Linh mục Dương Sĩ Nho - Hãy dừng lại trước khi quá muộn!

  • 08:41 | Thứ Sáu, 02/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vừa mới thay đổi địa bàn mục vụ, linh mục Dương Sĩ Nho đã có những việc làm gây sóng gió ở giáo xứ Giáp Tam (Quảng Minh, TX. Ba Đồn), báo hiệu những tháng ngày bất ổn ở giáo xứ nghèo nơi bốn bề sông nước này.
 
Sau hơn 3 năm mục vụ tại giáo xứ Hà Lời (thị trấn Phong Nha, Bố Trạch), đầu năm 2021, Tòa giám mục giáo phận Hà Tĩnh có quyết định thuyên chuyển linh mục Dương Sĩ Nho làm quản xứ giáo xứ Giáp Tam (Quảng Minh, TX. Ba Đồn).
 
Đối với cuộc đời của một linh mục, những địa bàn mục vụ đáng lẽ phải xem như là quê hương thứ hai, là nơi rao giảng những lời hay, ý đẹp của Thiên chúa, ban hành các bí tích, phép mầu nhiệm thánh. Để khi rời xa, những tình cảm, ân đức của linh mục sẽ trở thành dấu ấn, kỷ niệm tốt đẹp đọng lại trong tâm trí của mỗi một giáo dân. Vậy nhưng linh mục Dương Sĩ Nho lại không làm được điều đó mà đã để lại cả một "di sản" đầy tai tiếng ở giáo xứ Hà Lời, như: lợi dụng rao giảng để xuyên tạc, nói xấu chống phá chế độ, bạo hành với trẻ em; kích động giáo dân dừng chạy thuyền nhằm gây sức ép buộc chính quyền phải nâng giá thuê thuyền phục vụ khách du lịch tham quan động Phong Nha, tổ chức cho giáo dân hành lễ bất chấp quy định của Chính phủ nghiêm cấm tụ tập đông người trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bày đủ mê hồn trận “lễ phí”, “trò phí” để tận thu các khoản tiền từ giáo dân… 
Linh mục Dương Sĩ Nho.
Linh mục Dương Sĩ Nho.
Tai tiếng nhất là linh mục Dương Sĩ Nho dùng giáo lý, thần quyền, o bế, gây sức ép buộc giáo dân tháo dỡ cờ Tổ quốc, hạ ảnh Bác Hồ treo trong nhà. Ngoài ra, linh mục Dương Sĩ Nho còn đến từng nhà số giáo dân là đảng viên yêu cầu phải từ bỏ sinh hoạt Đảng, nếu không sẽ không cho đi lễ nhà thờ, cô lập khỏi cộng đồng. Đây hoàn toàn là những việc trái với giáo lý của Thiên Chúa, trái với luân thường, đạo lý của dân tộc Việt Nam.
 
Vậy nhưng khi đặt chân đến giáo xứ Giáp Tam, linh mục Dương Sĩ Nho vẫn tái diễn những sai lầm cũ từng mắc phải ở những địa bàn đã mục vụ như ở giáo xứ Tân Hội, (Hương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh), giáo xứ Hà Lời. Vẫn là cách làm cũ, linh mục Dương Sĩ Nho đi thăm hỏi, chào xã giao tại nhà ở của giáo dân. Khi đến nhà giáo dân nào thấy treo cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, linh mục Dương Sĩ Nho đều yêu cầu tháo dỡ ngay lập tức. Dưới áp lực của linh mục Dương Sĩ Nho, đã có khá nhiều hộ giáo dân phải miễn cưỡng  theo.
 
