Bám chốt chặn đường vận chuyển lâm sản trái phép

  • 07:30 | Thứ Sáu, 09/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước năm 2016, trên địa bàn xã Hóa Sơn (Minh Hóa) xảy ra hàng chục vụ phá rừng mỗi năm. Để ngăn chặn điểm nóng phá rừng này, UBND tỉnh đã quyết định thành lập chốt liên ngành trên con đường độc đạo vào xã, bố trí lực lượng ngày đêm bám chốt nhằm cắt đứt con đường vận chuyển lâm sản trái phép của lâm tặc.
 
“Điểm nóng” phá rừng
 
Xã Hóa Sơn (Minh Hóa) có trên 17.300ha đất rừng. Trong đó, các chủ rừng gồm: Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 8.000ha, Chi nhánh lâm trường Minh Hóa (nay là Đội sản xuất huyện Minh Hóa) gần 4.800ha, Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa 15ha. Phần diện tích còn lại do UBND xã Hóa Sơn và người dân quản lý.
 
Diện tích rừng lớn, tỷ lệ rừng giàu nhiều, lực lượng quản lý mỏng nên rừng Hóa Sơn đã trở thành “miếng mồi” ngon cho lâm tặc. Trước năm 2016, mỗi năm trên địa bàn xã có hàng chục vụ phá rừng trái phép, biến nơi đây thành “điểm nóng” phá rừng trên địa bàn huyện Minh Hóa.
Lực lượng liên ngành tuần tra, kiểm soát rừng.
Lực lượng liên ngành tuần tra, kiểm soát rừng.
Riêng năm 2016, toàn xã Hóa Sơn đã phát hiện 15 vụ phá rừng, thậm chí có những vụ tang vật lên tới hàng chục khối gỗ lậu.
 
Nổi bật có vụ phá rừng tại tiểu khu 142 thuộc lâm phận Đội sản xuất huyện Minh Hóa quản lý. Trong vụ phá rừng này, lâm tặc đã huy động nhiều đối tượng cùng máy móc, khai thác cả một vùng rừng rộng lớn.
 
Sau khi phát hiện, các lực lượng chức năng đã thu về 46,26m3. Liên quan đến vụ việc này nhiều cán bộ, nhân viên trong lực lượng bảo vệ rừng đã bị xử lý, kỷ luật.
 
Chặn đường vận chuyển gỗ lậu
 
Để bảo vệ rừng, cuối năm 2016, UBND tỉnh đã có quyết định đặt sào chắn (barie) để kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên tuyến đường liên xã Hóa Sơn với đường Hồ Chí Minh. Sau đó, Chi cục Kiểm lâm đã có quyết định về việc ban hành quy định hoạt động của tổ công tác liên ngành chốt chặn để kiểm tra, kiểm soát lâm sản tại barie bản Hóa Lương nhằm chặn đường vận chuyển gỗ lậu.
 
Thành phần của chốt gồm các lực lượng: Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2, Đội sản xuất huyện Minh Hóa, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Đồn Biên phòng Cà Xèng, Công an huyện và UBND xã Hóa Sơn.
 
Ông Hoàng Thanh Tâm, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hóa Sơn (thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa), chốt trưởng cho biết: “Từ khi thành lập, các lực lượng của chốt đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan thường xuyên kiểm tra, kiểm soát không chỉ ở địa bàn Hóa Sơn mà còn mở rộng ra các tuyến đường mòn 2 bên cánh gà, khu vực xã giáp ranh để tạo nên một vành đai bảo vệ rừng ổn định cho cả khu vực. Đồng thời, tích cực tuyên truyền bà con không phá rừng, tố giác các đối tượng phá rừng và buôn bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép”.
Lực lượng liên ngành tại chốt kiểm tra, kiểm soát lâm sản tại bản Hóa Lương, xã Hóa Sơn đang kiểm tra phương tiện ra vào xã.
Lực lượng liên ngành tại chốt kiểm tra, kiểm soát lâm sản tại bản Hóa Lương, xã Hóa Sơn đang kiểm tra phương tiện ra vào xã.
Gần 5 năm hoạt động, chốt kiểm tra, kiểm soát lâm sản liên ngành cơ bản ngăn chặn được tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép diễn ra trên địa bàn. Hiện chốt còn giữ lại 3 lực lượng gồm: Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa, Đội sản xuất huyện Minh Hóa và Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
 
Mặc dù sinh hoạt, làm nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả nhưng chốt lúc nào cũng có từ 3 đến 4 người, trực 24/24 giờ để kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn.
 
Ông Đinh Hồng Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho hay: “Từ khi thành lập, chốt liên ngành kiểm tra, kiểm soát lâm sản đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Theo đó, các vụ phá rừng, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép tại xã Hóa Sơn đã giảm nhiều qua hàng năm. Lực lượng bảo vệ rừng còn tuyên truyền vận động bà con tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng rất hiệu quả”.
 
Nếu như năm 2016, xã Hóa Sơn có 15 vụ vi phạm lâm luật thì năm 2017 giảm xuống còn 13 vụ (chủ yếu là do gỗ khai thác từ năm 2016 đã được phát hiện và xử lý), năm 2018 giảm xuống còn 6 vụ và năm 2019 xảy ra 3 vụ. Từ năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng bắt 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép ngay trong rừng.
 
Riêng lực lượng tại chốt, năm 2018, đã phát hiện, bắt giữ 6 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, tạm giữ gần 1,2m3 gỗ, trên 9kg phong lan, 5kg động vật hoang dã và vận động người dân giao nộp 1 cá thể voọc Hà Tĩnh. Năm 2019, chốt bắt được 3 vụ, khối lượng gỗ thu được 0,6m3. Từ năm 2020 đến này, tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép qua chốt cơ bản đã chấm dứt.
 
Ông Hoàng Thanh Tâm cho biết thêm: "Để triển khai hiệu quả hơn công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn, chúng tôi tiếp tục tăng cường phối hợp với lực lượng liên ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát lâm sản và các hành vi lấn chiếm rừng, phá rừng, không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý. Trong đó, tập trung kiểm tra việc vận chuyển lâm sản trái phép tại chốt và các đường mòn, đường tiểu ngạch trên địa bàn…".
 
Ngoài việc kiểm tra, kiểm soát lâm sản, các lực lượng bảo vệ rừng tại chốt ở xã Hóa Sơn còn phối hợp với chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi nghề, trồng rừng và chăm sóc diện tích rừng trồng mới. Năm 2019, xã Hóa Sơn trồng mới 55ha rừng, năm 2020 trồng được 75ha và 6 tháng đầu năm 2021 trồng được 38ha, nâng tổng diện dích rừng trồng của xã Hóa Sơn lên 758ha.
 
Xuân Vương