Sự cần thiết của việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008

  • 07:28 | Thứ Tư, 16/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) theo hướng được tách thành 2 luật mới, gồm: Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ; đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hội thảo, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Dưới đây là ý kiến của thượng tá, Th.s Trần Đức Dương, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh về vấn đề này.
 
Pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ có lịch sử hình thành, phát triển độc lập và có đối tượng, phương pháp điều chỉnh mang tính đặc thù.
 
Giao thông đường bộ là hoạt động mang tính phổ biến cao, khác với các lĩnh vực giao thông hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa vốn mang tính chuyên ngành. Trong đó, bảo đảm TTATGT đường bộ là một nội dung trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, thuộc chức năng của Bộ Công an. Lực lượng CAND chịu trách nhiệm chính về bảo đảm TTATGT đường bộ, tập trung vào công tác quản lý người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (gồm: Kiến thức, ý thức pháp luật, năng lực hành vi; kỹ năng điều khiển phương tiện đến quá trình chấp hành pháp luật, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông…).
 
Hoàn thiện pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ theo hướng tách thành luật chuyên ngành phù hợp với xu hướng lập pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay. Ban hành luật chuyên ngành điều chỉnh lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ, góp phần quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế.
 
Mặt khác, tình hình mất TTATGT đường bộ hiện nay đang diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng. Phương tiện giao thông tăng nhanh, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Đường bộ cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Các đại biểu tham dự hội thảo 3 Dự án luật do Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì xây dựng.
Các đại biểu tham dự hội thảo 3 Dự án luật do Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì xây dựng.
Hệ thống pháp luật giao thông đường bộ (GTĐB) đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với tình hình thực tiễn nước ta và kinh nghiệm, pháp luật quốc tế. Bên cạnh đó, hiệu quả của việc xây dựng các đạo luật chuyên sâu tương ứng với các lĩnh vực pháp luật chuyên biệt đã được kiểm nghiệm trong thực tế. Việc hoàn thiện pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ theo hướng xây dựng đạo luật độc lập với cấu trúc không quá phức tạp, thuật ngữ dễ hiểu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân…
 
Sự cần thiết của việc tách Luật GTĐB năm 2008 thành 2 đạo luật: Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ được củng cố, khẳng định rõ thêm qua các cơ sở chính trị, pháp lý và quan trọng hơn cả là cơ sở thực tiễn, sự đòi hỏi của thực tế khách quan hiện nay.
 
Cơ sở chính trị, pháp lý
 
Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng xác định: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”; xây dựng hệ thống pháp luật, thể chế pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn; bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tạo chuyển biến rõ nét về trật tự an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trong đó có hệ thống đường bộ; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng.
 
Ngày 24/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1586/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo đảm TTATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2060/QĐ-TTg, ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, đề ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về TTATGT, cơ chế, tổ chức bộ máy quản lý ATGT từ Trung ương đến địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
 
Có thể khẳng định, việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, là sự cụ thể hóa Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về TTATGT đường bộ trong tình hình mới…
 
Cơ sở thực tiễn
 
Trong những năm qua, tình hình TTATGT đường bộ tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, TNGT vẫn ở mức cao, hậu quả nghiêm trọng, nhất là số người chết. Theo thống kê, từ năm 2009-2021, toàn quốc đã xảy ra hơn 361 nghìn vụ TNGT đường bộ, làm chết hơn 113 nghìn người, bị thương hơn 356 nghìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, trong đó, chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội; đáng chú ý nguyên nhân gây TNGT do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ.
 
Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém, bất cập, giao thông hỗn hợp thiếu an toàn, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, an sinh xã hội. Mặc dù, lực lượng chức năng đã xử lý rất nhiều vi phạm về TTATGT đường bộ nhưng việc phát hiện và xử lý vi phạm vẫn chủ yếu là thủ công, hệ thống giám sát còn khá hạn chế.
 
Tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các đô thị lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến hết sức phức tạp. Các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Như vậy, an ninh con người trong lĩnh vực GTĐB chưa được bảo đảm.
 