Hình ảnh cờ Tổ quốc là biểu trưng thiêng liêng, thể hiện khát vọng, sức mạnh, ý chí, khẳng định độc lập, chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời, lá cờ Tổ quốc thể hiện hồn nước, lòng dân, sự hy sinh anh dũng của rất nhiều thế hệ người dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Việc treo cờ Tổ quốc đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của người dân Việt Nam. Đó là nghĩa cử thể hiện lòng yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc của toàn thể người dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo. Nhận thức được ý nghĩa thiêng liêng, cao quý đó, thực hiện chủ trương của Ban Tôn giáo Chính phủ, chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2020, Ủy ban MTTQVN các cấp tỉnh Quảng Bình cùng cả hệ thống chính trị đã có kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân, chức sắc, các tín đồ tôn giáo trên địa bàn treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo, nhà riêng vào các dịp lễ lớn của dân tộc. Qua đó, nhằm khơi gợi tình yêu Tổ quốc, củng cố, thắt chặt tình cảm, mối quan hệ gắn bó cộng đồng.
 
Hưởng ứng chủ trương của Ủy ban MTTQVN các cấp tỉnh Quảng Bình, không chỉ các giáo xứ trên địa bàn tỉnh nói chung mà tại giáo xứ Giáp Tam đã có rất nhiều hộ giáo dân đồng sức, đồng lòng ủng hộ chủ trương thiết thực, ý nghĩa này. Trong năm 2020, nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, như: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30 - 4, Quốc tế Lao động 1 - 5, Quốc khánh 2 - 9… cả giáo xứ Giáp Tam đều rực rỡ màu cờ Tổ quốc.
 
Nhưng trước sức ép của linh mục Dương Sĩ Nho, không ít giáo dân phải miễn cưỡng theo. Dù rất bất bình với yêu cầu của linh mục Dương Sĩ Nho, nhiều giáo dân không muốn nói ra vì sợ bị o ép bởi thần quyền, giáo lý, gây khó dễ khi tham gia sinh hoạt thánh lễ.
 
Trong khi đó, giáo dân giáo xứ Giáp Tam vừa mới trải qua thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại nặng nề, đời sống đang từng bước khôi phục. Đã không cảm thông, chia sẻ với những khó khăn cùng giáo dân, linh mục Dương Sĩ Nho lại bày ra việc xây dựng, sửa chữa nhà phòng. Linh mục Dương Sĩ Nho yêu cầu giáo dân phải đóng 2 triệu đồng/hộ để tu sửa nhà xứ. Trước mắt là mới chỉ có công trình này, còn về lâu dài sẽ đóng thêm 20 triệu đồng/hộ để xây nhà thờ. Trong khi đó, nhà thờ giáo xứ Giáp Tam còn khá mới, chưa có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp, chưa nhất thiết phải phá bỏ để xây mới bằng một nhà thờ khác. Một giáo dân xin được giấu tên than thở: “Sức dân có hạn mà cha (linh mục Dương Sĩ Nho-tác giả) bắt đóng góp kiểu ni nhà con chắc đọa, phải bỏ xứ mà đi nơi khác thôi!”.
 
Việc đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất của giáo hội, như: nhà phòng, cảnh quan xung quanh, đặc biệt là thánh đường trở thành những công trình kiến trúc, tôn giáo linh thiêng làm nơi tổ chức thánh lễ, ban truyền lời Chúa là ước nguyện chung của mỗi tín đồ công giáo chứ không riêng gì các linh mục. Nguồn tài chính để xây dựng các công trình này được huy động từ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, trong đó có sự đóng góp rất lớn công sức, tiền của giáo dân. Song việc đóng góp kinh phí xây dựng phải dựa vào khả năng, điều kiện phát triển kinh tế của từng địa phương, đời sống và mức thu nhập của giáo dân. Linh mục Dương Sĩ Nho không thể huy động sức giáo dân  theo kiểu áp đặt như vậy. Điều đó chỉ thêm tổn hại đến hình ảnh, uy thế của cộng đồng công giáo và bản thân linh mục quản xứ trong mắt giáo dân mà thôi.
 
Sự linh thiêng, uy nghiêm của Đức Chúa không phải ở những thánh đường cao sang mà chính là sự thành kính, ngưỡng vọng từ các tín đồ. Một khi giáo dân bị lợi dụng khai thác đến cạn kiệt... thì chắc chắn những ấn tượng và sự tôn kính về đức tin sẽ không còn vẹn nguyên và tốt đẹp như ban đầu.
 
Kỳ Sơn