Sự sám hối muộn màng

  • 08:22 | Chủ Nhật, 18/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phiên tòa tạm nghỉ để Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành nghị án. Tranh thủ thời gian, hai đứa trẻ đang chơi ngoài sân tòa được người thân đưa vào xin gặp mẹ. Bị cáo ôm các con vào lòng, nước mắt rơi ướt đầu con trẻ… Bị cáo biết với tội trạng do mình gây ra sẽ mất một thời gian rất dài mới có thể đoàn tụ với con cái.
 
Trần Thị Quyên (SN 1987) quê quán xã Quảng Văn, TX. Ba Đồn là con gái út trong gia đình có 8 người con. Từ vùng quê vốn có truyền thống hiếu học, Quyên thi đỗ vào Trường đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai). Tốt nghiệp đại học, Quyên không trở về quê mà quyết tâm bám trụ lại miền Nam, tìm cơ hội đổi đời.
 
Từ năm 2016 đến năm 2019, Trần Thị Quyên thuê nhà tại phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Người thân của Quyên không biết Quyên làm gì nhưng xem ra kinh tế khá vững vàng, tiền bạc tiêu xài không hết, mỗi bước có người đưa, kẻ rước. Bố mẹ, anh em hỏi thăm…, Trần Thị Quyên úp mở rằng đang công tác tại Trường đại học Bình Dương. 
Bị cáo Trần Thị Quyên tại phiên tòa sơ thẩm.
Bị cáo Trần Thị Quyên tại phiên tòa sơ thẩm.
Mỗi lần về quê, trước gia đình, bà con, dòng tộc, Trần Thị Quyên giới thiệu mình đương chức Phó trưởng Phòng quản lý dự án, Khoa hợp tác quốc tế, Trường đại học Bình Dương. Trường đại học Bình Dương đang có nhu cầu tuyển dụng người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại thị trường Canada. Với “cái mác” khá chỉn chu cùng với chiêu bài ngon ngọt theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” của Quyên…, nhiều người thân thích, quan hệ họ hàng tin tưởng “sập bẫy” giao tiền cho Quyên.
 
Có tiền, Quyên dùng vào mục đích tiêu xài cá nhân, liên tục thay đổi chỗ ở để trốn tránh việc trả nợ. Đến tháng 11-2020, Trần Thị Quyên bị bắt theo quyết định truy nã của cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Bình.
 
Có mặt tại tòa với vai trò là người bị hại, anh Hoàng Thanh Lâm (SN 1985) quê quán xã Quảng Hòa kể lại: “Qua lời giới thiệu, tôi gặp Quyên làm hồ sơ đi XKLĐ ở Canada. Trần Thị Quyên giao cho tôi một bản hợp đồng dịch vụ đóng dấu Trường đại học Bình Dương, trong đó Quyên ký với chức danh Phó trưởng Phòng quản lý dự án, Khoa hợp tác quốc tế cùng nhiều tài liệu chứng minh thông tin liên kết đào tạo, tuyển dụng lao động. Với thông tin “ma” rất đầy đủ do Quyên cung cấp, tôi đã 11 lần chuyển tiền cho Quyên trong thời gian hai năm từ tháng 11-2016 đến tháng 11-2018 với số tiền hơn 358 triệu đồng”.
 
Giống như anh Hoàng Thanh Lâm, anh Hoàng Văn Thu (SN 1992), quê quán xã Quảng Văn được Trần Thị Quyên hứa giúp đỡ làm thủ tục sang Canada. Để tạo lòng tin, Quyên giao cho anh Thu bản hợp đồng dịch vụ đóng dấu giả của Trường đại học Bình Dương. Hoàng Văn Thu có 8 lần chuyển khoản, 3 lần giao tiền mặt cho Quyên, tổng số tiền 388 triệu đồng.
 
Trường hợp anh Nguyễn Văn Tình (SN 1971) trú tại thôn Trằm Mé (thị trấn Phong Nha) khá éo le hơn. Anh Tình là con dì ruột Trần Thị Quyên, mỗi lần về quê kỵ giỗ, gặp Quyên, anh “trăm sự, vạn sự” nhờ Quyên giúp đưa con gái Nguyễn Thị Trang sang Canada mong cơ hội “đổi đời”. Anh Tình có 8 lần chuyển cho Quyên với tổng số tiền gần 378 triệu đồng.
 
Để tăng thêm niềm tin cho anh Tình, Trần Thị Quyên đón cháu Trang vào TP. Hồ Chí Minh đăng ký để Trang đi học tiếng Anh. Khi Trang có chứng chỉ ngoại ngữ, Quyên đưa Trang đến một quán cà phê tại tòa nhà có trụ sở Đại sứ quán Canada, thuê người tổ chức sát hạch sau đó kết luận Trang đủ điều kiện XKLĐ sang Canada.
 
“Số tiền đưa cho Quyên, gia đình phải bán hết những tài sản có giá trị và vay ngân hàng. Cho đến giờ vẫn chưa trả cho ngân hàng được một đồng nào", anh Nguyễn Văn Tình xót xa.
 
Với những hành vi trên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã truy tố Trần Thị Quyên với hai tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại các điều 174, 267 Bộ luật Hình sự.
 
Trong quá trình điều tra, truy tố cũng như trước tòa, nhằm “chạy tội” cho mình, Trần Thị Quyên khai người đưa cho mình 3 bản hợp đồng dịch vụ có đóng dấu giả của Trường đại học Bình Dương là Nguyễn Lê Vi Linh, giám đốc một công ty môi giới XKLĐ tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Sau đó Trần Thị Quyên tự ký tên với chức danh giả mạo vào bản hợp đồng rồi giao cho các bị hại. Theo lời khai của Quyên, Cơ quan CSĐT truy vết Nguyễn Lê Vi Linh và công ty “ma” trên, nhưng hoàn toàn không tồn tại.
 
Tổng số tiền Trần Thị Quyên chiếm đoạt của các bị hại: Hoàng Thanh Lâm, Hoàng Văn Thu, Nguyễn Văn Tình trên 1.124 triệu đồng. Số tiền này Quyên dùng tiêu xài cá nhân hết.
 
Trong vụ án này, hành vi phạm tội của bị cáo Trần Thị Quyên đã quá rõ ràng. Với bản thân bị cáo, mặc dù biết không thể đưa người đi XKLĐ tại Canada, nhưng bị cáo vẫn cố tình thực hiện. Khi thấy thời gian dài nhưng “đường sang trời Tây” thăm thẳm, gia đình các bị hại điện thoại, trực tiếp gặp chất vấn Quyên, Quyên trấn an họ bằng cách thuê người mở ra các buổi phỏng vấn rồi tuyên bố họ đã đạt yêu cầu, chờ cấp visa.
 
Và để được cấp visa, các bị hại Hoàng Thanh Lâm, Hoàng Văn Thu, Nguyễn Văn Tình chấp nhận đưa thêm tiền cho Quyên. Chiếm đoạt xong tiền…, Quyên quyết định bỏ trốn, nhưng lưới trời lồng lộng, chạy trời không thoát tội.
 
Tranh thủ thời gian phiên tòa tạm nghỉ để HĐXX tiến hành nghị án, bị cáo Trần Thị Quyên xin gặp con. Hai đứa trẻ đang chơi ngoài sân tòa được người thân đưa vào với mẹ. Người mẹ phạm tội ôm các con vào lòng, nước mắt rơi ướt đầu con trẻ… Bị cáo biết rằng với tội trạng do mình gây ra sẽ mất một thời gian rất dài mới có thể đoàn tụ với con mình.
 
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Trần Thị Quyên 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 6 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hai hình phạt, Trần Thị Quyên chịu án 13 năm 6 tháng tù giam. Ngoài ra, HĐXX còn buộc bị cáo phải khắc phục hậu quả thiệt hại do mình gây ra, đền bù cho anh Hoàng Thanh Lâm hơn 358 triệu đồng; Hoàng Văn Thu 388 triệu và Nguyễn Văn Tình gần 378 triệu đồng.
 
Hồ An