Tuyên Hóa: Báo động tình trạng học sinh sử dụng ma túy

  • 08:35 | Thứ Hai, 29/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với nhiều vùng nông thôn, tình trạng học sinh sử dụng ma túy hay ma túy tấn công vào học đường không còn là chuyện mới lạ. Thế nhưng với huyện miền núi Tuyên Hóa, câu chuyện càng trở nên nhức nhối hơn khi có nhiều học sinh THPT liên quan đến ma túy.   
 
Bữa tiệc sinh nhật trong ma túy
 
Ngày Duy (nhân vật đã được đổi tên), học sinh một trường THPT bị công an bắt quả tang về tội: “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, cũng là ngày bố mẹ và nhà trường mới biết em sử dụng ma túy. Khoảng 21 giờ 30 phút tối hôm ấy, sau khi nhắn tin qua mạng xã hội Facebook với một người bạn nhờ chở đi mua ma túy, Duy mang theo 500 nghìn đồng cùng người bạn này đến địa điểm đã hẹn trước để mua ma túy. Sau khi mua được ma túy, trên đường về, 2 người bị lực lượng Công an bắt quả tang, khi đang giấu trong người 6 viên ma túy loại hồng phiến. Cho đến bây giờ, Duy vẫn không biết vì sao mình bị công an phát hiện.
Hai đối tượng Nguyễn Văn Cường (SN 1993) (ảnh 1) ở thôn Xuân Hóa, xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa) và Mai Xuân Hân (SN 1990) (ảnh 2) ở thôn Thanh Tiến, xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) bị bắt quả tang khi đang tàng trữ, mua bán trái phép 113 viên ma túy tổng hợp vào cuối tháng 1-2021.

Duy kể, Duy bắt đầu sử dụng ma túy từ năm lớp 10, trong bữa tiệc sinh nhật của mình. Số ma túy có được hôm đó là do những người anh em quen biết mang đến cho dùng. Ban đầu, Duy chỉ nghe nói là hồng phiến, chứ không biết đó là một loại chất ma túy. Từ lần đó, Duy vẫn theo những “người anh em” này, (theo như cách gọi của Duy), lúc tụ tập tại nhà, lúc đến các khu vực vắng người để cùng nhau sử dụng. Mỗi tháng, Duy “chơi” từ 1 đến 2 lần. Kể từ bữa tiệc sinh nhật đến ngày bị công an bắt, Duy cho biết, mình đã sử dụng ma túy 8, 9 lần.

 
“Trong các lần sử dụng ma túy, thỉnh thoảng vẫn có một số bạn bè trong trường tham gia. Lần đầu sử dụng thường miễn phí, nhưng từ lần thứ 2 trở đi, mọi người phải nộp tiền để mua ma túy dùng”, Duy cho hay.
 
Mỗi lần, Duy cùng những người bạn của mình phải nộp tiền từ 100 nghìn đến 200 nghìn đồng. Khi gom đủ tiền, Duy liên hệ qua điện thoại nhờ người khác mua. Duy bảo, số tiền có được, ngoài của mẹ cho để ăn sáng, đổ xăng xe máy đi học và thỉnh thoảng xin được của chị gái, phần lớn do Duy chơi bida “ăn tiền” mà có.
 
Cậu học sinh lớp 11 đã kể như vậy với tôi trong giờ nghỉ giải lao ít ỏi giữa 2 tiết học. Duy bảo, Duy là con trai một trong gia đình nông dân nghèo. Vì vậy, bố Duy phải tha phương đi làm ăn xa. Ở nhà với mẹ, đến mùa vụ làm nông, Duy vẫn theo mẹ làm đồng.
 
“Từ khi bị bắt đến nay, em đã không còn sử dụng ma túy nữa, cho dù những “người anh em” lúc trước vẫn gọi điện rủ đi chơi. Và cũng từ ngày đó, ba không còn đi làm ăn xa nữa mà chỉ ở nhà để quản em. Không như trước đây, chỉ có mình mẹ, những lúc nhậu nhẹt say, chỉ cần em gọi điện báo mẹ và xin ngủ lại nhà bạn, mẹ cũng đồng ý”, Duy chia sẻ.
 
