Cách đó không xa, trong vòng bán kính khoảng 100m, 3 cây Măng ri khác có đường kính từ 37cm-80cm cũng bị cắt hạ khoảng 4 tháng trước. Trước khi bị cắt, những cây gỗ này đều đã chết đứng, rỗng ruột, mục khô từ 70%-80%. Mỗi cây, lâm tặc cắt từ 2-3 khúc và chưa xẻ ra. Có cây bị rỗng ruột khoảng 80% bị cắt hạ xuống vẫn còn nằm nguyên.
 
Sau khi đo đếm xong 5 cây gỗ bị lâm tặc cắt hạ, lực lượng liên ngành tiếp tục mở rộng phạm vi kiểm tra nhưng không phát hiện thêm cây gỗ nào bị cắt hạ tại khoảnh 6, tiểu khu 554 rừng phòng hộ Quảng Ninh. 
 
 
Ông Phạm Hồng Khánh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh, tổ trưởng tổ liên ngành cho biết: “Sau khi phát hiện vụ phá rừng tại tiểu khu 554, Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh cùng với Ban Quản lý RPH Quảng Ninh đã tiếp cận hiện trường và nắm bắt tình hình. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện thành lập tổ liên ngành để xác minh vụ việc; đề nghị xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Hạt cũng yêu cầu đơn vị chủ rừng tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường chốt chặn, lên phương án bảo vệ chặt chẽ hiện trường khu vực có rừng bị phá”.
Cây gỗ bị hạ xuống chưa được cắt thành khúc do rỗng ruột
Cây gỗ bị hạ xuống, chưa được cắt thành khúc do rỗng ruột
Ông Dương Công Đảm, Phó Giám đốc Ban quản lý RPH Quảng Ninh cho hay: “Sau khi xảy ra vụ phá rừng ở tiểu khu 554, chúng tôi đã tăng cường lực lượng lên chốt ở khu vực suối Chà Rào để nắm bắt tình hình, quản lý người ra vào khu vực này. Hiện đơn vị cũng đã lên phương án kiểm tra, kiểm soát rừng tại gốc; tăng cường lực lược tuần tra kiểm soát trong phạm vi rừng đơn vị quản lý, bảo vệ”.
 
Ban Quản lý RPH Quảng Ninh hiện có 47 cán bộ viên chức, quản lý trên 41.000ha đất rừng phòng hộ, trong đó có trên 39.600ha rừng tự nhiên. Theo ông Đảm, nguyên nhân xảy ra phá rừng là do lực lượng bảo vệ rừng mỏng trong khi diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn lớn, có trữ lượng gỗ nhiều. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lực lượng lao động trở về địa phương đông, họ không có việc làm ổn định nên một số đi phá rừng. Trước đó, Trạm bảo vệ rừng số 6 Cầu Cạc đã bắt giữ 1 máy cưa xăng, hơn 1m3 gỗ lậu của người dân trong vùng. Sau khi thu gỗ, lực lượng bảo vệ rừng của trạm đã nhiều lần bị người lạ đe dọa, xúc phạm, trong đó có những lời thách thức phá rừng…
 
Xuân Vương
Clip: XV-CH

tin liên quan

Bộ Công an bác bỏ tin cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tự tử

Lãnh đạo Cục C03 khẳng định: Thông tin ông Nguyễn Thanh Long và ông Nguyễn Quang Tuấn đã tử vong trong trại giam là hoàn toàn không chính xác, không có việc bị can tự tử.
 

Quảng Ninh: Tập trung xác minh vụ phá rừng phòng hộ tại xã Trường Sơn

(QBĐT) - Ngày 30/6, ông Nguyễn Thế Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh cho biết: Thời gian qua, tại rừng phòng hộ thuộc khu vực thượng nguồn suối Chà Rào, địa phận tiểu khu 554 xã Trường Sơn do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh quản lý có xảy ra vụ phá rừng. 

Vụ Việt Á: Sai phạm đến đâu - Xử lý đúng người, đúng tội đến đó

Chỉ trong vòng 6 tháng cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam trên 60 người là lãnh đạo, cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, CDC, bệnh viện ở hàng loạt địa phương.