Kê khai tài sản thu nhập được triển khai như thế nào?

  • 10:17 | Thứ Bảy, 03/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 19-2-2021, Thanh tra Chính phủ ban hành Công văn số 252/TTCP-C.IV về việc kiểm soát tài sản, thu nhập (TS,TN) đối với người có chức vụ, quyền hạn trên phạm vi toàn quốc. Tại Quảng Bình, Thanh tra tỉnh là cơ quan chủ trì thực hiện. Phóng viên Báo Quảng Bình đã trao đổi với ông Nguyễn Huệ, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh để rõ hơn về nội dung này.
 
Phóng viên (P.V): Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (sau đây gọi tắt là Luật PCTN) và Nghị định số 130/NĐ-CP, ngày 30-10-2020 của Chính phủ về kiểm soát TS,TN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thì lần kê khai này có những điểm mới nào so với những lần kê khai trước, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Huệ: Một số điểm mới nổi bật về kê khai TS,TN quy định tại Luật PCTN và Nghị định số 130/NĐ-CP như sau:
 
1. Mở rộng đối tượng phải kê khai TS,TN: Theo đó, đối tượng phải kê khai TS,TN không còn gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” như quy định tại luật cũ, mà bao gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND.
 
Điểm mới đáng chú ý là đối tượng kê khai TS,TN lần này vừa rộng, vừa có trọng tâm. Trước kia, đối tượng kê khai chỉ là trưởng phòng cấp huyện trở lên thì hiện nay tất cả cán bộ, công chức, kể cả mới tuyển dụng vào đều phải kê khai; riêng viên chức thì từ phó trưởng phòng trở lên. 
 
Như vậy, số lượng người phải kê khai rất lớn, nhưng khác căn bản là trước kia năm nào cũng phải kê khai còn hiện tại chỉ kê khai lần đầu và chỉ một lần như một hoạt động rất bình thường trong hồ sơ cán bộ. Đối tượng chỉ kê khai bổ sung khi tài sản tăng thêm 300 triệu đồng. 
 
Bên cạnh đó, vẫn quy định những người phải kê khai hàng năm là đối tượng có nguy cơ tham nhũng nhiều hơn gồm: người giữ vị trí từ giám đốc sở trở lên; người làm công tác trong một số lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng (tổ chức cán bộ, công tác quản lý và sử dụng tài sản công, tài chính công; những người giải quyết trực tiếp việc của công dân, cơ quan, tổ chức như làm sổ đỏ, thủ tục đăng ký kinh doanh…). Phụ lục Nghị định số 130/NĐ-CP nêu rõ 105 vị trí công việc, cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng trở lên phải kê khai hàng năm.
 
Ngoài ra, còn thêm các đối tượng là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp và 13 ngạch công chức được coi là nắm giữ nhiều quyền lực và có cơ hội để tham nhũng cần kiểm soát, trong đó bao gồm: thanh tra viên, kiểm sát viên, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên của đảng, kiểm soát thị trường, kiểm sát viên, thẩm phán…
 
2. Thêm một số loại TS,TN phải kê khai: Ngoài việc phải kê khai các loại TS,TN theo quy định trước đây như nhà, đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá mà mỗi loại TS giá trị từ 50 triệu đồng trở lên và TS, tài khoản ở nước ngoài... thì Luật PCTN yêu cầu phải kê khai thêm công trình xây dựng và TS khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng. Đồng thời, còn phải kê khai cả tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.
 
3. Biến động TS từ 300 triệu đồng/năm phải kê khai bổ sung: Theo khoản 2, Điều 36 Luật PCTN, người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về TS,TN trong năm giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Trường hợp có biến động TS như trên mà không giải trình hợp lý về nguồn gốc TS, cơ quan kiểm soát TS,TN sẽ tiến hành xác minh.
 
Người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc TS,TN tăng thêm. Đồng thời, có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xác minh TS,TN khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật.
 
 4. Thời điểm kê khai TSTN trước ngày 31-12: Trước đây, luật cũ không đề cập đến phương thức và thời điểm kê khai thì Luật PCTN quy định cụ thể về thời điểm kê khai TS,TN. Theo đó, việc kê khai TS,TN thực hiện theo các phương thức sau:
 
Kê khai lần đầu, áp dụng đối với cán bộ, công chức; sĩ quan; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên. Kê khai hàng năm, áp dụng với người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên; người làm công tác cán bộ, quản lý tài sản công... Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31-12.
 
