Chuyện quản lý: "Nóng" như đất san lấp!

  • 07:31 | Thứ Năm, 08/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với sự phát triển của kinh tế- xã hội, lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản luôn luôn “nóng” hơn bao giờ hết, bởi nguồn cung cấp khó đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Do vậy, nhiều trường hợp sau khi được cấp phép, thường khai thác khoáng sản “lố” hơn diện tích, khu vực, giới hạn được cho phép để thu lợi bất chính.
 
Để đạt được mục đích này, các chủ mỏ thường tìm cách “lách luật” dẫn đến các hành vi vi phạm, mà sự việc vừa xảy ra ở xã Phúc Trạch (Bố Trạch) là ví dụ điển hình. Bằng cách lợi dụng việc cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp kết hợp tận thu đất san lấp, vị giám đốc doanh nghiệp đã cho phép đơn vị khai thác vượt mức khối lượng trên 30.000m, thu lợi hơn 1 tỷ đồng.
 
Hành vi vi phạm về khai thác tài nguyên của vị giám đốc đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi”; đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ nhằm xử lý các trường hợp liên quan theo quy định của pháp luật. Vụ việc này bị bóc gỡ minh chứng cho thực tế một số chủ mỏ đất đang cố tình che giấu sai phạm nhằm thu lợi từ tài nguyên và “né” nghĩa vụ nộp thuế theo quy định.
 
Chính vì nhu cầu về đất san lấp ngày càng “nóng” nên địa phương giáp ranh với TP. Đồng Hới như thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) cũng có đến 4 điểm cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp và chính quyền đang thực hiện các thủ tục cấp phép cho điểm thứ 5. Thông thường các điểm khai thác này đều có các điều khoản rất rõ ràng về mục tiêu đầu tư, địa điểm, diện tích, trữ lượng, độ sâu khai thác và thời hạn cải tạo, tận thu…
Một điểm cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp kết hợp tận thu đất tại thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch).
Một điểm cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp kết hợp tận thu đất tại thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch).
Thế nhưng nếu không siết chặt quản lý thì sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy, đó là: tài nguyên cạn kiệt, ngân sách nhà nước không thu được các khoản thuế, phí từ người trục lợi.
 
Tỉnh ta đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, nhu cầu về khối lượng đất san lấp lên đến hàng triệu m3. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 5 giấy phép khai thác đất san lấp tại 4/48 điểm với diện tích 33,6ha/302ha, trữ lượng khoảng 2 triệu m3/16 triệu m3.
 
Với tốc độ phát triển như hiện nay, nguy cơ thiếu nguồn đất san lấp đang dần hiện hữu, do đó, tỉnh đã quy hoạch thêm 25 điểm mỏ nâng tổng số lên 73 điểm với diện tích gần 850ha, trữ lượng trên 50 triệu m3. Hầu hết điểm mỏ mới đều là đất của các nông lâm trường, có nơi diện tích khai thác lên đến 50ha-60ha.
 
Nhìn chung, việc quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có các mỏ đất san lấp và một số điểm cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp kết hợp tận thu đất đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
 
Tuy nhiên, cùng với việc cấp phép cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát kèm theo các chế tài xử lý vi phạm nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn.
 
T.M.Văn