Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới

  • 08:01 | Thứ Bảy, 15/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên phạm vi cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng đạt được những kết quả khá tích cực, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao”.
 
Tham nhũng, tham nhũng vặt ngày càng tinh vi, phức tạp
 
Đánh giá về PCTN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác PCTN không chùng xuống mà tiếp tục khẳng định mạnh mẽ hơn, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng không ngưng nghỉ, không có vùng cấm của Đảng và Nhà nước”.
 
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tham nhũng vặt (TNV) đã được phát hiện và xử lý. Qua các vụ việc, vụ án tham nhũng cho thấy đối tượng tham nhũng rất đa dạng, hình thức tham nhũng tinh vi, lĩnh vực tham nhũng mở rộng. Tội phạm tham nhũng chuyển sang nhiều thủ đoạn mới nhằm đối phó, che giấu dưới các hình thức phức tạp hơn.
 
Bên cạnh các vụ án, vụ việc lớn, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại khá phổ biến, thường xuyên, tập trung trong các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng, thị trường bất động sản, ngân hàng… TNV là mối nguy cơ làm suy giảm lòng tin nhân dân trong hoạt động cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận, văn bằng, chứng chỉ, quản lý thị trường, trật tự an toàn giao thông, y tế, giáo dục…
 
Chủ thể tội phạm tham nhũng có thể nhận diện trong cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng mà ở đó xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý của người đứng đầu, một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện tha hóa, biến chất, nhũng nhiễu. Nếu trong những vụ tham nhũng lớn, chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn thì TNV diễn ra trong mối quan hệ với công chức thừa hành, thực thi công vụ, chức trách nhiệm vụ được giao.
 
Trong giai đoạn mới, hành vi tham nhũng biến tướng thành nhiều thủ đoạn tinh vi. Tính ẩn giấu rất cao của tội phạm tham nhũng tiếp tục là thách thức lớn đối với công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử. Các vụ đại án phát hiện và xử lý thời gian qua cho thấy quy mô, tổ chức, tính chất phức tạp, giá trị tài sản lớn… hình thành nên các đường dây, liên minh tham nhũng. Ngoài ra còn phát sinh những hành vi tham nhũng khác ở một số lĩnh vực nhạy cảm, TNV, tham nhũng “thời gian”…
 
Tại địa bàn tỉnh ta, năm 2020, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Nhà nước tỉnh phát hiện sai phạm trên 15.757 triệu đồng; kiến nghị thu hồi hơn 3.872 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 4.981 triệu đồng. Số tiền thu hồi hơn 9.615 triệu đồng. Nhiều vụ án, vụ việc dư luận xã hội quan tâm, được Thường trực Tỉnh ủy đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo xử lý, như: sai phạm tại Ban quản lý môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới; tiếp tục xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân trong vụ án Nguyễn Ngọc Sơn (xảy ra tại xã Hoàn Trạch cũ thuộc huyện Bố Trạch). 
Đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Quảng Bình tham gia hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ công tác nội chính, PCTN.
Đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Quảng Bình tham gia hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ công tác nội chính, PCTN.
Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN
 
Công tác PCTN, TNV là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Để công cuộc đấu tranh PCTN hiệu quả, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ với quyết tâm cao, trong đó tập trung vào 8 giải pháp cơ bản:
 
Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về PCTN, trong đó tập trung thực hiện đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021 và những năm tiếp theo; tuyên truyền sâu rộng về Luật PCTN.
 
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, bổ sung, ban hành các quy định, cụ thể hóa các văn bản pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả PCTN. Thực hiện nghiêm Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật PCTN; Quy định số 205-QĐ/TW của BCHTW Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 01-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…
 
Xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên trong công việc và trách nhiệm giải trình trước cơ quan có trách nhiệm về những vấn đề liên quan theo quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao. Có cơ chế phù hợp khen thưởng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, lãng phí đúng. Tạo điều kiện, cơ chế đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ chuyên trách làm công tác PCTN. Nâng cao mức sống cho đội ngũ cán bộ, công chức thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao, từ đó chấp hành tốt “bốn không” (không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng) trong PCTN.
 
Kiểm soát hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện nghiêm quy định về công khai minh bạch tài sản và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ, trong đó chú trọng đến Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn về kê khai và kiểm soát kê khai tài sản thu nhập. Mới đây nhất, Quảng Bình và cả nước đã triển khai kê khai tài sản thu nhập quy định tại Luật PCTN và Nghị định số 130/NĐ-CP, ngày 30-10-2020 của Thanh tra Chính phủ.
 
Theo đó, đối tượng phải kê khai tài sản thu nhập rộng hơn bao gồm: cán bộ, công chức; sỹ quan công an nhân dân; sỹ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND…
 
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng; quản lý chặt chẽ cán bộ đảng viên, công chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước. Nhiệm vụ này phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng, chặt chẽ. Kiểm tra toàn diện công tác cán bộ, chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng, dư luận xã hội phản ánh, tố cáo; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. 
Đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị giao ban công tác Nội chính quý I/2021
Đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị giao ban công tác Nội chính quý I/2021
Nâng cao hiệu quả công tác giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong đấu tranh PCTN. Chú trọng thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18-9-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những kiến nghị, phản ánh của dân. Tạo điều kiện cho hoạt động giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQVN các cấp và nhân dân trong PCTN. Phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở, nâng cao vai trò, vị thế và trách nhiệm báo chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong đấu tranh PCTN.
 
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng lãng phí. Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 07-KH/TU, ngày 22-3-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Xử lý nghiêm minh, kịp thời những vụ án, vụ việc tham nhũng theo nguyên tắc tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định pháp luật; không có “vùng cấm” trong đấu tranh PCTN.
 
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN. Trên địa bàn tỉnh, tiếp tục chấp hành nghiêm Quy định số 01-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
 
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, trong đó nâng cao vị thế của Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan trong khối Nội chính. Tăng cường sự phối hợp giữa Ban Nội chính và UBKT Tỉnh ủy, Thanh tra Nhà nước tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng chủ trương, nghị quyết, chương trình công tác PCTN.
 
Nguyễn Lương Bình
(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy)