Chú trọng phòng cháy, chữa cháy cho tàu cá trong mùa nắng nóng

  • 17:20 | Thứ Hai, 21/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Đặc biệt, tại thời điểm này, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên số lượng tàu thuyền ra khơi ít hơn mọi năm, nhiều tàu nằm bờ.
 
Vì vậy, công tác phòng, cháy chữa cháy (PCCC) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố cháy, nổ xảy ra trên các tàu cá là điều rất cần thiết.
 
Để sẵn sàng ra khơi đánh bắt hải sản dài ngày trên biển, việc trang bị các thiết bị, vật dụng cần thiết, như: hệ thống đèn, bếp gas, bình điện... trên các tàu cá đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, ở nhiều tàu cá, do việc sử dụng bếp gas và lắp đặt hệ thống điện chưa đúng quy định, nên luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến cháy, nổ. Điều đáng nói là, bên cạnh những ngư dân chấp hành tốt yêu cầu về an toàn cháy nổ trên tàu cá, vẫn còn nhiều ngư dân thiếu ý thức trong công tác này. 
Thắp hương thờ cúng trên tàu và hệ thống dây diện chằng chịt sẽ không bảo đảm an toàn PCCC.
Thắp hương thờ cúng trên tàu và hệ thống dây diện chằng chịt sẽ không bảo đảm an toàn PCCC.
Đã có nhiều vụ cháy tàu cá gây thiệt hại lớn xảy ra ở tỉnh ta. Gần đây nhất, vào khoảng 20h ngày 17-12-2020, tàu cá số hiệu QB 91076-TS của ông Trương Hùng (ngụ thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) được kéo vào xưởng sửa chữa, tân trang để chuẩn bị cho chuyến đi biển mới, bất ngờ bốc cháy. Rất may, đám cháy phát hiện sớm và chữa cháy kịp thời nên không gây thiệt hại lớn về tài sản.
 
Trước thực trạng nguy cơ cháy nổ cao trên các tàu cá, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh đã phối hợp các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, tuyên truyền về phòng, chống cháy nổ tàu cá nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa cháy nổ trên tàu cá cho ngư dân. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều phương tiện tàu cá chưa bảo đảm an toàn về đấu nối hệ thống điện, nhất là việc đấu nối với các bình ắc quy, bình đã quá cũ, bị ôxy hóa...
 
Trên các tàu thường chứa lượng lớn chất dễ cháy, như: dầu diesel, các bình gas, các ngư cụ, can nhựa, gỗ, mút xốp. Các hệ thống dây điện đều được bố trí rất chằng chịt, xếp chồng lên nhau, thậm chí có dây còn bị hở đầu nối, dễ dẫn đến chập điện gây cháy, nổ.  
Tàu cá QB 91076-TS của ông Trương Hùng, thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới bị cháy vào cuối năm 2020.
Tàu cá QB 91076-TS của ông Trương Hùng, thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới bị cháy vào cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, việc sử dụng bình ắcquy trên tàu cũng là một trong những nguyên nhân sinh ra nhiệt dẫn đến cháy, nổ. Việc đun nấu, thắp hương thờ cúng, hút thuốc của người dân nếu không kiểm soát được cũng dẫn đến cháy nổ...
 
Trên các tàu hiện nay có rất nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại sử dụng điện với công suất lớn, nhiều loại thiết bị tiếp xúc với nước mặn lâu ngày bị hư hỏng rất dễ dẫn đến chập điện gây cháy, nổ. Đặc biệt là khu vực buồng máy, nơi chứa nhiều hơi xăng, dầu nhờn, máy nổ hoạt động liên tục sinh ra nhiệt độ lớn, điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh cháy.
 
Nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ đối với tàu cá là rất cao, nhưng trên thực tế, ý thức, hiểu biết của ngư dân vẫn còn hạn chế, chưa tuân thủ các quy định an toàn PCCC, còn chủ quan lơ là và không có các biện pháp PCCC kịp thời. Đa số tàu cá và các khu neo đậu tàu thuyền đều không được trang bị phương tiện chữa cháy, nếu có thì cũng rất sơ sài.
 
Thiếu tá Dương Tuấn Anh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CHCN, Công an tỉnh, cho biết, để bảo đảm an toàn PCCC cho các loại tàu cá, cần thực hiện tốt các biện pháp an toàn PCCC.
 
Cụ thể, các chủ tàu cần bố trí hệ thống điện trên tàu cá sao cho gọn gàng, sử dụng loại dây điện có lớp vỏ cách điện, cách nhiệt tốt, đấu lại các mối nối sao cho chắc chắn, không để hở; lắp đặt aptomat cho các thiết bị điện. Cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, dây điện, thiết bị điện, máy móc, ắc quy để kịp thời phát hiện hư hỏng và có biện pháp thay thế, sửa chữa, tránh để chập gây cháy.
 
Mặt khác, giữa các khoang tàu cá phải sử dụng các vách cách nhiệt, đặc biệt là khoang máy, khoang nhiên liệu và khoang bếp nấu ăn. Ngư dân cần hạn chế hút thuốc, thắp hương, đốt vàng mã, nếu có thì phải quản lý chặt chẽ không để nguồn lửa, nguồn nhiệt gần với các chất dễ cháy trên tàu; cần trang bị phương tiện chữa cháy trên tàu và khu vực neo đậu để khi có cháy xảy ra có thể kịp thời chữa cháy; có biện pháp chữa cháy và thoát nạn cụ thể khi có cháy xảy ra.  
Một số tàu cá bị cháy do không trang bị đầy đủ thiết bị PCCC.
Nhiều tàu cá bị cháy do không trang bị đầy đủ thiết bị PCCC.
Đồng thời, ngư dân cần tham gia các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC để có thêm hiểu biết và cách sử dụng các phương tiện chữa cháy.
 
"Đáng chú ý là, tại các khu neo đậu, nên chia tàu cá thành nhiều nhóm nhỏ và phải bảo đảm khoảng cách giữa các tàu để phòng cháy lan; bố trí người bảo vệ, canh gác tại khu vực neo đậu để kịp thời phát hiện cháy, nổ xảy ra; chuẩn bị đầy đủ các trang bị thiết bị PCCC, như: máy bơm chữa cháy di động, lăng, vòi chữa cháy để kịp thời xử lý các đám cháy nhỏ mới phát sinh", thiếu tá Dương Tuấn Anh cho biết thêm.
 
Tàu cá sử dụng nhiên liệu động cơ nhiều, động cơ hoạt động liên tục cùng với hệ thống điện, nếu không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, dễ dẫn đến cháy nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng. Do vậy, ngư dân cần phải nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống cháy nổ trên tàu. Các chủ tàu cần trang bị trên tàu đầy đủ phương tiện chữa cháy, CNCH, như: bình chữa cháy xách tay, áo phao, phao cứu sinh...; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt trên tàu.
 
Hiền Phương