Trong khi đó, một số chế định tuy đã được điều chỉnh trong Luật GTĐB năm 2008 nhưng vẫn còn nhiều quy định thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện, như: Quy tắc giao thông chủ yếu là nội luật hóa Công ước Viên năm 1968 về GTĐB nhưng việc cụ thể hóa các quy định của Công ước này trong Luật GTĐB năm 2008 chưa rõ, chưa đầy đủ và sát thực tiễn tình hình giao thông tại Việt Nam dẫn đến khó khăn trong nhận thức, thực thi pháp luật.
 
Không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm TTATGT đường bộ liên quan cần bổ sung. Việc quản lý người lái xe chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông. Trong nhiều vụ TNGT, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
 
Từ năm 2008 đến nay, phương tiện giao thông tăng nhanh, chủ yếu là các phương tiện cá nhân, trong khi Luật GTĐB năm 2008 chưa có các chính sách, biện pháp, quy định cụ thể về phát triển phương tiện để bảo đảm đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng (cả đường sá và điểm đỗ xe), điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam. Quy định về nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông và bảo vệ môi trường chưa đáp ứng tình hình mới, xu thế chuyển dịch phương tiện giao thông thông minh, động cơ điện. Chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về quản lý, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ, trung tâm chỉ huy, điều khiển giao thông và chưa xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác này, dẫn đến đầu tư ứng dụng công nghệ thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
 
Ngoài ra, Luật GTĐB năm 2008 còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế về kết cấu hạ tầng giao thông; về vận tải; về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước…
 
Xu thế lập pháp và kinh nghiệm quốc tế
 
Hiện nay, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam theo hướng chuyên sâu, điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể để bảo đảm sự phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
 
Qua nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia, cho thấy không có quốc gia nào ban hành luật GTĐB bao gồm cả 3 lĩnh vực: ATGT, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ. Các quốc gia xây dựng luật riêng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhiều quốc gia xây dựng luật riêng về đường bộ cao tốc; về vận tải đường bộ gắn với dịch vụ logistic. Công ước Viên 1968 mà Việt Nam tham gia cũng chỉ điều chỉnh về ATGT.
 
Có thể thấy, sau hơn 13 năm thực hiện, Luật GTĐB năm 2008 đã hoàn thành “vai trò và sứ mệnh lịch sử” của mình. Nếu tiếp tục kết cấu trong một luật như hiện nay thì không thể quy định được đầy đủ, rõ ràng và khó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, chế định của từng lĩnh vực hoặc nội dung quá lớn.
 
Thực tiễn đòi hỏi phải xây dựng các luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực cụ thể, trong đó xây dựng Luật TTATGT đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, mang tính ổn định lâu dài, khắc phục được những tồn tại, yếu kém hiện nay, hướng tới tiếp cận văn hóa giao thông của các nước phát triển trên thế giới, đề cao bảo vệ tính mạng cho con người; xây dựng Luật Đường bộ để phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.
 
Như vậy, việc xây dựng và ban hành Luật TTATGT đường bộ là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển với đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn, là sự thể chế hóa quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa quyền con người quy định trong Hiến pháp; phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam theo hướng chuyên sâu điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, góp phần thúc đẩy, nâng tầm cả 2 lĩnh vực là TTATGT và phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực được phân công; phù hợp với kinh nghiệm lập pháp quốc tế…
 
T. Đ. D

tin liên quan

Bắt giữ đối tượng sử dụng hình ảnh nhạy cảm nhằm cưỡng đoạt tài sản

(QBĐT) - Thượng tá Trương Quốc Cường, Trưởng Công an huyện Bố Trạch cho biết, Công an huyện vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với đối tượng Trương Văn Sáu (SN 1980, trú tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) để điều tra, làm rõ về tội "cưỡng đoạt tài sản".

[Infographics] Đề nghị truy tố cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra bổ sung lần 2, đề nghị truy tố cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị can khác liên quan những sai phạm về chuyển nhượng đất.
 

Phát hiện, xử lý 359 vụ vi phạm sử dụng điện

(QBĐT) - Tin từ Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, công ty đã thực hiện 8.887 lượt kiểm tra ngày đêm, phát hiện và xử lý 359 vụ vi phạm sử dụng điện (VPSDĐ), truy thu 2.717 kWh tương với số tiền hơn 9,9 triệu đồng.