Một số vấn đề rút ra từ vụ cháy rừng ở xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy)

  • 09:20 | Thứ Năm, 17/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy, vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn xã Ngư Thủy Bắc ngày 3-6-2021 được đánh giá là vụ cháy rừng ven biển lớn nhất trên địa bàn huyện từ trước đến nay. Trong 7 giờ đồng hồ, “giặc lửa” đã thiêu rụi 21,7ha rừng phòng hộ, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Qua vụ cháy rừng này, một số vấn đề đã được rút ra trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
 
“Điểm nóng” cháy rừng
 
Vụ cháy rừng tại xã Ngư Thủy Bắc xảy ra vào khoảng 9h30' ngày 3-6-2021. Đám cháy được phát hiện từ một bãi cỏ rười ở xã Thanh Thủy rồi lan rộng ra cả thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc. Diện tích rừng bị cháy chủ yếu là phi lao, tràm, cỏ rười do Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong quản lý và rừng trồng của người dân.
 
Nhận được tin báo, các lực lượng đã huy động nhiều xe chữa cháy chuyên dụng và trên 400 người, gồm: lực lượng dân quân của xã, người dân địa phương phối hợp lực lượng Kiểm lâm, Ban chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện Lệ Thủy và các lực lượng của tỉnh tham gia chữa cháy.
 
Tuy nhiên, đám cháy lớn, kết hợp với gió Nam thổi mạnh khiến việc dập lửa hết sức khó khăn. Đến khoảng 16 giờ, các đám cháy mới được dập tắt. Diện tích rừng bị cháy là 21,7ha, trong đó có 14ha do Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong quản lý và 7,7ha là rừng trồng của người dân.
 
Vụ cháy để lại những bãi đất cát nham nhở cả một vùng rộng lớn. Số lượng cây rừng chết khô nhiều, lớp thực bì, cỏ rười dưới tán rừng gần như bị thiêu rụi hoàn toàn. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân của vụ cháy có thể là do người dân thiếu ý thức trong việc sử dụng lửa trong rừng. Bởi khu vực này có nhiều phương tiện qua lại và nhà dân sinh sống.
 
Trong khi đó, rừng ở đây được trồng cách đây hơn 20 năm, dưới tán rừng là một lớp thực bì, cỏ rười khô ken dày có chỗ cao gần 0,5m. Những tháng gần đây, thời tiết nắng nóng, gió thổi mạnh, độ ẩm thấp nên chỉ cần 1 tàn lửa nhỏ rơi vào cũng sẽ gây ra đám cháy.
 
Trước đây, khu vực rừng này được Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Quảng Bình quản lý, bảo vệ. Khi đó, lực lượng bảo vệ rừng khá đông, chế độ cho lực lượng bảo vệ cơ bản ổn định. Năm 2020, rừng được giao lại cho Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong quản lý.
 
Cũng từ đó, lực lượng bảo vệ rừng dần mỏng đi do liên quan đến việc tinh giản biên chế. Chính quyền địa phương hay kiểm lâm viên của xã cũng không phải là lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, chế độ đãi ngộ thấp. Những nguyên nhân trên khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực này ngày cành khó khăn và dần trở thành “điểm nóng” về cháy rừng.
 
Năm 2020, tại xã Ngư Thủy Bắc đã xảy ra 3 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy trên 3,5ha. Trước khi xảy ra vụ cháy 21,7ha rừng, vừa qua, trên địa bàn xã Ngư Thủy Bắc cũng đã xảy ra vụ cháy 4ha rừng. 
Hiện trường vụ cháy 21,7ha rừng tại xã Ngư Thủy Bắc.
Hiện trường vụ cháy 21,7ha rừng tại xã Ngư Thủy Bắc.
Cần những giải pháp bền vững
 
Vụ cháy rừng tại xã Ngư Thủy Bắc tuy không gây thiệt hại về người, nhưng để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác PCCCR. Hiện trên địa bàn xã còn khoảng 1.500ha rừng các loại cũng đang đứng trước nguy cơ cháy rất cao khi mùa nắng nóng vẫn kéo dài.
 
Ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy cho biết: “Để đối phó với “giặc lửa”, trước đó, lực lượng Kiểm lâm đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng phương án PCCCR, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát rừng, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, trực tại chòi canh lửa 24/24 giờ. Đồng thời, xã Ngư Thủy Bắc chuẩn bị các điều kiện, bảo đảm phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy.
 
Tuy nhiên, công tác PCCCR trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng bảo vệ rừng mỏng, kinh phí hỗ trợ thấp, phương tiện và trang thiết bị chữa cháy còn thiếu, thô sơ”.
 
Cũng theo ông Quế, để hạn chế cháy rừng phòng hộ ven biển, các cấp chính quyền cần quan tâm, hỗ trợ thêm xe chữa cháy lưu động, tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra rừng. Nếu phát hiện có đám cháy, cần nhanh chóng huy động tối đa lực lượng để dập lửa, không để đám cháy lan rộng. Phần thực bì dưới tán rừng cần phải xử lý sạch trước mùa khô; phát đường băng rộng để vừa cản lửa, vừa làm đường ứng cứu khi có xảy ra sự cố cháy…
 
Tuy nhiên, vấn đề này cũng khá nan giải vì đòi hỏi nguồn kinh phí và công sức lớn.
 
Rừng phòng hộ ven biển tại xã Ngư Thủy Bắc nói riêng và các xã ven biển nói chung không có giá trị cao về kinh tế, nhưng lại có giá trị trong việc chắn cát bay, tích trữ nguồn nước ngầm.
 
Theo ông Trần Kim Trung, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc, đơn vị chủ rừng nên cải tạo rừng, nếu cần thiết nên thay rừng tràm bằng cây phi lao. Bởi loại cây này dễ sống trên cát, lại có khả năng phòng hộ cao , tích nước tốt. Nhưng trong quá trình trồng, cần phải phân lô, khoảnh, cắt tỉa cành và dọn thực bì thường xuyên. Quá trình cải tạo cũng phải theo lộ trình, không nên cải tạo cùng một lúc. Có thể chuyển giao đất rừng cho nhân dân sản xuất, trồng cây ăn quả, cây lương thực, mở trang trại...
 
Bởi thực tế cho thấy, vùng đất cát ven biển xã Ngư Thủy Bắc trồng bưởi, khoai lang, rau màu, chăn nuôi khá phù hợp. Nếu được đầu tư, chăm sóc tốt, những loại cây, con trên vùng đất này vẫn phát triển, mang lại nguồn thu lớn cho bà con, hạn chế được cát bay, giảm được nguy cơ cháy rừng…
 
Xuân Vương