Đáng lo ngại!  
 
Khi nghe chúng tôi tìm hiểu thông tin về một số học sinh có sử dụng ma túy (từ nguồn của cơ quan công an cung cấp), thầy Nguyễn Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Bắc Sơn (huyện Tuyên Hóa) tỏ vẻ bất ngờ. Bất ngờ vì con số học sinh có nghi vấn liên quan đến ma túy và bất ngờ vì chỉ mới nghe thông tin, chứ chưa có danh sách, số lượng cụ thể. Trong khi đó, tháng 11-2020, Công an huyện cũng đã từng làm việc với các em tại trường. “Khi thấy công an gọi nhiều học sinh đến làm việc, nhà trường cũng khá bất ngờ. Bởi chúng tôi cũng chỉ nghĩ quá lắm cũng chỉ một vài học sinh thôi!”, thầy Hải cho biết.
 
Thầy Hải còn chia sẻ thêm: “Tình trạng thanh niên, kể cả học sinh khu vực các xã Thanh Hóa, Hương Hóa, Lâm Hóa đã sử dụng ma túy từ rất lâu rồi, nhất là từ khi có Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và đường Hồ Chí Minh. Hàng năm, nhà trường cũng tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật về ma túy cho các em, còn việc các em có sử dụng ma túy hay không, nhà trường không thể biết được. Nhà trường chỉ quản lý các em lúc ở trường, chứ ở bên ngoài các em làm gì thì làm sao biết và quản lý được. Trách nhiệm này thuộc về gia đình và công an. Hơn thế nữa, lúc ở trường, các em cũng không có biểu hiện gì rõ rệt, chỉ thỉnh thoảng có một số em bỏ tiết”.
 
Trả lời câu hỏi về việc quản lý các học sinh liên quan đến ma túy, thầy Hải cho hay: “Chỉ khi công an cung cấp danh sách, số lượng các em, nhà trường mới có cơ sở để mời phụ huynh của các em lên để làm việc, cùng nhau quản lý, giáo dục, ngăn chặn. Chứ giờ đây chưa có cơ sở để mời các em hoặc phụ huynh của các em lên làm việc”.   
Tang vật vụ án.
Tang vật vụ án.
Còn thầy Hồ Ngọc Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Tuyên Hóa cho biết: “Từ khi phát hiện một số học sinh sử dụng ma túy, nhà trường đã gọi các phụ huynh lên làm việc để phối hợp giáo dục, quản lý các em. Thế nhưng, khi nghe thông báo, hầu hết các phụ huynh đều tỏ ra bất ngờ. Riêng với nhà trường, từ lúc đó, chúng tôi đã siết chặt việc quản lý học sinh và tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ma túy trong trường học. Trường cũng đã cấm học sinh tổ chức tiệc sinh nhật ở các quán, cơ sở giải trí; đồng thời, phối hợp với lực lượng công an kiểm soát chặt các cơ sở giải trí, và yêu cầu được cung cấp thông tin các em học sinh có biểu hiện liên quan đến ma túy để quán lý, răn đe”.
 
Việc các em học sinh sử dụng ma túy là câu chuyện không mới, thế nhưng khi nói đến câu chuyện trách nhiệm quản lý, theo dõi, giáo dục các em, các cơ quan, đơn vị liên quan, không phải ai cũng nhận ra được trách nhiệm của mình. 
 