Kê khai bổ sung, áp dụng với người có biến động về TS,TN trong năm giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31-12 của năm có biến động TS.  
 
5. Bản kê khai TSTN phải được công khai: Điều 39, Luật PCTN nêu rõ: bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm. Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải được công khai theo quy định của Luật bầu cử...
 
 6. Kê khai không trung thực có thể bị buộc thôi việc: Theo khoản 3, Điều 51 Luật PCTN, cán bộ, công chức kê khai không trung thực về TS,TN có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Những trường hợp còn lại có thể bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; không được bổ nhiệm, miễn nhiệm; bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử bầu cử… 
Thực hiện tốt việc kê khai TSTN hàng năm của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những giải pháp hiệu quả để phòng chống tham nhũng
Thực hiện tốt việc kê khai TSTN hàng năm của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những giải pháp hiệu quả để phòng chống tham nhũng
PV: Vậy xin ông cho biết trình tự, thủ tục, các bước triển khai tiến hành như thế nào?
 
Ông Nguyễn Huệ: Kê khai TS,TN triển khai theo các bước như sau:
 
Lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai và hướng dẫn việc kê khai: cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng người có nghĩa vụ kê khai TS,TN lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai được quy định tại Điều 34 Luật PCTN và Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP. Cơ quan, tổ chức gửi mẫu bản kê khai TS,TN theo mẫu quy định, hướng dẫn và yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai thực hiện kê khai TS,TN.
 
Thực hiện kê khai: Người có nghĩa vụ kê khai triển khai theo mẫu (2 bản kê khai) và gửi về cơ quan, tổ chức nơi mình làm việc. Trường hợp bản kê khai không đúng theo mẫu hoặc không đầy đủ về nội dung thì cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu kê khai bổ sung hoặc kê khai lại. Thời hạn kê khai bổ sung hoặc kê khai lại là 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
 
Tiếp nhận, quản lý, bàn giao bản kê khai: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được bản kê khai, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai rà soát, kiểm tra bản kê khai và bàn giao 1 bản kê khai cho cơ quan kiểm soát TS,TN có thẩm quyền quy định tại Điều 30 Luật PCTN.
 
Công khai bản kê khai: Tuân thủ theo Điều 39 Luật PCTN, bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc. Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
 
Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử. Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
 
Chính phủ quy định chi tiết về thời điểm, hình thức và việc tổ chức công khai bản kê khai tại khoản 4, 5, Điều 11 Nghị định 130/2020/NĐ-CP, ngày 30-10-2020 của Chính phủ. Bản kê khai được công khai chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao bản kê khai cho cơ quan kiểm soát TS,TN.
 
Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày. Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai.
 
Việc niêm yết phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ các bản kê khai được niêm yết, có chữ ký xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và đại diện tổ chức công đoàn.
 
Cuộc họp công khai bản kê khai phải bảo đảm có mặt tối thiểu 2/3 số người được triệu tập. Người chủ trì cuộc họp tự mình hoặc phân công người đọc các bản kê khai hoặc từng người đọc bản kê khai của mình. Biên bản cuộc họp phải ghi lại những ý kiến phản ánh, thắc mắc và giải trình về nội dung bản kê khai (nếu có); có chữ ký của người chủ trì cuộc họp và đại diện tổ chức công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị.
 
PV: Nếu đối tượng thuộc diện phải kê khai TS,TN nhưng không thực hiện kê khai hoặc kê khai không trung thực thì sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Huệ: Theo quy định tại Điều 51 Luật PCTN, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc TS,TN tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý như sau:
 
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND kê khai TS,TN không trung thực, giải trình nguồn gốc TS,TN tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.
 
Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai TS,TN không trung thực, giải trình nguồn gốc TS,TN tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.
 
Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà kê khai TS,TN không trung thực, giải trình nguồn gốc TS,TN tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
 
Khoản 3, Điều 21 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định: cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời yêu cầu của cơ quan kiểm soát TS,TN thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
 
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
 
Thanh Long
(thực hiện)