Vi phạm an toàn đê điều, công trình thuỷ lợi-Bài 2: Nhiều bất cập trong xử lý vi phạm

  • 08:27 | Thứ Bảy, 07/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi không chỉ ảnh hưởng đến an toàn và hiệu quả công trình mà còn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai (PCTT). Bất cập, dây dưa, không giải quyết dứt điểm… là những tồn tại trong công tác xử lý vi phạm tại nhiều địa phương.
 
Vi phạm nhiều, xử lý ít
 
Trên địa bàn TX. Ba Đồn, tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ đê điều diễn ra tại nhiều địa phương, như: Quảng Lộc, Quảng Văn, Quảng Minh... Tại các tuyến đê: Hữu sông Gianh, La Hà-Văn Phú, Đông Thành-Cồn Nâm, tình trạng xây nhà trái phép, xây dựng kiên cố công trình phụ trợ bảo vệ nuôi trồng thuỷ sản… vẫn còn diễn ra.
 
Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND TX. Ba Đồn cho biết, tình trạng vi phạm lấn chiếm đê điều để xây dựng trái phép trên địa bàn thị xã đã xảy ra từ nhiều năm trước và đến nay vẫn còn diễn ra.
 
Trong quá trình các hộ dân tự ý cơi nới, lấn chiếm phạm vi hành lang bảo vệ đê điều, Phòng Kinh tế đã tham mưu UBND thị xã chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp cưỡng chế, tháo dỡ, buộc trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, ở một số địa phương, công tác giải quyết vấn đề này còn nhiều hạn chế, bất cập. Điển hình như ở xã Quảng Minh, địa phương để cho hộ dân lấn chiếm xây dựng xong nhà rồi mới tiến hành lập biên bản nên quá trình cưỡng chế gặp nhiều khó khăn.
 
Một số địa phương, công tác tham mưu, xử lý và tiến hành các bước theo quy định pháp luật còn chậm. Các đối tượng vi phạm xây dựng xong, cán bộ xã, phường mới phát hiện dẫn đến một số gia đình có hành vi chống đối, gây khó dễ.
Nhiều hộ dân trồng cây trái phép trong lòng hồ chứa nước Vực Tròn (Quảng Trạch) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập trên địa bàn.
Công tác xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thuỷ lợi không chỉ gặp khó mà còn xảy ra tình trạng vi phạm nhiều, xử lý ít. Theo lý giải của các cơ quan chức năng thì hầu hết các vi phạm đều xảy ra từ nhiều năm trước, các hộ dân đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cấp phép hoạt động trái thẩm quyền trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi nên vấn đề xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
 
“Công ty trực tiếp quản lý các công trình thuỷ lợi nhưng không có chức năng xử phạt, nên khi phát hiện, chỉ lập biên bản hiện trường rồi gửi hồ sơ, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, do chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt vào cuộc, chưa kiên quyết xử lý, nên mới xảy ra tình trạng vi phạm nhiều, xử lý ít”, ông Nguyễn An Tư, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình cho hay.
 
Theo ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, nguyên nhân tồn tại trong việc xử lý vi phạm công trình thủy lợi là do trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi chưa cao, hình thức xử phạt vi phạm chưa được áp dụng một cách nghiêm túc. Việc xử phạt hành chính hoặc cưỡng chế, giải tỏa di dời thuộc thẩm quyền của địa phương nhưng chính quyền một số nơi chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, hầu hết các vụ việc xử lý vi phạm chỉ ở mức nhắc nhở, vận động người vi phạm tự khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu cho công trình.
 
Những vi phạm đến nay vẫn tồn đọng, chưa xử lý dứt điểm do những công trình xây dựng trước đây không được cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận công trình thuỷ lợi, gây khó khăn trong công tác quản lý, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm. Một số địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn lên phạm vi hành lang công trình hoặc cho phép sử dụng đất trước thời điểm quy định của Luật đất đai nên rất khó xử lý. Việc giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải có kinh phí đền bù, hỗ trợ di dời.
 
Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ đê điều ở nhiều địa phương chưa thực sự được quan tâm, chú trọng, còn buông lỏng, xem nhẹ. Việc xử lý vi phạm chưa kịp thời, triệt để, dây dưa kéo dài dẫn đến tình trạng vi phạm ngày càng phức tạp, gây mất an toàn, ổn định của hệ thống đê điều trong việc chống lũ, ngăn mặn cho khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp. Đa số các xã, phường có đê đến nay vẫn chưa thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân theo quy định tại Quyết định 1381/QĐ-UBND, ngày 16/6/2011 của UBND tỉnh nên việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi, việc làm vi phạm đến đê điều chưa kịp thời.
 
Cần có sự vào cuộc đồng bộ
 
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và bảo đảm an toàn công trình trong quá trình khai thác vận hành, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản giao các địa phương rà soát, đánh giá, thống kê toàn bộ các vi phạm đê điều, công trình thủy lợi để phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các cấp chính quyền; ưu tiên nguồn vốn để hoàn thiện cắm mốc hành lang đê điều, hồ chứa nước trên toàn tỉnh, tạo thuận lợi trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật.
 
Theo ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thuỷ lợi, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy lợi đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi tại địa phương. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực và đưa công tác thủy lợi đi vào nề nếp đúng pháp luật, khai thác và sử dụng công trình thủy lợi một cách hợp lý, hiệu quả.
 
Các địa phương cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn theo thẩm quyền. UBND cấp huyện cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về phạm vi bảo vệ đê điều và công trình thuỷ lợi. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không lấn chiếm hành lang đê điều, công trình thủy lợi.
 
Thông tin từ Chi cục Thuỷ lợi, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng 297 trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Năm 2021, các ngành, địa phương đã xử lý 4/301 trường hợp vi phạm. Hầu hết các trường hợp trên đều được chính quyền địa phương vận động, nhắc nhở người dân tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu của công trình và buộc đối tượng vi phạm không được tái phạm.
 
Lan Chi

tin liên quan

Bắt Nguyên Chủ tịch công ty AIC và Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty AIC và ông Phan Huy Anh Vũ, nguyên Giám đốc BV Đa khoa Đồng Nai vì Vi phạm quy định đấu thầu.
 

Xử phạt hành chính 5 tàu cá tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản

(QBĐT) - Ngày 29/4, thông tin từ Chi cục Thuỷ sản cho biết, lực lượng thanh tra của đơn vị đã phát hiện, lập biên bản và xử phạt hành chính 5 tàu cá tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Phát hiện gần 3.000 thiết bị chiếu sáng không rõ nguồn gốc

(QBĐT) - Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Bình cho biết, Đội QLTT số 7 vừa kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Khánh Huệ, đường Trần Hưng Đạo, phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới và phát hiện gần 3000 thiết bị chiếu sáng các loại có dấu hiệu vi phạm.