Tăng cường xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp

  • 06:39 | Thứ Sáu, 14/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra các vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, như: Phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng..., ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng. Để giải quyết vấn đề này, các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng chức năng đã nỗ lực tập trung triển khai nhiều biện pháp xử lý.
 
Năm 2021, công tác bảo vệ và phát triển rừng được triển khai đồng bộ nên rừng cơ bản được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số địa phương vẫn còn xảy ra các vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.
 
Riêng năm 2021, Chi cục Kiểm lâm cùng các lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện, lập biên bản, xử lý 382 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, tịch thu gần 272m3 gỗ các loại; bắt giữ và xử lý 42 cá thể động vật rừng, thu giữ 10 xe mô tô, 41 máy cưa xăng xách tay, 7 xe bò lốp và một số phương tiện, dụng cụ khác. Tổng thu ngân sách từ xử lý các vụ vi phạm trên 5 tỷ đồng.
 
Lực lượng Kiểm lâm cũng đã tiếp nhận và thụ lý 13 vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm, trong đó 2 vụ chống người thi hành công vụ đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
 
Ông Trần Mạnh Luật, Trưởng phòng Thanh tra-Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Để ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động nắm tình hình, tập trung hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng rừng của các chủ rừng; kịp thời phối hợp với các địa phương, đơn vị phát hiện, xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nhờ đó, các vụ vi phạm đã giảm so với năm 2020, tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và phá rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt”.
Lực lượng Kiểm lâm tuần tra, kiểm soát rừng (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát).
Lực lượng Kiểm lâm tuần tra, kiểm soát rừng (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát).
Huyện Lệ Thủy có diện tích tự nhiên 140.180ha, trong đó rừng và đất lâm nghiệp là 109.014ha, chiếm 77,76% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích rừng lớn, trữ lượng gỗ nhiều, lực lượng bảo vệ mỏng nên trên địa bàn vẫn xảy ra các vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.
 
Năm 2021, Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy bắt giữ, tiếp nhận và xử lý 43 vụ vi phạm, trong đó vi phạm hành chính 23 vụ, vi phạm không xác định được người vi phạm 20 vụ. Tịch thu sung quỹ nhà nước trên 33m3 gỗ các loại, 1 máy cưa xăng; 2 xe gắn máy. Tổng thu ngân sách từ xử lý các vụ vi phạm gần 415 triệu đồng.
 
Ông Phạm Văn Bút, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy chia sẻ: “Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tăng cường công tác bảo vệ rừng. Đồng thời, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng; hướng dẫn các đơn vị chủ rừng tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng nên sớm phát hiện các hành vi khai thác lâm sản, phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật để tổ chức ngăn chặn, xử lý theo quy định”.
 
Năm 2021, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng (KLCĐ-PCCCR) số 1 (Chi cục Kiểm lâm) đã lập biên bản và xử lý 23 vụ vi phạm hành chính về lĩnh vực lâm nghiệp, tịch thu lâm sản không xác định được người vi phạm 17 vụ. Tổng số lâm sản tịch thu được trên 27m3 gỗ các loại, trong đó có trên 8,6m3 gỗ quý hiếm. Tổng thu theo hóa đơn quyết định trên 583 triệu đồng, trong đó tiền phạt vi phạm hành chính 167 triệu đồng, tiền từ bán lâm sản xử lý tịch thu trên 416 triệu đồng...
 
Ông Nguyễn Thành Tuyên, Đội trưởng Đội KLCĐ-PCCCR số 1 cho hay: “Nhằm phát hiện, xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, đơn vị đã tăng cường lực lượng về bám sát cơ sở để nắm bắt thông tin, phối hợp với các hạt Kiểm lâm kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái pháp luật tại các khu vực rừng có nguy cơ xâm hại cao, như: Khu vực Bồng Lai, Ngọn Rào, vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Bố Trạch); các xã: Trường Sơn, Trường Xuân, Xuân Ninh, Hiền Ninh (Quảng Ninh); các xã: Lâm Thủy, Ngân Thủy, Kim Thủy (Lệ Thủy)... Đơn vị sẽ tăng cường tuần tra, kiểm tra, truy quét lâm tặc trước, trong và sau Tết Nguyên đán; đồng thời, phối hợp với các đơn vị chủ rừng, cơ quan chức năng trên địa bàn mở các đợt kiểm tra rừng tại các khu vực rừng giàu tài nguyên, có nguy cơ xâm hại cao...”.
 
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nhận định: Thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các đối tượng lao động từ vùng dịch trở về quê đang nhàn rỗi nên có thể vào rừng khai thác, săn bắt động vật rừng trái pháp luật. Vì vậy, lực lượng Kiểm lâm Quảng Bình đang tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo, đôn đốc công tác kiểm tra rừng tại gốc của các chủ rừng, cộng đồng dân cư. Đồng thời, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản, kiểm tra rừng và truy quét lâm tặc tại khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại để kịp thời phát hiện sớm, bắt giữ và xử lý nghiêm hành vi vi phạm...
 
Trên địa bàn tỉnh có gần 14.600ha rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật. Hiện các cơ quan chức năng đã lập 1.868 hồ sơ với diện tích 3.097ha, trong đó, có 477 vụ đã xử lý (khởi tố hình sự 11 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 466 vụ) với diện tích đã xử lý là 854ha. Để giải quyết vấn đề này, ngành Kiểm lâm cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập trung xử lý theo quy định.
Xuân Vương

tin liên quan

Bắt các đối tượng cho vay lãi nặng

(QBĐT) - Phòng Cảnh sát hình sự vừa phối hợp với các phòng nghiệp vụ và Công an thị xã Ba Đồn, Công an tỉnh Quảng Bình phá hai chuyên án đấu tranh với các đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trên địa bàn TP. Đồng Hới và các địa bàn phía Bắc Quảng Bình. 
 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Tư pháp

(QBĐT) - Sở Tư pháp luôn quan tâm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Qua đó, đáp ứng tốt yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các TTHC thuộc lĩnh vực Tư pháp.

Tăng cường công tác xây dựng thể chế pháp luật

(QBĐT) - Thời gian qua, Quảng Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng thể chế pháp luật trên địa bàn. Nhờ đó, góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...