Thiếu tá Trần Vũ Linh, Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự-kinh tế và ma túy (Công an huyện Tuyên Hóa) cho biết, tình trạng sử dụng ma túy loại hồng phiến ở lứa tuổi thanh thiếu niên và học sinh hiện nay rất đáng báo động. Nếu như những năm trước, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa chưa có đối tượng học sinh nào bị phát hiện, bắt giữ, xử lý về các loại tội phạm ma túy, thì từ tháng 6 năm 2020 đến nay, Công an huyện đã khởi tố 2 vụ/3 học sinh về các tội tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Điều đáng nói, qua nắm bắt, khai thác, lực lượng công an còn phát hiện hàng chục học sinh THPT có sử dụng ma túy. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, bên cạnh lý do các em đang ở trong độ tuổi dễ bị các đối tượng ở bên ngoài lôi kéo, rủ rê, mua chuộc, còn do thiếu vắng sự giáo dục, quản lý, giám sát của gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt là phần lớn các em có sử dụng ma túy đều có bố mẹ là lao động tự do và phải đi làm ăn xa.
 
Cần trách nhiệm từ nhiều phía
 
Trở lại câu chuyện của Duy, cùng trong vụ việc này, lực lượng công an cũng đã xác định được một số học sinh có sử dụng ma túy. Thế nhưng, các em chỉ là một trong số những trường hợp khá may mắn, khi được phát hiện và ngăn chặn. Nói may mắn là vì, nếu không bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời, con đường phía trước của những em học sinh như Duy, ai dám chắc chắn điều gì sẽ xảy ra (!?!).
 
Có dịp tiếp xúc với các em, được nghe các em kể chuyện “chơi” ma túy, chúng tôi không khỏi giật mình. Những cậu bé học THPT hồn nhiên kể về việc bản thân chơi ma túy, cứ như đó là một trò tiêu khiển sau những buổi học. Thậm chí, các em còn cùng nhau góp tiền, rồi nhờ người mua ma túy để sử dụng. Không hẳn là chỉ chơi cho biết hoặc bị rủ rê, lôi kéo, các em coi việc sử dụng ma túy gần như một “thú chơi” của tuổi trẻ. Bằng nhiều cách khác nhau, ma túy được các em đưa vào sử dụng trong những bữa tiệc sinh nhật, liên hoan, hoặc cùng nhau nhậu nhẹt.
Công an huyện Tuyên Hóa tuyên truyền giáo, dục pháp luật tại Trường THCS Sơn Hóa.
Công an huyện Tuyên Hóa tuyên truyền giáo, dục pháp luật tại Trường THCS Sơn Hóa.
Thiếu tá Trần Vũ Linh cho hay, lẽ dĩ nhiên, khi tình hình tệ nạn ma túy trong cộng đồng ngày càng tăng cao, thì nguy cơ đe dọa đối với đối tượng thanh thiếu niên, đặc biệt là các em học sinh càng lớn. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm gần đây, Công an huyện đã tăng cường đấu tranh, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc ma túy, qua đó, góp phần răn đe, ngăn chặn một bước sự đe dọa của loại tội phạm này với các đối tượng thanh thiếu niên và học sinh. Số vụ việc, đối tượng về ma túy bị bắt giữ, xử lý ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2018, Công an huyện đã khởi tố 10 vụ/10 bị can; năm 2019, khởi tố 11 vụ/16 bị can; năm 2020 khởi tố 17 vụ/ 28 bị can. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2021, Công an huyện đã khởi tố 11 vụ/20 bị can.
 
Mặc dù công tác đấu tranh với các loại tội phạm này đã tạo sự chuyển biến rõ nét, thế nhưng chưa thể ngăn chặn được tình trạng sử dụng ma túy trong cộng đồng, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên và học sinh. Để hạn chế được tình trạng này, cần sự chung tay từ nhiều phía, đặc biệt là gia đình, nhà trường và xã hội. Bởi với các loại tội phạm về ma túy, việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ đối với cả 2 phía “cung” (người bán) và “cầu” (người sử dụng) mới có thể hạn chế tối đa sự gia tăng trong cộng đồng, thiếu tá Trần Vũ Linh cho biết thêm.   
 
Dương Công Hợp