Thực hiện chủ trương cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp, kết hợp tận thu đất san lấp:

Cần thực nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của UBND tỉnh

  • 07:58 | Thứ Bảy, 24/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chủ trương của UBND tỉnh về việc ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố cấp phép cho các hộ gia đình, cá nhân cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp, kết hợp tận thu đất san lấp phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều vấn đề biến tướng, như lợi dụng chủ trương này để thực hiện mục đích khác...
 
* Chủ trương đúng góp phần phát triển kinh tế-xã hội
 
Ngày 13-6-2016, UBND tỉnh có Công văn số 894/UBND-TNMT về việc cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, UBND tỉnh ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố cấp phép cải tạo đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân, kết hợp tận thu đất san lấp.
 
Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, thực hiện Công văn số 894/UBND-TNMT của UBND tỉnh và Công văn số 702/STNMT-KS, ngày 20-4-2017, Công văn số 752/STNMT-KS, ngày 26-4-2017 của Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) về việc hướng dẫn thủ tục cấp phép cải tạo đất nông nghiệp đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân kết hợp tận thu đất san lấp, đến nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã cấp phép cho khoảng 200 trường hợp.
 
Theo đánh giá chung của các huyện, thị xã, thành phố và các hộ gia đình, cá nhân được cấp phép cải tạo đất nông nghiệp, đây là chủ trương hết sức đúng đắn và hợp lòng dân khi đã tháo gỡ rất nhiều vấn đề, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Vì vậy, đa phần các hộ gia đình, cá nhân được cấp phép cải tạo đất nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị hợp đồng để thực hiện việc cải tạo mặt bằng kết hợp tận thu đất san lấp chấp hành theo phương án, khai thác đúng vị trí, diện tích được cấp phép. 
Sau khi được cấp phép và tiến hành cải tạo đất, không ít hộ gia đình cá nhân đã bỏ hoang khu vực đất đã cải tạo, không thực hiện phương án hoàn thổ, trồng cây phục hồi môi trường... theo quy định.
Sau khi được cấp phép và tiến hành cải tạo đất, không ít hộ gia đình cá nhân đã bỏ hoang khu vực đất đã cải tạo, không thực hiện phương án hoàn thổ, trồng cây phục hồi môi trường... theo quy định.
Cùng với đó, việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, như: tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên... được các hộ thực hiện đầy đủ theo đúng quy định.
 
Việc cải tạo đất được thực hiện từ nhu cầu thực tế của người sử dụng đất để thuận lợi trong việc sản xuất. Quá trình cấp phép cải tạo mặt bằng kết hợp tận thu đất san lấp đã tận dụng kịp thời nguồn đất san lấp để đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án tạo quỹ đất và phát triển sản xuất. Vấn đề này không chỉ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; đồng thời, hạn chế việc khai thác đất san lấp trái phép...
 
*Đã có biến tướng trong thực hiện
 
Bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, qua phản ánh của cử tri với các cơ quan báo chí và qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy: không ít các hộ gia đình, cá nhân sau khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép (thường những mỏ đất cải tạo tận thu này chỉ cấp phép có thời gian 12 tháng-PV), đã biến giấy phép này thành “lá bùa” mang tên “mỏ đất” tận thu, để rồi rầm rộ khai thác khoáng sản. Không ít trường hợp khai thác vượt quá cao độ, độ sâu, trữ lượng; thậm chí có không ít trường hợp “quên” luôn công tác hoàn thổ hay nói cách khác là sau khi tận thu khoáng sản không thực hiện đúng như hồ sơ cam kết ban đầu khi xin cấp phép hoặc có thực hiện thì cũng chỉ theo hình thức đối phó. Bởi mục đích của chính của các hộ gia đình, cá nhân này là lợi dụng chủ trương để xin cấp phép và tạo ra cái “vỏ bọc” cải tạo đất để bán đất thu lợi. Điều đáng nói, lợi dụng chủ trương này, có nhiều hộ gia đình được cấp phép cải tạo đất có tận thu đất san lấp với khối lượng hàng trăm nghìn m3/năm.
 
Đặc biệt, có tình trạng một số hộ dân đã lợi dụng để khai thác ra các khu vực đất lân cận dù chưa được cấp phép để thu lợi bất chính.
 
Các địa bàn được đánh giá là "nóng" trong việc khai thác đất san lấp là các huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.
 
Sau đó, các trường hợp vi phạm đã bị UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm hành chính. Cụ thể, nhiều trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 45 triệu đồng, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính từ việc khai thác đất trái phép hơn 100 triệu đồng/trường hợp vi phạm; đồng thời bị thu hồi giấy phép đã cấp. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm này đã gây ra tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường và làm thay đổi mục đích sử dụng đất, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thực vật, để lại dư luận không tốt trong nhân dân.
 
*Cần thực hiện nghiêm túc và hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh
 
Ngay khi phát hiện thực trạng nói trên, những năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trong khai thác đất san lấp trên địa bàn tỉnh.
 
Ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN-MT) cho biết, trước thực tế này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và để quản lý tốt các trường hợp cấp phép cải tạo mặt bằng có tận thu đất san lấp, Sở TN-MT cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo gửi các huyện, thị xã, thành phố. Các văn bản của Sở đề nghị các địa phương tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định hồ sơ bảo đảm việc cải tạo đất không làm biến dạng địa hình lớn, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên đối với các dự án cho phép cải tạo mặt bằng có kết hợp tận thu đất san lấp; tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt lưu ý, việc cải tạo không làm ảnh hưởng đến an toàn các công trình đường dây điện, hồ, đập thủy lợi và các công trình xây dựng khác. 
Một điểm đang cải tạo đất có tận thu đất có dấu hiệu làm suy thoái môi trường và làm thay đổi mục đích sử dụng đất, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thực vật...
Một điểm đang cải tạo đất có tận thu đất có dấu hiệu làm suy thoái môi trường và làm thay đổi mục đích sử dụng đất, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thực vật...
Sở yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã và các xã giám sát chặt chẽ trữ lượng được phép khai thác, công tác cải tạo phục hồi môi trường và trồng cây sau khai thác, tránh tình trạng lợi dụng cải tạo mặt bằng để khai thác khoáng sản trái phép. Trường hợp phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
 
Cùng với đó, yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân đã được cấp phép cải tạo đất nông nghiệp có kết hợp tận thu đất san lấp sớm triển khai hoàn thành dự án theo đúng phương án được phê duyệt.
 
Trước chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở TN-MT, lãnh đạo UBND các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy... cho biết, đã tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản với việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các phương án cải tạo mặt bằng có tận thu đất san lấp của các hộ gia đình, cá nhân bảo đảm đúng quy định; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;  yêu cầu các hộ khai thác quá độ sâu cho phép tiến hành san gạt mặt bằng, trồng cây phục hồi môi trường khu vực đã khai thác; tính tiền truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các loại phí có liên quan đối với các hộ dân khai thác đất trái phép. Đối với các trường hợp có vi phạm nghiêm trọng, ngoài xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, sẽ đồng thời ra quyết định thu hồi giấy phép đã cấp.
 
Bên cạnh đó, UBND cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản; vận động người dân không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép; phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép…
 
Các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, đơn vị chức năng cần thực hiện nghiêm túc và có giải pháp hiệu quả để thực hiện tốt các chỉ đạo của UBND tỉnh...
 
                                                                                                                        Bùi Thành